1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tết xa nhà, lao động Việt chắt chiu từng đồng gửi về quê trả nợ

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Nhận 12 man (tiền Nhật) tháng lương sát Tết, chị Huyền, công nhân nhà máy may tại đất nước mặt trời mọc chỉ giữ lại cho bản thân 1 man. Số còn lại chị gửi về cho gia đình trả nợ.

Đầu năm 2023, chị Đinh Thị Huyền (27 tuổi, quê Đông Sơn, Thanh Hóa) nhờ gia đình hai bên nội ngoại vay mượn hơn 160 triệu đồng đưa cho công ty môi giới để lo thủ tục sang Nhật. Chị được một nhà máy may tại tỉnh Nigata nhận vào làm việc. Lương cơ bản 12-13 man (khoảng 21 triệu đồng) mỗi tháng.

"Ở quê tôi cũng làm công nhân may nhưng thu nhập chỉ đủ sống, nuôi con còn vất vả nên tôi quyết định tạm xa gia đình 3 năm để sang Nhật. Tuy nhiên hơn 1 năm sang đây công việc không được như mong đợi, công ty gặp khó khăn nên công nhân ít việc, gần như chỉ làm giờ hành chính, ăn lương cơ bản", chị Huyền nói.

Tết xa nhà, lao động Việt chắt chiu từng đồng gửi về quê trả nợ - 1

Chị Huyền (giữa) và đồng nghiệp tham dự lễ hội ở Nhật Bản (Ảnh: NVCC).

Ở Nhật không ăn Tết Nguyên đán, song chị Huyền vẫn được nghỉ 2 ngày để đón Tết vì mùng 1, mùng 2 Tết rơi vào cuối tuần. Tranh thủ khoảng thời gian này, chị Huyền và một số chị em đồng hương xa quê rủ nhau cùng nấu ăn, liên hoan cho vơi nỗi nhớ nhà.

Chị tâm sự, ngày nghỉ nhưng ai cũng sốt ruột mong đến ngày đi làm bởi 1 năm qua công ty chị gần như không có tăng ca. Lương cơ bản mỗi tháng chị chi tiêu tiết kiệm, còn lại gửi về quê cho gia đình trả nợ.

"Mấy tháng gần Tết thu nhập của tôi cao hơn được 1 man, tưởng Tết này "ấm" thì giá man lại xuống thấp, tự dưng buồn thêm. Tháng trước còn dư 1 man nên tháng này tôi chỉ giữ lại 1 man để chi tiêu, còn đâu gửi hết về phụ bố mẹ trả nợ với biếu ông bà hai bên nội ngoại tiêu Tết.

Năm đầu tiên tôi ăn Tết xa nhà, xa con nên buồn lắm. Nhiều lúc nhớ con nhưng đã chấp nhận đánh đổi để sau này gia đình có cuộc sống tốt hơn nên mỗi lúc gọi về luôn phải tươi cười để mọi người đỡ lo", nữ thực tập sinh chia sẻ.

Điều an ủi với người mẹ trẻ lúc này là bên cạnh có nhiều chị em đồng hương cùng cảnh ngộ, mọi người chia sẻ, bao bọc lẫn nhau để quãng thời gian xa nhà đỡ tủi thân.

Có việc làm, tích lũy để sớm trả xong nợ cho bố mẹ là mong ước của nữ thực tập sinh Nguyễn Thị Quỳnh (21 tuổi, quê Yên Dũng, Bắc Giang).

Ngày đầu năm mới, thành phố Nanaoshi, tỉnh Ishikawa nơi Quỳnh sinh sống vẫn chưa hết những ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất kinh hoàng. Từ biến cố đó đến nay, cô gái 21 tuổi và hơn 10 lao động Việt Nam khác rơi vào cảnh thất nghiệp.

"Chúng tôi cố gắng chờ đợi để được đi làm trở lại nhưng không thể, công ty thông báo chưa biết khi nào mới có thể hồi phục. Tết này, tôi cùng hơn 10 lao động Việt cùng công ty ăn Tết tại khu tránh nạn của nghiệp đoàn", Quỳnh nói.

Đầu năm, nhìn anh em đồng hương chia sẻ cảnh về quê đón Tết, người đi làm được công ty thưởng, nữ thực tập sinh quê Bắc Giang không khỏi sốt ruột khi cô vẫn đang đi tìm việc.

Từng giấu gia đình chuyện gặp nguy hiểm bởi trận động đất nhưng qua hơn 1 tháng cô phải thành thật kể với bố mẹ vì chưa tìm được công việc mới.

Tết xa nhà, lao động Việt chắt chiu từng đồng gửi về quê trả nợ - 2

Nhiều lao động đi nước ngoài làm việc dịp sát Tết (Ảnh: Nguyễn Sơn).

"Năm nay đón Tết xa nhà, lạ lắm. Hơn 1 tháng không có việc làm, bố mẹ ở nhà hỏi sao được nghỉ nhiều thế, tôi đành phải "khai" thật. Mỗi lần gọi về bố mẹ lại hỏi tìm được công ty mới chưa, có việc chưa", Quỳnh chia sẻ.

Gần Tết, Quỳnh nhận được hơn 10 man lương tháng 12/2023, cô gửi 7 man về trả nợ và mừng tuổi bố mẹ, cô giữ lại vài man để cầm cự giai đoạn thất nghiệp. Giữa lúc khó khăn, may mắn lớn nhất đối với cô gái Việt là được nghiệp đoàn giúp đỡ nơi ăn, chốn ở và hỗ trợ tìm việc.

"Các bạn mới sang hiện đã tìm được việc, cuối tháng này họ sẽ có công việc mới. Còn tôi và 7 bạn khác vẫn đang tìm việc, thời gian này ở yên một chỗ sốt ruột quá. Chỉ mong nhanh tìm được việc để sớm trả xong nợ cho bố mẹ", Quỳnh nói.