1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tết xa quê của người lao động nghèo giữa lòng Hà Nội

Phạm Công Kim Sơn

(Dân trí) - "Gia đình con trai nghèo. Con gái đi lấy chồng xa. Những ngày Tết, tôi ở lại Hà Nội để nhặt vỏ lon, chai nhựa rồi bán thêm mấy thứ đồ kiếm thêm" - bà Nguyễn Thị Thái, 80 tuổi, quê ở Bắc Giang chia sẻ.

Tết đang đến gần, vì nhiều lý do, không ít lao động ngoại tỉnh ở Hà Nội chấp nhận không về quê đón xuân mà ở lại làm việc, kiếm thêm thu nhập. Đây cũng là cách phòng tránh dịch bệnh cho bản thân và xã hội.

Mong kiếm thêm thu nhập

Bà Nguyễn Thị Thái quê ở Yên Thế, Bắc Giang là một trong những người xuân này không về mà ở lại Hà Nội với hy vọng bán thêm vài ba chiếc bật lửa, nhặt được nhiều ve chai.

Chia sẻ của những người lao động không về quê ăn Tết

Xuống Hà Nội làm nghề bán hàng rong đã gần 20 năm nhưng rất ít năm bà về quê đón Tết. Miệng cười nhưng giọt nước mắt vẫn lăn dài trên đôi gò má của bà cụ đã 80 tuổi.

Bà tâm sự: "Con trai thì gia cảnh khó khăn, con gái thì đi lấy chồng xa. Tôi chẳng muốn về trở thành gánh nặng cho các con. Những ngày Tết ở lại để nhặt vỏ lon, chai nhựa rồi bán thêm mấy thứ đồ kiếm được đồng nào hay đồng ấy".

Tết xa quê của người lao động nghèo giữa lòng Hà Nội - 1

Bà Nguyễn Thị Thái nghẹn ngào khi nhắc về Tết xa quê

Cùng cảnh đón Tết xa nhà, anh Đặng Anh Thái quê ở Quế Võ (Bắc Ninh) - công nhân tại Thái Nguyên - chọn cách làm thêm trong những ngày đầu năm. Do dịch Covid-19, công việc năm qua của chàng trai sinh năm 1998 này không được ổn định do công ty cho công nhân nghỉ giãn cách xã hội.

Đặt mục tiêu đủ tiền sắm một chiếc xe máy tốt làm phương tiện đi lại, anh chỉ nghỉ ngày đầu tiên của năm mới và chấp nhận ăn Tết xa gia đình. Mùng 2 Tết, anh đã bắt tay vào làm việc.

"Phải đi làm từ năm sớm như vậy, tôi cũng như anh em trong công ty ai cũng thấy buồn cả. Những lúc rảnh rỗi, chúng tôi rủ nhau tổ chức những buổi liên hoan gọi là động viên nhau cho quên đi nỗi nhớ nhà" - anh Đặng Anh Thái bộc bạch.

Tết xa quê của người lao động nghèo giữa lòng Hà Nội - 2

Anh Đặng Anh Thái sẽ vẫn cố gắng đi làm những ngày Tết

Theo anh Đặng Anh Thái, công nhân đi làm trong 5 ngày Tết được trả lương gấp 4-5 lần so với ngày thường. Điều này giúp cho nhiều người bù đắp lại chi tiêu sau một năm kinh tế khó khăn.

Câu chuyện đón Tết của chị Bùi Thị Quyên (quê ở Kim Động, Hưng Yên) cũng có những nét riêng. Chị tâm sự: "Tôi sống cùng con trai và bố. Tôi là lao động chính trong nhà lại hay đau ốm lên có phải vay ngân hàng một số tiền. Tết này, tôi quyết định ở lại Hà Nội để chờ đêm giao thừa đi bán muối, cố gắng trả hết nợ rồi Tết năm sau về với gia đình".

Đã 4 năm không về quê ăn tết, công việc của những lao động nhập cư như chị thường chỉ mang lại thu nhập thấp. Số tiền kiếm thêm vào thời điểm này trong năm do vậy trở thành một động lực lớn. Mùa Tết năm ngoái, nhờ làm việc chăm chỉ, ông kiếm được khoảng 5 triệu đồng.

Tết xa quê của người lao động nghèo giữa lòng Hà Nội - 3

Nỗi buồn phảng phất trên khuôn mặt chị Quyên. Đây là Tết thứ 3 liên tiếp, chị không về quê.

Nỗi buồn Tết xa quê

Chị Ngô Thị Tuyền quê ở Quảng Yên, Quảng Ninh đang cùng hai cô con gái nhỏ chuẩn bị một cái tết xa quê. Chị tâm sự: "Đây là năm đầu tiên tôi cùng 2 con gái đón Tết xa nhà vì dịch bệnh. Dịch đến bất ngờ nên không kịp chuẩn bị tinh thần, nhìn các con mong ngóng về quê đoàn viên với bố và gia đình mà lòng tôi thắt lại".

Ở lại Hà Nội, trong căn nhà trọ  chị đang chuẩn bị cho con một cái Tết ấm áp như ở quê hương. Tết này mẹ con chị đã có đủ bánh chưng, cành đào, mâm ngũ quả. Ước mong năm mới sớm hết dịch để chị có thể đưa các con về quê thăm ông bà và đón một cái tết muộn với gia đình.

Vì dịch bệnh, có nhiều lao động hơn không  thể về nhà, anh Lê Hồng Quân quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An - cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi đón xuân xa gia đình. Do lo ngại mang dịch bệnh về quê nhà, nên tôi quyết tâm ở lại đây làm việc dịp Tết".

Tết xa quê của người lao động nghèo giữa lòng Hà Nội - 4

Chị Ngô Thị Tuyền cùng các con gọi điện về hỏi thăm gia đình khi nhớ nhà 

Tâm sự với PV, anh Quân thường gọi video qua Zalo hỏi thăm bố mẹ, em gái mỗi khi tan ca để nỗi nhớ bớt phần nguôi ngoai. Đồng thời, anh coi đây cũng là dịp tốt để mình trưởng thành thêm lên.

"Tuy mới làm ở đây thời gian có 3 tháng, nhưng tôi cũng đã thấy để kiếm ra đồng tiền khó khăn như thế nào. So với bố mẹ làm ruộng ở quê để nuôi con ăn học cũng chả thấm tháp gì", anh Quân chia sẻ.

Nói về dự định năm mới, anh Quân mong rằng dịch bệnh qua đi, công việc ổn định trở lại. Anh đã hứa rằng, khi về quê sẽ mua cho cô em gái một chiếc xe đạp mới để đi học.

Cùng dòng tâm trạng đó, chị Nguyễn Thị Hiền quê ở Lâm Hà (Lâm Đồng) cùng con nhỏ sẽ ăn tết ở Hà Nội.

Ra Hà Nội được hơn 1 tháng nhưng chưa tìm được công việc ổn định, hai mẹ con sống nhờ vào việc bóc hành thuê. Chị chỉ có thể nuốt vào lòng nỗi nghẹn ngào, cô đơn khi xa gia đình trong dịp Tết.

Tết xa quê của người lao động nghèo giữa lòng Hà Nội - 5

Chị Hiền cùng cậu con trai 3 tuổi đón Tết xa nhà hàng trăm km 

"Bố mẹ tôi ở nhà cũng rất buồn. Họ cũng không dám gọi cho con vì sợ tôi tủi thân. Năm mới tôi mong rằng sẽ tìm được việc để cho con đi học, cuộc sống hai mẹ con bớt khổ hơn" - chị Nguyễn thị Hiền chia sẻ.

Thật khó có thể thống kê hết có bao nhiêu lao động nhập cư không về quê ăn Tết. Mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyện, nhưng những người ở lại đều chịu đựng chung một nỗi niềm là nhớ nhà, tủi thân. Họ đều mong muốn sẽ có một năm mới tốt đẹp hơn.