1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tập trung giải quyết những vấn đề gây bức xúc trong công nhân lao động

Phạm Công

(Dân trí) - Vẫn còn ở nhiều nơi, công nhân lao động chưa có việc làm bền vững, mức sống và sức khỏe chưa được quan tâm.

Sáng ngày 4/5, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến góp ý về việc xây dựng dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống và cải thiện điều kiện việc làm của công nhân lao động.

Tới dự và chủ trì có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cùng đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cục, vụ thuộc Bộ LĐ-TB&XH.

Tập trung giải quyết những vấn đề gây bức xúc trong công nhân lao động - 1

Bộ LĐ-TB&XH tổ chức cuộc họp lấy ý kiến xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện việc làm của công nhân lao động.

Còn nhiều bức xúc

Tại cuộc họp, thông tin của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy, một bộ phận không nhỏ công nhân lao động vẫn chưa có việc làm bền vững, điều kiện lao động ở nhiều doanh nghiệp chưa được cải thiện nhiều. Đời sống công nhân lao động nói chung chưa cao. Sức khỏe của người lao động nhiều nơi chưa được chăm sóc đầy đủ.

Trước thực tế đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết: "Việc xây dựng dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện việc làm của công nhân lao động nhằm khẩn trương giải quyết những khó khăn vướng mắc còn đang tồn thuộc lĩnh vực này".

Tập trung giải quyết những vấn đề gây bức xúc trong công nhân lao động - 2

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh dự và chủ trì cuộc họp.

Để tránh việc trùng lặp những nội dung chính sách đã và đang thực hiện, Thứ trưởng cho rằng các cục, vụ cần tập trung làm rõ và đi vào cụ thể 3 mục tiêu chính là: Việc làm bền vững, nâng cao mức sống và việc cải thiện điều kiện là việc của công nhân lao động.

Thứ trưởng đề nghị xác định rõ những vấn đề đang gây bức xúc trong đời sống, việc làm của người lao động để đưa vào chỉ thị để giải quyết sớm nhất các vấn đề làm ảnh hưởng đến công nhân lao động.

"Các đơn vị thuộc Bộ LĐ-TB&XH góp ý tới Cục Việc làm trước ngày 7/5 để trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5" - Thứ trưởng Lê Văn Thanh chỉ đạo.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Minh Dũng, Trưởng ban Tài chính (Tổng LĐLĐ Việt Nam) nêu một số vấn đề đang tồn tại liên quan đến việc làm và đời sống người lao động như: Tình trạng chủ doanh nghiệp trốn về nước hoặc bán lại cho một chủ doanh nghiệp khác khiến người lao động không lấy được tiền lương.

Tập trung giải quyết những vấn đề gây bức xúc trong công nhân lao động - 3

Ông Nguyễn Minh Dũng, Trưởng ban Tài chính Tổng LĐLĐ Việt Nam, phát biểu tại cuộc họp.

Ông Nguyễn Minh Dũng cho biết: "Hiện nay, thu nhập của người lao động gián tiếp trong các doanh nghiệp FDI bình quân được cho là cao, tuy nhiên người lao động trực tiếp chỉ được hưởng mức lương thấp ở mức tối thiểu vùng. Doanh nghiệp để người lao động hưởng một số trợ cấp như, đi lại, ăn ở, chuyên cần… để giảm mức đóng BHXH".

Bên cạnh đó, điều kiện chỗ ở của người lao động hiện ở mức kém và mất an toàn, vấn đề tín dụng đen đang làm ảnh hưởng đến việc làm bền vững của công nhân lao động.

"Tình trạng công nhân nữ bị xâm hại và công nhân nam bị cướp, bắt nạt xảy ra thường xuyên ảnh hưởng đến đời sống và việc làm của người lao động" - ông Nguyễn Minh Dũng thông tin.

Cần phương án cụ thể

Tại cuộc họp, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, việc xây dựng dự thảo chỉ thị, cần phải xác định cụ thể đối tượng, tập trung vào công nhân của các khu công nghiệp và xác định rõ vấn đề và phương án giải quyết.

Tập trung giải quyết những vấn đề gây bức xúc trong công nhân lao động - 4

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo chỉ thị.

"Hiện còn nhiều vấn đề lớn và phức tạp như, chủ doanh nghiệp bỏ trốn đã diễn ra nhiều năm qua. Vấn đề hạ tầng xã hội, dành cho công nhân không thu hút được doanh nghiệp tư nhân xây dựng nhà ở xã hội vì giá thành thấp, giá đất cao".

Về vấn đề điều kiện làm việc, ông Vũ Trọng Bình cho rằng, việc siết chặt điều kiện làm việc dẫn đến tăng giá thành sản phẩm. Do vậy cần có một bài toán cụ thể để lựa chọn những đối tượng doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần được siết chặt.

"Tình trạng tín dụng đen là hình thức cho vay trốn thuế nhưng cho vay nhanh gọn, dễ dàng tiếp cận công nhân thu nhập thấp. Nhà nước cần có những hỗ trợ cho vay thông qua các đoàn thể để giảm thiểu vấn đề này" - ông Vũ Trọng Bình đề xuất.

Tập trung giải quyết những vấn đề gây bức xúc trong công nhân lao động - 5

Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, phát biểu tại cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng: "Để tránh việc liệt kê lại công việc đã làm cần đặt ra nhóm 3 vấn đề là làm thế nào, giải pháp gì để người lao động đảm bảo có thể tìm kiếm và chuyển việc làm khi cần thiết".

Về vấn đề liên quan đến tiền lương và điều kiện lao động đối với người có quan hệ lao động, theo ông Nguyễn Văn Bình cần hoàn thiện luật pháp, tổ chức thực hiện  các giải pháp về quan hệ lao động.

Đồng thời, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, cần tăng cường sự quan tâm đến các vấn đề như nhà ở, y tế, giáo dục và các nhu cầu về đời sống văn hóa, giải trí cho người lao động.

Tập trung giải quyết những vấn đề gây bức xúc trong công nhân lao động - 6

Ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, phát biểu.

Liên quan đến việc xây dựng dự thảo chỉ thị, ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng: "Muốn đảm bảo việc làm bền vững, cần đảm bảo quyền tiền lương và an toàn lao động, chăm sóc sức khỏe, nâng cao mức sống và cải thiện môi trường làm việc của người lao động".

Theo ông Nguyễn Huy Hưng, chỉ thị cần tập trung việc hoàn thiện thể chế, đảm bảo quyền của người lao động, tạo việc làm và cải thiện đời sống người lao động bằng tiền lương, cải thiện điều kiện nơi làm việc, đảm bảo an sinh xã hội.

"Đồng thời, chăm lo đến những đối tượng lao động yếu thế, hỗ trợ những vấn đề liên quan đến hạ tầng cơ sở và thực hiện quyền tham gia đối thoại của người lao động" - ông Nguyễn Duy Hưng đề xuất.