Thế giới đào tạo phi công ra sao?
Việc tuyển chọn và đào tạo phi công thường được phân chia làm hai ngành cụ thể: phi công dân sự (bao gồm cả thương mại) và phi công quân sự.
LTS: Dư luận hiện nay đang quan tâm đến vấn đề đào tạo phi công ở Việt Nam, nhất là sau khi đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đưa ra một số thông tin về đào tạo phi công Vietnam Airlines. Pháp Luật TP.HCM có bài giới thiệu về quy trình tuyển chọn và đào tạo phi công tại một số nước để độc giả tham khảo, soi chiếu.
Do đặc thù của công việc nên đào tạo phi công quân sự thường yêu cầu các tiêu chuẩn cao hơn nhiều so với ngạch dân sự, trong khi các tiêu chuẩn khởi điểm của hạng phi công nào vốn đã rất khắt khe. Điều kiện tiên quyết luôn là đáp ứng được các yêu cầu về thể lực, trí lực và có hiểu biết về hàng không.
Ở bình diện thế giới, quy trình và yêu cầu đào tạo ở các quốc gia có lịch sử hàng không lâu đời như Anh, hay mới nổi như Ấn Độ, Philippines… đều có sự tương đồng cao, nhắm đến các chuẩn mực khắt khe nhất.
Mỹ và EU: Tiêu chuẩn gắt gao nhất thế giới
Mỹ quy định rất chặt chẽ về hoạt động hàng không, được ban hành và quản lý bởi Cục Hàng không Liên bang (FAA) trực thuộc Bộ Giao thông vận tải (USDOT). Một phi công phải có đủ các chứng chỉ được quy định ở Điều 61 (nếu được đào tạo tại các cơ sở được FAA chứng nhận) hoặc Điều 141 Mục 14 Bộ luật Liên bang, còn được gọi là Bộ luật Hàng không Liên bang (FARs).
Đối với ngạch dân sự, một học viên sẽ bắt đầu từ cấp bậc học viên trước khi có thể đạt được chấp thuận tham gia đội bay thương mại. Luật hàng không quy định các hạng mục cụ thể cho từng loại bằng cấp phi công như học viên, phi công thể thao, biểu diễn, tư nhân và cuối cùng là thương mại.
Yêu cầu của cấp bậc học viên là người có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh từ 16 tuổi, vượt qua được các bài kiểm tra về kiến thức và hoạt động hàng không của FAA. Người có bằng này chỉ được bay trong điều kiện thời tiết thuận lợi, không được chở hành khách hoặc tham gia hoạt động thương mại.
Đối với yêu cầu sức khỏe, giấy chứng nhận AME là bắt buộc cho tất cả cấp học viên. Tiêu chuẩn sức khỏe cũng được chia theo các cấp bậc của hạng phi công, như hạng ba dành cho phi công tập sự, hạng hai dành cho phi công tư nhân và hạng nhất là bắt buộc cho phi công thương mại. Yêu cầu của Mỹ cũng khắt khe hơn các nước, như đối với thị lực thì tầm nhìn xa phải đạt 20/20, nhìn gần 20/40 trong khoảng cách 32 inch (có hoặc không kính), không có các tật về màu sắc, thính lực nghe rõ được tiếng động ở khoảng cách 2 m, không mắc các tật về tai, mũi, họng hay tiền đình.
Các phi công không bị giới hạn ở chiều cao, cân nặng nhưng phải đảm bảo được huyết áp dưới 155/95 và dĩ nhiên là không sử dụng các chất kích thích trong vòng hai năm gần nhất. Đáng lưu ý là tiêu chuẩn sức khỏe hạng nhất ở Mỹ cũng áp dụng tương tự với châu Âu (theo Hiệp hội Hàng không châu Âu - EASA), bắt buộc các phi công phải vượt qua bài kiểm tra điện tâm đồ khi ở tuổi 35 và hằng năm đối với những người từ 40 tuổi trở lên.
Sau khi kết thúc khóa đào tạo, thường 150-250 giờ bay, nếu vượt qua được các bài thi sát hạch, học viên sẽ được cấp chứng chỉ thương mại (Commercial Pilot - CPL) nhưng chưa thể trực tiếp điều khiển máy bay chở hành khách. Học viên cần phải tích lũy tối thiểu 1.500 giờ bay (1.200 nếu bay trực thăng), 500 giờ bay xuyên quốc gia, 100 giờ bay đêm và 75 giờ bay mô phỏng nữa mới có thể lấy chứng chỉ hành nghề ATP (yêu cầu giờ bay tích lũy sẽ thấp hơn nếu có bằng cử nhân hoặc đã từng là quân nhân).
Như vậy, sau khi hoàn thành một khóa học kéo dài 6-7 tháng, học viên sẽ phải tích lũy kinh nghiệm trong nhiều năm (thường dưới vai trò cơ phó) để có thể hoàn toàn trở thành một phi công hợp lệ. Ngạch quân sự còn đòi hỏi phi công phải vượt qua được nhiều bài kiểm tra gắt gao hơn như AFOQT, IFT, UPT.
New Zealand và Philippines: Kiểm tra sức khỏe gắt gao
Các trung tâm đào tạo phi công của New Zealand thu hút rất nhiều học viên châu Á do chi phí hợp lý và lợi thế về khoảng cách địa lý.
Tương tự như Mỹ, học viên cũng phải đạt được yêu cầu ICAO 4 về tiếng Anh, có sức khỏe và tâm lý ổn định. Số thời gian cho chứng chỉ học viên cũng tương ứng với các trung tâm ở Mỹ. Tuy nhiên, các quy định ở New Zealand phần nào ít khắt khe hơn, như đối với sức khỏe cho các phi công thương mại thì chuẩn sức khỏe hạng 1 với thị lực chỉ yêu cầu 20/30 khi nhìn xa, chứng chỉ CPL chỉ cần 200 giờ bay là có thể thi tuyển và rút ngắn thời gian còn 1.000 giờ bay tích lũy để lấy chứng chỉ hành nghề ATP nếu lái trực thăng.
Mặt khác, để có thể nhận được chứng chỉ hành nghề ATP tại New Zealand lại cần đến bảy kỳ thi sát hạch. New Zealand cũng khắt khe hơn khi tuyển chọn phi công đầu vào khi các học viên có nguyện vọng ngoài việc phải vượt qua được các tiêu chuẩn nêu trên, học viên tương lai cần phải có đủ số điểm từ các bài kiểm tra mô phỏng và năng lực như ADAPT và COMPASS để có thể được cân nhắc nhận vào học. Đây cũng là các bài kiểm tra bắt buộc trong các chương trình đào tạo ở Anh. Bằng CPL của New Zealand có giá trị tương đương và được công nhận bởi đa số hiệp hội hàng không, nhất là ở châu Á.
Trong khi đó, Philippines đang nổi lên như là một trung tâm đào tạo phi công hấp dẫn, không chỉ ở châu Á mà cả thế giới. Các học viên tuy không phải thi quá nhiều bài kiểm tra đầu vào nhưng phải đủ điều kiện sức khỏe, khả năng ngoại ngữ và độ tuổi quy định để có thể đăng ký nhập học. Về sức khỏe, các tiêu chuẩn hạng nhất ở Philippines khá tương đồng với New Zealand nhưng yêu cầu học viên phải có chiều cao tối thiểu 1,62 m.
Học viên cần hoàn tất 150 giờ bay để có thể đăng ký dự thi sát hạch lấy chứng chỉ thương mại (CPL). Do ưu thế về địa lý nên sau khi tốt nghiệp, các học viên có thể ứng tuyển ngay các hãng hàng không lân cận, tích lũy giờ bay để có thể sớm thi lên chứng chỉ hành nghề ATP. Như tại Trung tâm đào tạo AAA ở thủ đô Manila, 100% học viên sau khi đào tạo đều tìm được việc làm tại các hãng hàng không châu Á. Philippines hứa hẹn sẽ tiếp tục là một trung tâm đào tạo lý tưởng cho những ai đam mê hoạt động với bầu trời.
Theo PLO.VN