1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ninh Bình: Nghề chèo đò "khóc ròng", chờ cả tháng kiếm được… 150.000 đồng

Thái Bá

(Dân trí) - Vắng khách do Covid-19, cả tháng, người chèo đò ở bến thuyền Tam Cốc "họa may" mới được giao chở một chuyến với số tiền công 150.000 đồng. Không có việc làm khiến nhiều người điêu đứng, chuyển nghề.

Chờ "dài cổ" mới kiếm được... 150.000 đồng

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, khách nước ngoài không sang Việt Nam du lịch, du khách trong nước giảm, bến thuyền Tam Cốc (khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) ở Ninh Bình trở nên vắng vẻ. Trước kia, nơi đây là điểm du lịch nhộn nhịp, thu hút hàng nghìn lượt du khách đến tham quan mỗi ngày.

Thời kỳ khách đông (năm 2018 - 2019), mỗi tháng những người làm nghề chèo đò chở khách đi tham quan khu du lịch cũng có thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng.

Ngoài ra, họ còn được thêm tiền "bo" của những vị khách vì sự phục vụ tận tình. Nhờ nghề chèo đò mà nhiều gia đình ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải bớt nghèo khó, không phải chạy ăn từng bữa như trước, vươn lên thoát nghèo.

Ninh Bình: Nghề chèo đò khóc ròng, chờ cả tháng kiếm được… 150.000 đồng - 1

Ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch UBND xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) cho biết, bến thuyền Tam Cốc hiện nay có 1.290 chiếc đò (mỗi chiếc đò có 1 số hiệu) của 1.290 hộ dân thôn Văn Lâm. Từ khi du lịch phát triển, nghề chèo đò là công việc kiếm kế sinh nhai cho nhiều hộ gia đình.

"Mỗi chuyến chèo đò chở khách, chủ đò được hưởng số tiền công 150.000 đồng. Thời kỳ du lịch đông khách như trước kia, bà con mỗi tháng cũng có thu nhập hàng triệu đồng. Hai năm trở lại đây khách vắng, mỗi tháng, mỗi hộ dân mới có 1 chở 1 chuyến đò. Tiền công thu về vẻn vẹn có 150.000 đồng", ông Hoạt chia sẻ.

Ngồi chờ khách đến, bà Chu Thị Mơ (60 tuổi) tâm sự, số lượt đò của gia đình bà được thông báo đón khách từ hôm qua nhưng bà ra bến chờ mãi không có khách. Nên sáng nay bà tiếp tục ra bến chờ đến lượt.

Ninh Bình: Nghề chèo đò khóc ròng, chờ cả tháng kiếm được… 150.000 đồng - 2

Hàng nghìn con đò ở bến thuyền Tam Cốc nằm đìu hiu chờ khách.

"Đến lượt mà không có mặt ở đây để chở khách thì coi như bị "mất lượt", phải chờ hết một vòng mới đến lượt mình", bà Mơ nói.

Cũng theo bà Mơ, trước kia khách đông mỗi tháng có ít nhất cũng được 3 chuyến khách Tây, 3 chuyến khách Việt. Những ngày lễ, Tết thì nhanh chuyến hơn rất nhiều. Hàng tháng, 2 ông bà tôi cũng có thêm tiền triệu để chi tiêu trong gia đình, đi đám cưới, đám ma, bỏ tiết kiệm… Từ năm ngoái đến nay vắng khách coi như thất thu.

Bà Mơ kể thêm, từ Tết âm lịch đến nay, bà mới chở được 3 chuyến đò với số tiền 450.000 đồng. Tính ra mỗi tháng chỉ được 1 chuyến với số tiền 150.000 đồng, 2 ông bà không biết xoay sở ra sao. Nhiều lúc phải xin thêm con cái mới đủ trang trải cho cuộc sống.

Ninh Bình: Nghề chèo đò khóc ròng, chờ cả tháng kiếm được… 150.000 đồng - 3

Không có khách du lịch, người làm nghề chèo đò "chờ dài cổ" từ ngày này qua ngày khác.

Nhiều lái đò chuyển nghề

Đa số những hộ dân ở Văn Lâm làm nghề chèo đò và trồng lúa. Những năm gần đây, du lịch phát triển họ kiếm thêm từ nghề dịch vụ du lịch. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, du lịch đóng băng khiến nghề chèo đò, dịch vụ du lịch "khóc ròng".

Chị Đinh Thị Thanh Huyền (30 tuổi) chia sẻ, không có khách nên nhiều người cũng chẳng mặn mà gì với nghề chèo đò. Các gia đình vẫn giữ số đò, cho người không có việc làm ổn định trong gia đình đi chèo chở khách khi đến lượt để kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó. Có nhà thì bán lại số đò cho người khác…

Ninh Bình: Nghề chèo đò khóc ròng, chờ cả tháng kiếm được… 150.000 đồng - 4

Thời kỳ đông khách, mỗi tháng những người làm nghề chèo đò cũng có thu nhập 4 - 5 triệu đồng/1 tháng. Hiện nay, nhiều người đã bỏ nghề, bán lại số đò.

Không chèo đò, những người trẻ như chị Huyền tìm đến các công việc khác như làm ở các công ty may mặc, giày da, nghề làm đá mỹ nghệ, phụ hồ, thợ xây… để kiếm thêm thu nhập.

"2 năm nay không có khách, nếu chỉ trông chờ vào nghề chèo đò thì nhiều hộ dân ở đây chắc "chết đói" từ lâu. Đi làm nghề khác, hàng tháng cũng có thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng, mới đủ chi phí cho cuộc sống, nuôi các con ăn học", chị Huyền nói.

Được biết, trong số 1.290 hộ dân làm nghề chèo đò ở Tam Cốc, trước kia người già người trẻ có đủ, độ tuổi từ 18 - 60, ai biết chèo thuyền đều tham gia nghề để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Nhưng hiện nay, nghề này chỉ dành cho những người nhàn rỗi, ở nhà đến lượt chèo thì tranh thủ kiếm thêm đồng phụ giúp vào sinh hoạt cho cả gia đình.

Ninh Bình: Nghề chèo đò khóc ròng, chờ cả tháng kiếm được… 150.000 đồng - 5

Người dân đến bến, xuống thuyền trong thời gian chờ khách tranh thủ lau dọn lại "cần câu cơm". 

"Khách ít, mỗi tháng chỉ được 1 chuyến đò chở khách với số tiền công là 150.000 đồng Anh bảo sống sao nổi với số tiền quá ít ỏi này cho một tháng chờ đợi. Số tiền công mỗi chuyến đò như hiện nay chi tiêu tiết kiệm may cũng chỉ đủ mua mớ rau, cân thịt ăn được vài ngày", chị Đinh Thị Liên nói.

Bà Trần Thị Dần (58 tuổi) thở dài: "Tôi làm nghề chở khách ở bến thuyền này hơn 20 năm nay chưa bao giờ thấy chán như thời gian qua. Vắng khách du lịch, bến thuyền đìu hiu, bà con chèo đò cũng chẳng mấy phấn khởi. Chẳng qua, những người ngoài độ tuổi tuyển dụng đi làm công nhân như chúng tôi vì không có việc nên phải bám lấy nghề kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó. Những người trẻ giờ họ bỏ nghề, bán số đò cả rồi".

Thống kê của UBND xã Ninh Hải, toàn xã hiện có 6.900 khẩu với 2.200 hộ và 85% dân số của xã tham gia các công việc liên quan đến du lịch. Trong đó, có khoảng 3.000 người làm nghề chèo đò ở các khu du lịch như: Tam Cốc - Bích Động, vườn chim Thung Nham, Thạch Bích - Thung Nắng…

Ninh Bình: Nghề chèo đò khóc ròng, chờ cả tháng kiếm được… 150.000 đồng - 6

Mỗi chuyến đò, người chèo đò được số tiền công vẻn vẹn 150.000 đồng.

Chủ tịch UBND xã Ninh Hải chia sẻ thêm, nghề chèo đò là công việc lao động tự do, đến lượt thì bà con đi chèo về nhận tiền công từ doanh nghiệp quản lý khu du lịch. Ngoài số tiền công mỗi chuyến đò, họ không được thêm bất cứ chế độ nào.

Thời điểm chưa có dịch Covid-19, du lịch phát triển mạnh mẽ, chính quyền địa phương thường có các lớp tập huấn hướng nghiệp để người dân nâng cao nhận thức, làm du lịch được chuyên nghiệp hơn.

"Khi du lịch bị chững lại do dịch bệnh, chúng tôi hướng bà con tạm gác các công việc liên quan đến du lịch lại, mở hướng đi mới về các nghề trồng trọt, chăn nuôi để không bị thụ động, tăng thêm thu nhập nâng cao chất lượng cuộc sống", ông Hoạt chia sẻ.