1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thế hệ Y - người Việt trẻ mong muốn giàu có và thành đạt

Theo kết quả khảo sát về thế hệ Y vừa được Navigos Group công bố, gần 2/3 ứng viên tham gia khảo sát cho biết họ mong muốn "nghĩ lớn" và dự định khởi nghiệp trong vòng 3 năm tới.

Báo cáo dựa trên kết quả khảo sát được thực hiện đối với ứng viên và người tìm việc Việt Nam sinh từ năm 1980 - 1996 trong cơ sở dữ liệu của Navigos Group.

Theo đó, tuổi từ 31-35 được thế hệ này coi là “độ tuổi vàng” để khởi nghiệp với 53% ý kiến lựa chọn của ứng viên. Các lĩnh vực được thế hệ Y yêu thích chọn để khởi nghiệp là bán lẻ, du lịch - nhà hàng, thương mại điện tử và giáo dục lần lượt với tỉ lệ là 31%, 14%, 11% và 10%.

Theo Navigos Group, đây là tín hiệu tích cực cho thấy thế hệ Y là những người dám “nghĩ lớn”. Tuy nhiên từ suy nghĩ mong muốn khởi nghiệp đến việc chấp nhận dấn thân vào “khởi nghiệp” thực sự lại là một câu chuyện khác không được đề cập trong báo cáo này.

Thế hệ Y - người Việt muốn giàu có và thành đạt

Khi tìm hiểu về động lực làm việc của thế hệ Y, Navigos Group nhận thấy mối liên kết chặt chẽ giữa sự nghiệp và năng lực tài chính. Yếu tố về tài chính như lương, thưởng là yếu tố hàng đầu khi họ đưa ra quyết định tiếp tục làm ở công ty này hay chuyển sang công ty khác.

Thước đo về tài chính cũng được thế hệ này sử dụng để đánh giá mức độ phát triển của bản thân trên con đường sự nghiệp, và là động lực thôi thúc họ “dấn thân” vào những thử thách.

71% ứng viên cho biết việc ngày càng chủ động hơn về tài chính cá nhân là thước đo của sự phát triển về mặt nghề nghiệp. 41% cho biết nếu chuyển sang công ty khác, chế độ lương và phúc lợi tốt hơn là điều họ mong muốn.

Bên cạnh đó, đối với những ứng viên có ý định khởi nghiệp, có đến 66% tham gia khảo sát cho biết lý do lớn nhất là họ muốn trở nên thành đạt và giàu có.

Thế hệ Y - người Việt ít gắn bó với tổ chức

Một thực tế đang diễn ra khá phổ biến tại thị trường lao động Việt Nam, đặc biệt với đội ngũ lao động trẻ là sự gắn bó với tổ chức không cao.

Theo Navigos Group, điều này dẫn đến tình trạng ứng viên “nhảy việc” nhiều và nhanh, còn nhà tuyển dụng thì rất khó khăn và tốn kém hơn trong việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới.

Theo kết quả khảo sát, 69% ứng viên thế hệ Y tham gia khảo sát trả lời rằng họ đang cân nhắc chuyển việc. 70% ứng viên làm việc trung bình từ 4 năm trở xuống tại một công ty. Điều này có thể thấy mức độ gắn bó thấp của thế hệ Y với tổ chức.

Hằng Mai