1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

80% người lao động vừa làm vừa muốn.... bỏ việc?

Hoài Nam

(Dân trí) - Nhiều nhân sự làm việc, lĩnh lương trong tâm thế muốn chuyển việc, nhảy việc. Có đến 80% người lao động ở các cấp độ tham gia khảo sát muốn chuyển việc và tìm công việc mới vào 6 tháng cuối năm 2022.

Theo báo cáo của VietnamWorks được thông tin tại "Triển lãm và chia sẻ về chuyên đề hành trình sự nghiệp hạnh phúc" vừa diễn ra ở TPHCM, có đến 80% người lao động ở các cấp độ tham gia khảo sát cho biết họ có nhu cầu chuyển việc và tìm kiếm một công việc mới vào 6 tháng cuối năm 2022. 

80% người lao động vừa làm vừa muốn.... bỏ việc? - 1

Nhân sự tại TPHCM dự triển lãm tranh "Hành trình sự nghiệp hạnh phúc" (Ảnh: T.Ng).

Sau đại dịch Covid-19, người lao động có xu hướng bắt đầu tìm kiếm hành trình sự nghiệp đúng với đam mê, lựa chọn công việc mang tới nhiều niềm vui, ý nghĩa với sự phát triển bản thân toàn diện. Đặc biệt, họ hướng đến việc đóng góp những giá trị cho cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, đâu không phải chuyện dễ dàng. 

Chia sẻ tại sự kiện này, diễn giả Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư thiên thần Đông Nam Á cho biết, không ai làm việc mãi mà mong muốn chỉ tạo ra giá trị giống nhau. Chúng ta sẽ mong muốn sự nghiệp của mình càng ngày càng tiến bộ, ngày càng tạo ra nhiều giá trị hơn...

Bà Nguyễn Phi Vân nhấn mạnh, chính mỗi người phải quản trị chính bản thân, cần xác định được điều gì mình có thể chấp nhận. Nếu bạn ở trong tập thể mà những giá trị không giống mình thì có thể thay đổi tập thể. Công việc không giống những giá trị của mình thì có thể thay đổi công việc. Một tổ chức có văn hóa, giá trị không giống những giá trị mình theo đuổi thì có thể cần thay đổi tổ chức.

Xác định được giá trị bản thân thì chúng ta sẽ tìm được nơi chốn, cộng đồng, những người đồng hành. 

Với vấn đề hạnh phúc, đặc biệt là hạnh phúc trong công việc, diễn giả Nguyễn Phi Vân cho rằng: "Chúng ta có 1001 lý do để từ chối hạnh phúc". Bà gặp nhiều trường hợp đưa ra các lý do "nhà em nghèo", "em phải kiếm tiền"; "em học ngành đi làm lâu rồi giờ kêu em đi tìm lại ước mơ", "đam mê em không dám"... 

80% người lao động vừa làm vừa muốn.... bỏ việc? - 2

Diễn giả Nguyễn Phi Vân chia sẻ về chủ đề hạnh phúc trong công việc (Ảnh: T.Ng).

Tác giả cuốn sách "Tôi, tương lai & thế giới" nhắn nhủ, mỗi người hãy xem ngày hôm nay là ngày số 0 để đập tan những lý đó. Điều này bắt đầu bằng nền tảng cơ bản nhất tôi làm gì thì tôi sẽ hạnh phúc? Và để làm được việc mình muốn thì mỗi người phải luôn nỗ lực, tâm thế luôn sẵn sàng dấn thân, bứt phá. 

Theo kết quả khảo sát về thị trường lao động nửa đầu năm 2022 của Anphabe chỉ ra thị trường đang chứng kiến nhiều xáo động trong nguồn nhân lực và tổ chức trên quy mô lớn.

Trào lưu nghỉ việc ồ ạt đã bắt đầu xuất hiện từ giữa năm 2021 khi báo cáo của Microsoft cho thấy có tới 42% người đi làm trên thế giới chia sẻ rằng họ đang có ý định "nghỉ việc". Trào lưu này đã lan tới Việt Nam khi tỷ lệ người đi làm đang tìm kiếm công việc mới trong 6 tháng gần nhất là 58%.

Bước sang 2022, những hoạt động tìm kiếm công việc mới này đã nhanh chóng chuyển thành thực tế nghỉ việc rất cao được ghi nhận tại các doanh nghiệp, cao nhất so với 3 năm trở lại đây. Trong đó, ngành Pháp lý, Nhân sự, Marketing có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất lên đến hơn 40%. Người lao động càng trẻ, tỷ lệ nghỉ việc càng nhiều, con số lên đến 36%.

Khảo sát này cũng cho thấy liên quan tới tình huống nghỉ việc, người lao động hiện nay có hai xu hướng khác với trước kia. Thứ nhất, họ không nhất thiết phải tìm được việc mới rồi nghỉ việc cũ như trước đây. Thứ hai, người đi làm công khai chia sẻ dự định nghỉ việc hơn.

Đáng chú ý, theo số liệu từ các khảo sát, tỷ lệ những người đã nghỉ việc muốn chuyển sang ngành khác rất cao. Trung bình cứ 10 người nghỉ việc, có 4 người muốn chuyển sang ngành khác (chiếm 40%). Trong đó, cao nhất đến từ ngành Viễn thông (66%); du lịch (54%); điện tử (53%); vật liệu (53%); quảng cáo (51%)…

Trên thị trường lao động, nhiều người gọi gen Z là thế hệ nhảy việc. Một chuyên gia nhân sự tại TPHCM bày tỏ ông không ngạc nhiên trước tình trạng này và dự báo tình trạng nhảy việc sẽ tiếp tục tăng trong nhiều năm tới. 

80% người lao động vừa làm vừa muốn.... bỏ việc? - 3

Nhân sự trẻ tìm hiểu tại ngày hội việc làm ở TPHCM hồi tháng 10 (Ảnh: A.S).

Không phải chỉ vì gen Z nóng vội, không hiểu mình, không hiểu việc như nhiều suy đoán. Chuyên gia này lý giải ở thế hệ trước công việc gắn liền với cơm áo gạo tiền, gắn liền với mưu sinh nên rất ít người có khái niệm nghỉ việc, nhảy việc. Nhưng với thế hệ trẻ, công việc không đơn thuần là để kiếm tiền mà phải gắn liền nhiều giá trị như khác như đam mê, hạnh phúc, phát huy được khả năng, thể hiện được giá trị cho xã hội... 

Họ sẽ rất khó để chấp nhận một công việc chỉ vì kiếm tiền mà không yêu thích, không thể hiện được cá tính của mình. 

Chưa kể, yêu cầu đối với công việc của người trẻ cũng thay đổi. Họ không chấp nhận sự ràng buộc cả tuần đến công sở, giam mình ở văn phòng làm việc để lĩnh lương rồi cuối tuần nghỉ ngơi đi du lịch.

Chuyên gia này cho rằng nhân sự trẻ có xu hướng đến công việc tự do, không ràng buộc... Mô hình làm việc văn phòng, công sở ngày 8 tiếng sẽ không còn bền vững trong tương lai.