Cuối năm nghe thợ "bám víu" tai nạn giao thông kể chuyện nghề

(Dân trí) - Biết bao tài xế từ thành phố đến các huyện xa xôi chẳng còn xa lạ gì về anh - người thợ chuyên phục chế, sửa chữa gương, đèn xe ô tô ở chân cầu Hạc, thành phố Thanh Hóa suốt hàng chục năm qua.

Học nghề từ năm 17 tuổi

Nếu gọi anh là người thợ sửa gương xe thì chưa lột tả hết được đặc trưng cái nghề mà anh đang làm. Nhiều người gọi nghề anh làm với cái tên lạ là nghề “bám víu” vào những vụ va chạm giao thông để kiếm sống.

Cuối năm nghe thợ bám víu tai nạn giao thông kể chuyện nghề - 1
Anh Lê Xuân Thức - người có thâm niên 20 năm làm nghề sửa gương, đèn xe ô tô giữa lòng thành phố Thanh Hóa.

Anh là Lê Xuân Thức (44 tuổi, quê ở xã Quảng Hòa, huyện Quảng Xương), một trong những người đầu tiên “du nhập” nghề sửa gương, đèn ô tô về xứ Thanh.

Những chiếc đèn xe từ hạng sang đến bình dân vỡ nát sau va chạm đều được anh phục chế, sửa chữa như mới suốt hàng chục năm qua và nó đã tạo nên “thương hiệu” của anh.

Tiệm sửa chữa ô tô, đèn xe mang tên Xuân Thức nằm nép mình bên chân cầu Hạc là một gian nhà chừng 20m2 trên đường Bà Triệu, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa.

Ngày nào cũng vậy, tiệm sửa chữa của anh Thức không ít những khách hàng tìm đến sau mỗi lần va chạm, nhất là cánh taxi, họ đã quá quen thuộc với anh như vị “khắc tinh” các dòng đèn, gương xe ô tô bị hỏng, vỡ.

Cuối năm nghe thợ bám víu tai nạn giao thông kể chuyện nghề - 2
Anh Thức đang phục chế lại chiếc gương xe bị hỏng cho khách hàng.

Sau nhiều lần lân la hỏi chuyện, tôi mới được anh Thức chia sẻ về cái nghề tưởng rất quen thuộc nhưng ít ai biết đến.

“Năm 1992 tôi tròn 17 tuổi, khăn gói một mình ra Hà Nội lập nghiệp. Không món nghề trong tay, tôi lang thang khắp chốn để tìm việc. Trong một lần đến nhà bạn chơi, vô tình bắt gặp nghề sửa chữa gương ô tô ở một tiệm sửa chữa nằm trên quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Vừa thấy là tôi đã có hứng thú rồi bắt đầu bén duyên với nghề từ đó”, anh Thức nhớ lại.

Cuối năm nghe thợ bám víu tai nạn giao thông kể chuyện nghề - 3
Cuối năm nghe thợ bám víu tai nạn giao thông kể chuyện nghề - 4
Nghề đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ đến từng chi tiết.

Thời gian đầu với anh Thức vô cùng gian nan. Suốt 2 năm học nghề ở tiệm, anh đã phải làm thêm đủ thứ nghề để bám trụ.

Ngày học nghề, đêm đến, để có tiền trang trải phòng trọ, anh đã phải đi làm thêm ở quán ăn, có những hôm còn phải tranh thủ đi làm cửu vạn...

“Biến” đồ hỏng thành đồ mới

Sau 2 năm vất vả học việc, cuối cùng anh Thức cũng đã có được cái nghề trong tay. Những ngày mới ra nghề, anh bắt đầu công việc tại Hà Thành. Hà Nội những năm 90 thị trường ô tô chưa biến động như bây giờ nhưng anh Thức cũng “dễ sống” bằng nghề.

Cuối năm nghe thợ bám víu tai nạn giao thông kể chuyện nghề - 5
Cuối năm nghe thợ bám víu tai nạn giao thông kể chuyện nghề - 6
Một chiếc đèn xe vừa được anh Thức phục chế lại y chang bản gốc.

Nhiều năm làm thuê ở Hà Thành, khi tay nghề đã “chín muồi”, anh quyết định về quê “lập nghiệp”. Năm 2001, bằng số vốn ít ỏi, anh vay mượn rồi ra thành phố Thanh Hóa thuê một góc nhỏ mở cửa tiệm hành nghề.

“Ngày ấy Thanh Hóa ít xe ô tô nhưng lại dễ làm hơn bây giờ. Cả thành phố có mỗi mình tôi làm cái nghề này, nhiều việc lắm. Với lại ngày ấy hầu hết các chủ xe ô tô không mua bảo hiểm, chi phí sáu mỗi lần va chạm coi như mất hết cả tháng lương. Chính vì thế, những chiếc đèn xe, gương xe sau va chạm đều được tài xế mách nhau về đây để sửa. Giờ thì nhiều tiệm xuất hiện nên vãn bớt khách hơn xưa”, anh Thức nhớ lại.

Cuối năm nghe thợ bám víu tai nạn giao thông kể chuyện nghề - 7
Cuối năm nghe thợ bám víu tai nạn giao thông kể chuyện nghề - 8
Những chiếc đèn xe đang đợi đôi bàn tay của người thợ tài hoa tân trang lại.

Theo chia sẻ của anh Thức, nghề sửa đèn, gương xe không đòi hỏi nhiều sức nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và sự khéo léo. Những năm gần đây, khi thị trường ô tô ngày một phát triển thì lại ít khách sửa gương đèn hơn.

Bởi vì xe hầu hết có bảo hiểm, khi xảy ra hỏng hóc thì đã có bảo hiểm thanh toán. Chính vì thế những năm gần đây, hầu hết khách hàng là các tài xế taxi hay những dòng xe gia đình có thu nhập bình dân mới tìm đến sửa chữa, phục chế”, anh Thức chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Tâm, một tài xế taxi ở thành phố Sầm Sơn chia sẻ: “Cánh tài xế chúng tôi thu nhập thấp, lâu lâu xe có hỏng hóc hay va quệt về gương, đèn thì coi như mất cả tháng lương. Rất may, những chiếc đèn xe bị hư hỏng đến với cửa tiệm anh Thức được làm lại như mới, đỡ tốn kém hơn nhiều so với thay mới, lại đảm bảo, chất lượng”.

Cuối năm nghe thợ bám víu tai nạn giao thông kể chuyện nghề - 9
Anh Thức đã có gần 20 năm gắn bó với nghề.

Theo anh Thức, mỗi ngày bình quân tại cửa tiệm của anh nhận từ 5 - 6 lịch đặt hàng của khách. Trung bình mỗi chiếc đèn, gương xe phải mất từ 3 - 4 tiếng để sửa chữa, phục chế; thù lao dao động từ 100 - 200 nghìn đồng tùy hãng, loại đèn xe.

Mỗi tháng trừ tiền thuê mặt bằng thu nhập cũng không cao, nhưng vì yêu nghề, ngày nào cũng vậy, sáng sớm anh lên phố, khi chiều xuống anh lại trở về quê với gia đình.

Chia sẻ về những kỉ niệm trong nghề, anh Thức nhớ lại: “Đó là một đơn hàng vào đêm 30 Tết, khi tôi cùng gia đình đang sửa soạn để chuẩn bị đón giao thừa thì nhận được cuộc điện thoại của khách hàng. Tài xế va chạm xe đúng đêm 30 nên cần sửa gương gấp để có xe đi chơi Tết. Chiều lòng khách tôi lại phải lên phố lắp xong chiếc gương rồi về đón giao thừa”.

Duy Tuyên