Thất nghiệp do Covid-19: Lái xe ô tô chuyển nghề xe ôm để có thêm thu nhập

Phạm Công

(Dân trí) - Chấp nhận làm công việc khác với chuyên môn, nhiều lao động thất nghiệp đến Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội mong có công việc ổn định để vượt qua khó khăn, sớm quay trở lại thị trường lao động.

Chật vật đầu năm

Đến nộp hồ sơ đề nghị được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, anh Lê Hải Đăng 31 tuổi trú tại Lĩnh Nam, (Hoàng Mai, Hà Nội). Cầm trên tay bộ hồ sơ, anh mong sớm tìm được công việc để cuộc sống bớt khó khăn.

Anh Lê Hải Đăng cho biết: "Tôi lái xe cho một công ty vận tải, suốt mùa dịch bệnh năm 2020 công ty vẫn có việc để làm. Đầu năm 2021, việc ít dần, tôi nằm trong diện cắt giảm bớt nhân sự của công ty".

Đã hơn 1 tháng kể từ khi mất việc, không có thu nhập lại phải sống ở thành phố có vật giá đắt đỏ khiến áp lực sớm tìm được việc làm đang đè nặng lên đôi vai anh. Anh Lê Hải Đăng mong muốn nhanh chóng tìm được công việc có thu nhập phù hợp để trang trải cuộc sống.

Thất nghiệp do Covid-19: Lái xe ô tô chuyển nghề xe ôm để có thêm thu nhập - 1

Anh Đăng mong muốn mình sớm tìm được công việc để cuộc sống bớt khó khăn.

"Vợ mới sinh cháu thứ 2 nên tôi là lao động chính trong nhà, cả gia đình phải cắt giảm chi tiêu dùng số tiền mà vợ chồng tích góp được từ trước. Từ hôm mất việc, tôi đi làm xe ôm nhưng cũng chẳng ăn thua" - anh Lê Hải  Đăng tâm sự.

Cùng tâm trạng, chị Trần Thị Thơm 29 tuổi, trú tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) có 6 năm kinh nghiệm làm việc cho một công ty truyền thông trên địa bàn TP Hà Nội. Chị tâm sự: "Sau Tết Nguyên đán, tôi cùng một số nhân sự khác nghỉ việc do không đủ việc làm. Nguồn thu nhập của gia đình phụ thuộc vào đồng lương eo hẹp của chồng".

Gia đình chị Trần Thị Thơm có 1 con nhỏ. Trước đây với mức lương hơn 10 triệu đồng chị có thể chăm lo cho gia đình. Dự kiến, trong thời gian tới cuộc sống đối với gia đình chị sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chị đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, ngoài làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp còn mong muốn tìm được công việc càng sớm càng tốt.

Thất nghiệp do Covid-19: Lái xe ô tô chuyển nghề xe ôm để có thêm thu nhập - 2

Nguồn sinh kế của gia đình chị Thơm phụ thuộc vào đồng lương eo hẹp của chồng

"Từ hôm nghỉ việc, tôi dành thời gian bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Hôm nay, tôi đã tìm được vài công việc ưng ý với mức thu nhập hấp dẫn như nhân viên kinh doanh, lĩnh vực bảo hiểm hay bất động sản..." - chị Trần Thị Thơm nói.

"Bà đỡ" tạm thời

Đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để thông báo về tình trạng việc làm và tìm cho mình một công việc mới, anh Lê Đình Hùng, đã hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp.

"Trước đây tôi làm trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng, từ khi mất việc vẫn chưa tìm được công việc ưng ý. Nhiều công việc phù hợp nhưng mức thu nhập quá thấp, công việc lương cao thì không phù hợp. Tôi hy vọng tìm được công việc liên quan đến xây dựng với mức lương đủ để trang trải cho gia đình" - anh Lê Đình Hùng cho hay.

Theo anh Lê Đình Hùng, khoản trợ cấp thất nghiệp chỉ phần nào giúp gia đình anh vượt qua khó khăn trong dịp Tết vừa qua. Nhưng trợ cấp chỉ được 5 tháng, không làm sẽ không thể trụ lâu, lần này đến với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, anh quyết tâm tìm một công việc mới để làm.

Thất nghiệp do Covid-19: Lái xe ô tô chuyển nghề xe ôm để có thêm thu nhập - 3

Anh Hùng hy vọng sẽ tìm được cho mình công việc liên quan đến ngành xây dựng

"Tôi vẫn hy vọng tìm được công việc mới ổn định hơn, bây giờ hai vợ chồng cùng 2 đứa con phải sống tiết kiệm lắm mới đủ, nhỡ có ốm đau không biết lấy tiền đâu ra mà chạy chữa" - anh Lê Đình Hùng tâm sự.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: "Trong 2 tháng đầu năm 2021, trung tâm nhận được 7.522 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, 9.855 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, có 417 người lao động có quyết định học nghề, hơn 7.500 người được tư vấn và giới thiệu việc làm".

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay, chính sách bảo hiểm thất nghiệp chính là "bà đỡ" nhằm hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn và tìm kiếm các cơ hội việc làm, học nghề nhằm sớm quay trở lại thị trường lao động. 

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hoàn chỉnh và chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu của việc triển khai và đem lại lợi ích cho người sử dụng lao động. Số người mong muốn tham gia bảo hiểm thất nghiệp ngày càng nhiều và tăng lên hàng năm.

Thất nghiệp do Covid-19: Lái xe ô tô chuyển nghề xe ôm để có thêm thu nhập - 4

Bảo hiểm thất nghiệp trở thành phao cứu sinh cho nhiều người 

Ông Tạ Văn Thảo khẳng định, chính sách BHTN đã từng bước đi vào cuộc sống, hỗ trợ thiết thực cho cả người lao động và người sử dụng lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. 

"Thời điểm hiện tại, trung tâm có gần 3.200 vị trí việc làm mới dành cho người lao động. Các vị trí việc làm ở nhiều nhóm ngành khác nhau như bán lẻ, kinh doanh, công nghệ thông tin, thương mại điện tử… với nhiều mức lương hấp dẫn" - ông Tạ Văn Thảo thông tin.