1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Kon Tum:

Thầy giáo bỏ nghề, làm giàu với bí quyết "độc tôn" làm thịt hun khói

Nay Sắt

(Dân trí) - Từng là giáo viên, anh Hồ Việt chuyển hướng khởi nghiệp với món thịt hun khói học được từ người Giẻ Triêng ở Kon Tum.

10 năm "học lỏm"

Cơ sở sản xuất thịt hun khói của anh Hồ Việt (40 tuổi) nằm ở thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum). 

Theo anh Việt, sinh sống ở huyện Đăk Glei (Kon Tum) trong hơn 10 năm, anh thường thấy bà con người Giẻ Triêng làm món thịt hun khói để mang lên nương rẫy ăn. Khi về huyện Đăk Hà, anh bắt chước làm thử và biếu cho bạn bè khắp nơi thưởng thức. Ăn một vài lần, nhiều người đã đặt anh làm bán.

Thầy giáo bỏ nghề, làm giàu với bí quyết độc tôn làm thịt hun khói - 1

Để thực hiện ước mơ phát triển món thịt hun khói, anh Hồ Việt đã từ bỏ nghề giáo viên bộ môn mỹ Thuật (Ảnh: NVCC).

Đang làm giáo viên bộ môn mỹ thuật ở một trường Trung học cơ sở, anh xin nghỉ dạy để tập trung phát triển sản phẩm của mình. Tuy nhiên, anh Việt gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn khởi nghiệp, nhất là việc tìm được loại củi tỏa khói thơm phù hợp, tạo ra hương vị mà anh mong muốn.

"Ở huyện Đăk Glei, người Giẻ Triêng thường dùng củi giẻ để làm cho miếng thịt hun khói có vị thơm, đậm đà, mang đặc trưng của vùng Tây Nguyên. Sau khi chuyển xuống huyện Đăk Hà, vì loại củi này hiếm nên tôi đã thử hàng chục loại củi nhưng không tìm được hương vị như lúc trước. Việc này đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng thịt khi hun, hương vị cũng không như ý", anh Hồ Việt kể.

Thầy giáo bỏ nghề, làm giàu với bí quyết độc tôn làm thịt hun khói - 2

Anh Hồ Việt đã phải trải qua nhiều khó khăn để tìm được bí quyết riêng cho món thịt hun khói mang đậm hương vị Tây Nguyên (Ảnh: NVCC).

Sau nhiều tháng hun khói thịt bằng đủ loại củi, anh Việt cũng đã tìm được cây cà phê có mùi gần giống thịt hun khói gốc. Đặc biệt, vị khói cà phê thấm vào thịt rất kích thích vị giác. Từ đó đến giờ, anh Việt lựa chọn củi cà phê để hun thịt.

"Khi làm món thịt hun khói thì phải ướp thịt vừa vị, đảm bảo thơm ngon mà không bị hư. Người không biết thì khi làm thịt thường không bảo quản được lâu hoặc thịt sẽ bốc mùi khó chịu", anh Việt tâm sự.

Anh Việt cho biết, muốn thịt không bị hư thì chìa khóa nằm ở việc điều chỉnh cường độ lửa, vị khói và thời gian lên giàn. Qua nhiều lần thử, anh dùng thân cây cà phê đốt lấy khói hun thịt rồi điều chỉnh lửa to, nhỏ phù hợp thì thấy thịt rất thơm, ngon. Lúc tìm ra bí quyết, anh Việt mừng đến rưng rưng nước mắt. Chính điều này làm nên chất riêng của thịt hun khói nhà anh.

Thầy giáo bỏ nghề, làm giàu với bí quyết độc tôn làm thịt hun khói - 3

Từ thịt gác bếp của người Giẻ Triêng mà anh Việt đã biến tấu, chỉnh lại hương vị cho phù hợp (Ảnh: NVCC).

Sau 8 tháng thử nghiệm, sản phẩm mang hương vị độc đáo cũng ra đời. Thịt hun khói của anh được nhiều người khen ngon và đặt mua với số lượng lớn. Ngoài phục vụ những thực khách ở gần, anh Việt còn hút chân không, bảo quản lạnh sản phẩm để gửi cho bà con ở xa. Thịt bỏ tủ lạnh, khi ăn, chỉ cần nướng chín lại trên bếp than hồng, mùi vị vẫn như thịt mới ra lò.

Đặc sản vang danh

Để làm thịt hun khói, anh Việt chỉ sử dụng thịt heo làng, bà con bản địa nuôi thả rông. Thịt dùng để hun khói thường là ở phần đùi, vai. Thịt được cắt thành từng thớ khoảng 30x4cm rồi ướp với các loại trái, hạt, củ và rễ cây rừng như quả Luh, hạt Roong-Gọ, củ Sãoh...

Khi ướp được khoảng 30 phút, anh Việt sẽ xiên thịt vào que treo lên bếp. Anh cho biết, công đoạn này phải làm thật nhanh để giảm thời gian thịt tiếp xúc với không khí, môi trường, giữ cho thịt tươi, ngon. Cứ trở thịt đều trên bếp như thế đến 2 ngày 2 đêm là có thể mang ra sử dụng được. 

Thầy giáo bỏ nghề, làm giàu với bí quyết độc tôn làm thịt hun khói - 4

Anh Việt chỉ sử dụng heo làng bà con nuôi thả để làm thịt hun khói vì heo ở đây ít bệnh, chắc thịt (Ảnh: NVCC).

Theo lời anh Việt, hơn 3kg thịt tươi mới làm ra được 1kg thịt hun khói. Chính vì vậy, thịt heo hun khói được anh bán với giá khá cao, 625.000 đồng/kg. Mỗi tháng, cơ sở của anh làm ra vài tạ thịt hun khói. Vào ngày lễ, tết, cơ sở chế biến hơn 5 tấn thịt hun khói, có khi không kịp có sản phẩm để gửi khách.

Không chỉ làm ra món thực phẩm đặc trưng để giới thiệu với mọi người khắp các miền, anh Việt còn giúp bà con trong các làng tiêu thụ heo với mức giá cao hơn thị trường.

Anh Việt cho biết: "Những ngày giá heo xuống tận đáy, tôi vẫn thu mua cao hơn nhằm hỗ trợ bà con. Dù giá thị trường chỉ 100.000 đồng/kg, tôi vẫn giữ giá, mua thịt cho bà con với giá 130.000 đồng/kg heo trưởng thành. Sau khi làm thịt hun khói, tôi còn biếu lại bà con mình phần thịt ba chỉ, lòng, đầu… để cải thiện thêm bữa ăn". 

Thầy giáo bỏ nghề, làm giàu với bí quyết độc tôn làm thịt hun khói - 5

Hơn 3kg thịt tươi mới làm ra được 1kg thịt hun khói. Những xiên thịt trở đều trên bếp như này trong 2 ngày 2 đêm là có thể mang ra sử dụng được (Ảnh: NVCC).

Làm thịt hun khói không chỉ để bán kiếm thêm thu nhập, anh Việt còn mang tâm nguyện phát triển du lịch cộng đồng, ẩm thực của người dân bản địa. Cũng vì thế, anh luôn tạo điều kiện để cấp giống heo miễn phí cho bà con đồng bào dân tộc nuôi và cam kết bao tiêu khi heo đủ độ tuổi xuất chuồng. 

Nhiều năm qua, anh Việt đã thu mua và cấp giống heo ở các xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy), Ngọc Réo (Đăk Hà)… Nhờ vậy, một năm, mỗi hộ gia đình có nguồn thu trên 50 triệu đồng từ việc bán heo cho anh Việt. 

Cũng theo anh Hồ Việt, xuất thân từ làng nghèo ở huyện Đăk Glei, hầu hết là người dân Giẻ Triêng đều gặp khó khăn trong việc phát triển kinh tế. Chính vì vậy, anh mong muốn tạo việc làm để người dân nơi đây dần thoát nghèo, nâng cao đời sống.