Công nhân bươn chải cuối năm

Khi đồng lương không đủ trang trải cuộc sống, nhiều công nhân tranh thủ làm thêm trong những ngày cận Tết

Những ngày cận Tết, khi đơn hàng ở một số doanh nghiệp giảm dần cũng là lúc công nhân (CN) tranh thủ kiếm thêm việc làm ở ngoài để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt.

Mong bữa cơm có thịt, cá

Tan ca, chị Hồ Vân Thanh - CN một công ty may mặc trên địa bàn quận Thủ Đức, TP HCM - tranh thủ chạy đến shop quần áo ở chợ đêm Bắc Ninh nằm trên địa bàn phường Bình Thọ, quận Thủ Đức để phụ việc. Với việc đón khách và phụ chủ shop gói đồ, mỗi đêm chị kiếm được 200.000 đồng. Thời gian làm việc từ 17 giờ 30 phút đến 22 giờ.

Chị Thanh cho biết những ngày này, công ty ít việc, do vậy số đông CN đều tìm thêm việc ở ngoài. Người may mắn thì có việc ở các shop bán quần áo, quán giải khát. Công việc này không quá nặng nhọc nhưng thu nhập cũng khá nên họ hài lòng.

Công nhân bươn chải cuối năm - 1

Chị Cao Thị Duyên mang theo con nhỏ kéo xe tại chợ Đầu mối Nông sản Thủ Đức, TP HCM

 

"Năm nay, công ty làm ăn khó khăn, thu nhập CN vì thế cũng eo hẹp. Do vậy, tụi tôi phải làm thêm mới có tiền tiêu Tết. Tiền thưởng thì chưa biết có hay không nên việc có thêm một khoản thu nhập từ 150.000-200.000 đồng/ngày là quá ổn" - chị Thanh bày tỏ.

Xong việc ở shop, chị lại tất bật về nhà trọ, nơi chồng con đang đợi cửa. Chị Trần Thị Lài, CN tại KCN Sóng Thần (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), cũng vừa kiếm được một chân tạp vụ trong quán nhậu nằm ở Làng Đại học Thủ Đức với mức tiền công 50.000 đồng/giờ.

"Công việc rất vất vả nhưng được cái là nhận tiền tươi sau khi xong việc. Cận Tết có rất nhiều thứ để chi nên có được công việc bán thời gian với nhu nhập tạm ổn là vui rồi" - chị Lài bộc bạch

Chị Cao Thị Duyên - quê Đồng Tháp, hiện làm việc tại KCX Linh Trung (quận Thủ Đức) - cho biết do đồng lương không đủ sống nên ngoài giờ làm việc tại công ty, chị nhận kéo hàng thuê vào 2 ngày cuối tuần ở chợ Đầu mối Nông sản Thủ Đức để kiếm thêm thu nhập.

Công việc nặng nhọc nhưng bù lại, chị kiếm được khoảng 300.000 đồng. Chứng kiến chị để đứa con nhỏ trên xe kéo cùng các kiện hàng, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. "Chỉ mong bữa cơm gia đình có thêm thịt, cá" - chị Duyên chia sẻ.

Không ngại khó nhọc

Về đêm, các quán nhậu bắt đầu đông khách. Trong một quán nhậu ở quận 9, chúng tôi bắt gặp "ca sĩ kẹo kéo" Lê Văn Hoàng đang "phiêu" với những bài hát trữ tình.

Vừa hát, Hoàng vừa tranh thủ mời khách mua kẹo. Hoàng rất vui khi có người mua ủng hộ vài cây kẹo. Trò chuyện với chúng tôi, Hoàng cho biết đang làm việc tại một công ty may ở quận 9. Không những năm nay mà nhiều năm trước, cứ đến dịp cận Tết, anh và một người bạn làm cùng công ty lại kéo loa kẹo kéo đi hát tại các quán nhậu. Nhờ có giọng hát dễ nghe với khuôn mặt khá điển trai nên mỗi khi hát, anh đều được khách ủng hộ mua kẹo kéo khá nhiều.

Cũng có người thấy anh hát hay, "bo" luôn cả trăm ngàn nên thu nhập cũng kha khá. Có đêm, Hoàng bán đến 23 giờ mới về. "Đây là dịp dễ kiếm tiền nhất trong năm nên tôi cố gắng làm, hầu như không nghỉ đêm nào. Càng cuối tuần thì phải hát khuya hơn vì khách cũng chơi khuya" - Hoàng chia sẻ. Hoàng cũng cho biết đây chỉ là công việc tạm thời, kiếm thêm thu nhập, bởi ưu tiên của anh là công việc tại công ty.

Còn anh Nguyễn Văn Hùng thì ban ngày đi làm ở công ty may mặc, tối về chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Trước khi vào làm việc tại công ty, công việc chính của anh là chạy xe Grab. Vì vậy, hằng ngày sau khi tan ca tại công ty, anh đều tranh thủ mở ứng dụng để nhận khách.

"Khách đi xe ôm công nghệ ngày càng nhiều, có đêm tôi chạy được gần cả chục cuốc, cuối tuần thì thu nhập khá hơn" - anh Hùng vui vẻ kể.

Một đồng nghiệp của anh Hùng là anh Đào Văn Cường cho biết: "Dịp này năm trước, công ty cho nghỉ Tết sớm nhưng tôi cũng không về quê ngay mà ở lại TP HCM để chạy Grab, đến tận chiều 29 mới về. Ngày thu nhập cao nhất có khi lên đến gần 2 triệu đồng, nhờ vậy mà Tết cũng đầy đủ hơn".

Vì cuộc sống cả thôi!

Chúng tôi hỏi liệu đủ sức khỏe hay không khi phải "cày" quá nhiều sau giờ làm việc chính, anh Trần Văn Huyền, CN tại Khu Công nghệ cao (quận 9, TP HCM), bày tỏ: "Ai cũng mong muốn nghỉ ngơi thực sự sau 8 giờ làm việc tại nhà máy. Đặc biệt là cuối tuần có thể chơi đùa cùng vợ con hay tán gẫu với bạn bè. Tuy nhiên, do cuộc sống quá khó khăn nên buộc phải chấp nhận, miễn là có thêm đồng vô đồng ra để trang trải chi phí sinh hoạt".

Theo Thành Đồng/Người lao động