Thất nghiệp - bài toán nan giải đối với chính phủ Pháp

Bất chấp nhiều biện pháp đã được áp dụng, Chính phủ Pháp vẫn liên tục thất bại trong việc đẩy lùi thất nghiệp. Giải quyết bài toán việc làm vẫn là thách thức với Chính phủ Pháp trong bối cảnh hàng trăm nghìn người xuống đường ở nước này phản đối dự luật cải cách lao động.

Người dân tham gia biểu tình tại Nantes, miền tây Pháp ngày 9/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người dân tham gia biểu tình tại Nantes, miền tây Pháp ngày 9/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tại châu Âu, sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, trong khi từ Italy đến Tây Ban Nha đã bắt đầu tạo thêm hàng trăm nghìn việc làm mỗi năm, thị trường lao động của Pháp vẫn không khởi sắc trở lại.

Mặc dù cùng phải đối mặt với những thách thức như nhau nhưng Anh và Đức đều đạt tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, còn Pháp vẫn chưa thể tìm ra lối thoát.

Năm 2015, Tây Ban Nha và Italy tạo được lần lượt hơn 500.000 và 250.000 việc làm, trong khi con số này ở Pháp chỉ là 114.000.

Tại Pháp, 25% thanh niên từ 15-24 tuổi không có việc làm. Những thành phần càng ít bằng cấp lại càng khó tìm được việc và thậm chí tác động của khủng hoảng kinh tế cũng đẩy những người vừa tốt nghiệp vào tình cảnh tương tự.

Xét tổng thể, với 10,4% dân số trong tuổi lao động không có việc làm, Pháp là quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao thứ 9 trong số 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Lý giải về sự khác biệt trên, chuyên gia Eric Heyer thuộc Cơ quan Quan sát Tình hình kinh tế Pháp (OFCE) cho rằng một phần nguyên nhân là do Paris chọn lựa chú trọng vào "chất lượng" hơn là "số lượng" việc làm.

Người lao động Pháp luôn được tuyển dụng với những hợp đồng ngắn hoặc dài hạn rõ ràng, và đó là những điều khoản bảo vệ người lao động.

Pháp cũng không chấp nhận để người lao động phải làm những công việc tạm bợ với đồng lương không đủ sống. Bởi vậy, số người không tìm được việc làm ở Pháp luôn cao hơn ở các quốc gia khác.

Ông Heyer cũng cho rằng trong trường hợp của Pháp, tăng trưởng kinh tế mới là chìa khóa mở cửa thị trường lao động cho hàng trăm nghìn người, thay vì cải tổ Luật lao động.

Theo ông, chính quyền có thể tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên, giảm thuế cho họ, nhưng nếu hàng sản xuất ra không bán hoặc không xuất khẩu được thì cũng không có hãng nào tuyển dụng thêm nhân viên.

Điều đó cho thấy vấn đề cốt lõi không phải là Luật Lao động mà là do Pháp không đạt được tăng trưởng kinh tế.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp phải tăng tối thiểu 1,5%/năm mới hy vọng tạo cơ hội cho giới trẻ hội nhập thị trường lao động, thay vì tình trạng dai dẳng trong những năm qua khi mà GDP của Pháp chỉ tăng chưa đầy 1%.

Hồi tháng 3 vừa qua, hàng trăm nghìn người liên tục xuống đường tuần hành trên toàn quốc và sẽ còn tiếp tục đấu tranh trong tháng 4/2016 để phản đối cải cách Luật lao động.

Học sinh, sinh viên Pháp đặc biệt quan tâm đến dự luật này và cũng là thành phần tham gia tuần hành đông đảo hơn cả vì họ cho rằng luật mới sẽ đẩy thanh niên vào tình cảnh ngày càng bấp bênh.

Trong khi đó, Chính phủ Pháp giải thích dự luật mới "cởi trói" cho thị trường lao động, cho phép giới chủ dễ sa thải hơn, linh hoạt hơn về giờ làm việc, các điều kiện lao động… giảm bớt gánh nặng cho giới chủ để họ dễ dàng tuyển dụng nhân viên hơn.

Theo Vietnamplus.vn

http://www.vietnamplus.vn/that-nghiep-bai-toan-nan-giai-doi-voi-chinh-phu-phap/380217.vnp