Ninh Bình:
Thất nghiệp vì Covid-19, nhân viên du lịch "chân lấm tay bùn" mưu sinh
(Dân trí) - Khu du lịch ở Ninh Bình đóng cửa vì Covid-19 khiến các nhân viên thất nghiệp, để duy trì cuộc sống nhiều người phải chấp nhận làm công việc "chân lấm tay bùn" mưu sinh qua mùa dịch.
Lao đao vì Covid-19
Từ đầu tháng 5, tất cả các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phải tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19 khiến hàng nghìn lao động bị thất nghiệp.
Đa phần những người làm việc trong các khu du lịch ở Ninh Bình đều là người dân địa phương. Những người trung tuổi thì tham gia các công việc tay chân như: Chèo đò, phụ bếp, quét dọn, buồng phòng. Những người trẻ hơn thì làm lễ tân, hướng dẫn viên, nhân viên văn phòng.
Chị Đỗ Thị Thu Lý, Giám đốc điều hành khu du lịch Hang Múa (xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư), cho biết: "Trước đây, người lao động có việc làm ổn định, thu nhập hàng tháng từ 4-6 triệu đồng, các chế độ BHXH, BHYT được công ty hỗ trợ đóng. Thời điểm hiện tại, không có thu nhập, các chế độ cũng phải tạm ngừng".
Cũng theo chị Đỗ Thị Thu Lý, những nhân viên làm việc ở khu du lịch đều làm việc lâu năm nên đã quen với công việc chính là phục vụ trong nghề du lịch. Khi bị thất nghiệp, nhiều người khó tìm kiếm được công việc khác nên đành chấp nhận chờ du lịch mở cửa trở lại để đi làm.
Chị Đinh Thị Hiền (SN 1990, xã Ninh Xuân) làm lễ tân cho khu du lịch trên địa bàn được 4 năm nay, chồng làm lao động tự do. Hơn một tháng qua thất nghiệp vì Covid-19, kinh tế của gia đình chị cũng bị ảnh hưởng nhiều.
"Không có việc làm, không có thu nhập nên hơn một tháng qua tôi phải xoay đủ nghề để duy trì cuộc sống cho gia đình 5 người. Ngày công lao động cũng chỉ được từ 200.000-250.000 đồng mà làm việc vô cùng vất vả", chị Đinh Thị Hiền nói.
Cùng cảnh thất nghiệp nhưng không thể tìm được công việc để làm thêm, chị Nguyễn Thị Lan (SN 1993) đành ở nhà làm nội trợ. Công việc chính của chị là nhân viên văn phòng của Khu du lịch trong vùng di sản thế giới Tràng An.
Hiện giờ, gánh nặng duy trì cuộc sống lại đổ lên vai chồng chị làm nghề lái taxi. Đang mùa dịch, anh cũng không có khách nên thu nhập bị ảnh hưởng nhiều.
Mưu sinh bằng nhiều cách
Nhằm tạo điều kiện cho mọi người có thêm thu nhập, chị Đỗ Thị Thu Lý đã tìm kiếm và tạo thêm việc làm cho nhân viên trong mùa dịch.
Theo đó, tại khu du lịch Hang Múa có diện tích đất trồng lúa và trồng sen lớn, hàng năm trồng để phục vụ du khách chụp ảnh. Vì khu du lịch phải đóng cửa nên không ai đến "check in", các nhân viên được tạo điều kiện đến thu hái hoa sen, gặt lúa để có thêm thu nhập.
"Những nhân viên đến lao động, công ty sẽ ghi lại ngày công rồi chi trả tiền lương hàng ngày cho mọi người. Số tiền thu nhập tuy không cao nhưng mọi người đều vui mừng vì trong lúc thất nghiệp lại có được việc làm, có thêm thu nhập để đảm bảo cuộc sống, dù công việc làm tuy có vất vả hơn bình thường", chị Đỗ Thị Thu Lý cho biết.
Chị Hoàng Thị Lan, nhân viên nhà hàng chia sẻ: "Khu du lịch đóng cửa khiến chị em chúng tôi thất nghiệp, may công ty tạo thêm việc làm mỗi tháng cũng có thêm hơn 3 triệu đồng".
Thu nhập thấp, việc làm có nặng nhọc hơn nhưng chị Hoàng Thị Lan cũng cảm thấy còn may mắn hơn nhiều người thất nghiệp ở nhà không tìm được việc làm. Số tiền hơn 3 triệu đồng từ những ngày công lội bùn gặt lúa, hái sen chi tiêu tiết kiệm cũng đủ lo bữa ăn hàng ngày cho gia đình.
Chị cũng như hàng trăm lao động khác, chỉ mong sao dịch Covid-19 sớm được ngăn chặn, du lịch được hoạt động trở lại.