Cạnh tranh kém, doanh nghiệp Việt yếu từ khâu nhân sự
“Thiếu ứng viên kinh nghiệm và có kỹ năng tương ứng khiến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt có nguy cơ suy giảm. Trong khi đó, nguy cơ các công ty quốc tế sẽ chọn Ấn Độ hoặc Trung Quốc để đầu tư vào lĩnh vực công nghệ hơn là Việt Nam đang hiện hữu”.
Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành của Navigos Search chia sẻ những lo ngại về nhân lực tại Phiên hội thảo với chủ đề “Thị trường việc làm ngành Công nghệ thông tin trong thời đại kỹ thuật số: Cơ hội và Thách thức”.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Đối thoại Chính sách cao cấp APEC 2017 về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 11/5 tại Hà Nội.
Trong phần trình bày, bà Nguyễn Phương Mai đề cập đến thị trường tuyển dụng nhân sự Việt Nam với các cơ hội và thách thức cần phải đối mặt. Thông tin được xây dựng trên ngân hàng dữ liệu về thị trường tuyển dụng do Navigos Search và Vietnamworks thuộc Navigos Group thực hiện.
Trong lĩnh vực đầu tư, thống kê của chuyên gia của Navigos, Việt Nam đang là điểm thu hút đầu tư của hơn 110 quốc gia với khoảng 23.000 dự án thuộc nhiều lĩnh vực. Về nhu cầu tuyển dụng nhân lực công nghệ thông tin (IT) khoảng 80.000 nhân sự/năm. Trong khi đó, số lượng sinh viên tốt nghiệp chỉ khoảng 30.000 sinh viên/năm.
Nhận định tổng quát của Navigos, phân khúc nhân sự cấp trung đang có sự cạnh tranh về lương. Điều này thể hiện trong nhiều ngành nghề, gồm: Sản xuất, tài chính, hàng tiêu dùng, bất động sản và công nghệ thông tin.
Đại diện Navigos lo ngại về khả năng tiếng Anh của nhân sự Việt nam. Năng lực tiếng Anh của người tìm việc vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhà tuyển dụng. Trong lĩnh vực IT, khi nhu cầu tuyển dụng các kỹ sư rất lớn thì nguồn cung nhân lực không thể đáp ứng đủ, cả về số lượng và chất lượng.
Bà Nguyễn Phương Mai nhận định, thị trường nhân sự IT vừa thiếu về số lượng cũng như các lao động giỏi về chuyên môn và giỏi ngoại ngữ.
“Do quá cần kỹ sư IT giỏi ngoại ngữ mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài phải thay đổi cả quy trình tuyển dụng, khi ưu tiên tuyển kỹ sư giỏi tiếng Anh trước rồi mới đến tuyển về chuyên môn” - bà Nguyễn Phương Mai nói.
Sau khi Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC), sự “chảy máu chất xám” bắt đầu có xu hướng trở nên mạnh mẽ hơn, đặc biệt đối với nguồn nhân sự cấp trung và cấp cao.
Ngày càng có nhiều nhân sự giỏi trong một số ngành như IT, kế toán/kiểm toán có những cơ hội dịch chuyển việc làm tốt tại các nước trong khu vực. Riêng lĩnh vực IT, giai đoạn 2013-2016, nhu cầu nhân sự đã tăng gấp 3 lần, từ 6.792 vị trí (năm 2013) đã lên tới 14.997 vị trí (năm 2016).
Để khắc phục thực trạng này, bà Nguyễn Phương Mai đưa ra một số các đề xuất với Chính phủ cần triển khai các quy định hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nhân viên, xây dựng các hướng dẫn về định hướng và khuyến khích chuyển dịch lao động trong cộng đồng Kinh tế ASEAN. Bên cạnh đó là các đề xuất khác liên quan đến định hướng giáo dục và tư vấn tuyển dụng cho các doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Phương Mai khuyến nghị việc cần xây dựng hình ảnh doanh nghiệp; đưa ra các kế hoạch học hỏi và phát triển phù hợp với định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Đồng thời, doanh nghiệp cần xây dựng môi trường làm việc và hệ thống khen thưởng tốt để thu hút và giữ chân nhân tài và chú trọng giám sát chất lượng nhân sự
Về Navigos Search
Cùng với VietnamWorks là trang web giới thiệu việc làm trực tuyến thuộc nhóm lớn và lâu đời nhất Việt Nam, Navigos Search là công ty hàng đầu thị trường về cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao, đều thuộc tập đoàn Navigos Group. Từ năm 2013, Navigos Group Việt Nam là thành viên của tập đoàn en group chuyên cung cấp các dịch vụ về tuyển dụng nhân sự có trụ sở chính tại Tokyo (Nhật Bản).
Hằng Mai