Tất bật những ngày cuối năm

Ai cũng muốn sau giờ làm việc mệt mỏi sẽ có khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn nhưng đối với công nhân lao động, dịp cuối năm, với mong muốn có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, họ không quản ngại vất vả, đi sớm về khuya, tận dụng tối đa thời gian của mình để tăng ca.

Thậm chí ngoài giờ tăng ca, nhiều công nhân còn tranh thủ nhận thêm việc về làm tại nhà để có thêm tiền sắm Tết cho gia đình.

Công nhân tất bật tăng ca

Với mong muốn gia đình được đón năm mới sung túc, đủ đầy đã giúp những người công nhân có thêm động lực để vượt lên trên những nhọc nhằn, vất vả nỗ lực hết mình để làm việc, lao động sản xuất.

Từ mong muốn đó, tại các khu công nghiệp những ngày cuối năm, không khí sản xuất trở nên khẩn trương, công nhân lao động đang hối hả cho những lô hàng cuối năm.

Trái ngược với sự đông đúc tại các xưởng sản xuất, ngày chủ nhật ở những xóm trọ tập trung đông công nhân ở khu công nghiệp Nội Bài (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn) bỗng trở nên vắng vẻ lạ thường.

Tất bật những ngày cuối năm - 1

Công nhân lao động hăng say làm việc
 

Chị Nguyễn Thị Dung, công nhân khu công nghiệp cho biết bình thường những ngày cuối tuần xóm trọ rất đông vui nhưng vào dịp cuối năm hầu hết công nhân tranh thủ tăng ca để kiếm thêm thu nhập nên xóm trọ luôn trong tình trạng vắng vẻ.

Cuối năm công nhân nào cũng bận rộn hơn nên trẻ nhỏ trong xóm được gửi về quê nhờ ông bà chăm sóc để thuận tiện cho bố mẹ làm tăng ca.

Những ngày này chị Dung cũng như nhiều công nhân khác trong xóm trọ thường ra khỏi phòng từ lúc mờ sáng, đến tối muộn khi xóm trọ đã lên đèn các chị mới trở về phòng.

Theo chị Dung, ngày thường công nhân bắt đầu làm việc từ 7 giờ sáng và kết thúc ca làm việc vào lúc 15 giờ chiều nhưng cuối năm chị cùng các công nhân trong xưởng phải tăng ca đến 19h tối.

“Bình thường công việc ở công ty đã nhiều, ngày thường, chúng tôi phải làm thêm hơn một tiếng nhưng dịp cuối năm lại càng bận rộn vì phải hoàn thành kế hoạch sản xuất trong năm, đồng thời chuẩn bị đơn hàng cho những ngày sau Tết, bởi vậy có ngày chúng tôi tăng ca thêm 3 - 4 giờ/ngày. Có những công nhân ở một số doanh nghiệp còn tăng ca cả thứ 7 và chủ nhật, tuy vất vả nhưng nghĩ chỉ còn vài tuần nữa là Tết nên ai cũng cố làm.

Nếu không tăng ca mỗi tháng lương của tôi được khoảng 6 triệu, chăm chỉ tăng ca thì cũng được hơn 8 triệu, số tiền đó cũng giúp tôi trang trải thêm nhiều khoản chi phí sinh hoạt khác. Đặc biệt tháng Tết tăng ca nhiều tiền lương sẽ tăng hơn, cộng thêm khoản tiền thưởng tôi có thêm tiền về quê biếu bố mẹ hai bên và sắm sửa Tết cho gia đình”, chị Nguyễn Thị Dung chia sẻ.

Tiếp lời chị Dung, anh Nguyễn Văn Kiên cho hay: “Ai cũng tất bật tăng ca nên những công nhân xóm trọ ít gặp nhau hơn, ngày thường vốn dĩ công nhân thường làm theo ca, trong xóm mỗi người làm mỗi giờ khác nhau, người làm ca ngày, người làm ca đêm. Cuối năm bận rộn, làm việc cũng mệt mỏi hơn, đi làm về ai nấy đều tranh thủ ăn cơm rồi nghỉ ngơi chứ không giao lưu, chuyện trò rôm rả như mọi khi. Lâu rồi anh, em trong xóm trọ chưa có dịp ngồi cùng nhau uống chén trà, nhâm nhi vài ba câu chuyện. Các chị em xóm trọ còn rủ nhau nhập hàng may về tranh thủ làm tối tại nhà”.

Nhân lên những niềm vui

Khác với một số công nhân làm việc tại xưởng sản xuất, với công việc đặc thù là chăm lo công tác vệ sinh tại công ty, cuối năm số lượng công việc tuy có nhiều hơn nhưng chị Đinh Thị Lý, công nhân Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam ít phải tăng ca hơn các công nhân lao động khác.

Với mong muốn gia đình được đón năm mới sung túc, đủ đầy đã giúp những người công nhân có thêm động lực để vượt lên trên những nhọc nhằn, vất vả nỗ lực hết mình để làm việc, lao động sản xuất.

Từ mong muốn đó, tại các khu công nghiệp những ngày cuối năm, không khí sản xuất trở nên khẩn trương, công nhân lao động đang hối hả cho những lô hàng cuối năm. Trái ngược với sự đông đúc tại các xưởng sản xuất, ngày chủ nhật ở những xóm trọ tập trung đông công nhân ở khu công nghiệp Nội Bài (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn) bỗng trở nên vắng vẻ lạ thường.

Mặc dù mức thu nhập tháng Tết không tăng hơn nhiều so với các tháng khác trong năm nhưng với chị Lý dịp cuối năm làm việc tại công ty luôn đem đến cho chị nhiều niềm vui, động lực hơn cả. Bởi lẽ cuối năm các công nhân trong công ty luôn được các cấp công đoàn cùng Ban lãnh đạo tạo mọi điều kiện tốt nhất để làm việc và có những chế độ phúc lợi dành riêng cho các công nhân, đặc biệt là những công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

“Cuối năm, không khí làm việc ở công ty bận rộn hơn nhưng vui hơn, trong quá trình làm việc, tôi luôn được công ty tạo điều kiện tốt nhất, cho làm thêm giờ để có thêm thu nhập, các đồng nghiệp trong tổ cũng như toàn công ty luôn sẵn sàng, hết lòng giúp đỡ những công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Có sự gắn kết như vậy tôi luôn thấy hạnh phúc và yên tâm mỗi khi làm việc.

Với sự chăm chỉ làm việc cuối năm ngoài tiền thưởng Tết chúng tôi cũng được nhận thêm tiền thâm niên làm việc, với những công nhân làm việc trên 10 năm tại công ty sẽ được thưởng gần 2 triệu đồng. Không những vậy năm nào chúng tôi cũng được công ty tặng giỏ quà Tết đầy đủ rượu, bánh, mứt kẹo… chỉ vậy là Tết của mẹ con tôi cũng đủ đầy lắm rồi ”, chị Lý bày tỏ.

Theo chị Lý, những năm gần đây, Công đoàn Công ty chị đều tổ chức các hoạt động hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn như hoạt động “Sơn hạnh phúc sáng niềm vui”, do chính cán bộ, công nhân lao động trong công ty hỗ trợ sữa chữa và sơn nhà cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn; hoạt động “Mùa gió ấm” tặng quà cho những gia đình cán bộ, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn… Bản thân chị cũng đã nhiều năm liền được nhận quà tặng từ hoạt động này của công ty.

Những hoạt động được tổ chức thường niên đó nhằm mục đích sẻ chia những nỗi vất vả, khó khăn trong cuộc sống mà bản thân và gia đình họ đang phải gánh chịu.

Thông qua đó đã khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” của toàn thể cán bộ, công nhân lao động trong công ty, giúp cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn được kịp thời động viên, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần để họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Qua chia sẻ của công nhân lao động, được thấy ánh mắt rạng ngời niềm vui mừng của họ khi kể lại những câu chuyện mà họ nhận được sự giúp đỡ từ công ty mới thấy những việc làm đó đã đem đến ý nghĩa quá lớn lao.

Với tinh thần sẻ chia, chăm lo thiết thực đối với người lao động nên nhiều năm trở lại đây, công nhân lao động trong các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội làm việc rất hăng say. Tình cảm, sự sẻ chia, chăm lo đó chính là chất gắn kết người lao động với doanh nghiệp, với Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Theo Nguyễn Hoa/Lao động Thủ đô