Nóng tuần qua:
Tăng tuổi hưu, việc làm người trẻ và 1 triệu lao động thất nghiệp
(Dân trí) - Tăng tuổi hưu có ảnh hưởng tới cơ hội việc làm của người trẻ, lao động nữ với những tác động của công nghiệp 4.0, doanh nghiệp XKLĐ vẫn hoạt động dù bị cấm, thu lãi nửa tỷ đồng từ củ sâm Bố Chính, 2 đơn vị quản lý thực tập sinh kỹ năng của Nhật Bản bị xoá giấy phép…
Trên đây là những thông tin hấp dẫn trong lĩnh vực lao động việc làm được đăng trên Chuyên mục Việc làm tuần qua.
Tăng tuổi hưu có khiến người trẻ “mất chỗ” việc làm trong tương lai?
Liệu việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu phần nào sẽ khiến người lớn tuổi “ngồi” ghế lâu hơn và người trẻ tuổi sẽ mất cơ hội việc làm? Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu lao động thất nghiệp, trong đó có gần 200.000 cử nhân?
Đây là những băn khoăn của bạn đọc gửi tới Giao lưu trực tuyến về “Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi - Tuổi hưu và giờ làm thêm, ai sẽ chịu tác động?”. Chương trình do Báo điện tử Dân trí và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 18/10 tại Hà Nội.
Khách mời của chương trình là ông Doãn Mậu Diệp - Phó Trưởng Ban soạn thảo Bộ Luật Lao động 2012 (sửa đổi), nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH
Nhiều vấn đề “nóng” đã được khách mời giải đáp, như: Tại sao phải xây dựng phương án tăng tuổi hưu từ lúc này? Điều chỉnh khung giờ làm thêm trong năm? Mô hình tổ chức của người lao động tại cơ sở…
Lao động nữ sẽ làm gì khi công nghiệp 4.0 “gõ cửa” từng nhà?
“Trong bối cảnh 4.0, lao động nữ gặp nhiều rào cản trong tuyển dụng, sự chi phối từ công việc gia đình. Ngoài ra, sự phát triển nhanh về khoa học, công nghệ của tác động 4.0 đòi hỏi lao động nữ cần có sự điều chỉnh kịp thời…”.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định tại Diễn đàn “Nâng cao quyền năng của Phụ nữ tại nơi làm việc trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0”.
Nghiên cứu được công bố tại Hội thảo cho thấy, số lượng lao động nữ Việt Nam trong độ tuổi lao động hiện đạt 22,3 triệu người, chiếm 45,6% lực lượng lao động. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ, lao động nữ đang là một trong các đối tượng chịu tác động lớn nhất và chưa được đánh giá đầy đủ…
Đây cũng là đối tượng yếu thế và dễ tổn thương hơn do không nhận được sự đối xử công bằng trong nhiều trường hợp. Một trong những hậu quả là không ít đóng góp của họ với xã hội chưa được công nhận tương xứng và thích đáng...
Bị cấm hoạt động, doanh nghiệp XKLĐ vẫn ...thản nhiên tái phạm
Cty TNHH Toàn Cầu HT từng bị đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Hà Tĩnh phát giác hàng loạt sai phạm, buộc đình chỉ hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ). Không những không thực hiện, tới nay, doanh nghiệp này tiếp tục tái phạm.
Nguồn tin từ Sở LĐTB-XH tỉnh Hà Tĩnh cho hay, đơn vị này vừa vào cuộc xác minh nội dung phản ánh Cty Toàn Cầu (địa chỉ số 47 QL1A, xóm Tân Trung, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) tổ chức tư vấn, thu tiền đặt cọc, tiếp nhận hồ sơ tuyển dụng lao động đi làm việc nước ngoài (XKLĐ) trái quy định.
Qua xác minh, làm rõ vụ việc, Sở LĐTB-XH chỉ rõ: Cty Toàn Cầu không có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cấp; không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Bộ LĐ-TB&XH cấp…
Thu lãi hơn nửa tỷ đồng từ củ sâm Bố Chính trên đất đỏ bazan
Lần đầu tiên Quảng Trị thử nghiệm giống sâm quý trên vùng đồi đất đỏ bazan đã mang đến hiệu quả bất ngờ. Sau gần 9 tháng chăm sóc, vườn sâm Bố Chính đã cho thu hoạch với năng suất hơn 3 tấn sâm/ha, lợi nhuận hơn 600 triệu đồng.
Ông Lê Phước Hiếu - Phó Chủ tịch UBND xã Gio An, là 1 trong 3 thành viên nhóm trồng sâm dược liệu tại Quảng Trị cho biết, qua 9 tháng chăm sóc, 3 ha sâm Bố Chính tại Quảng Trị đã cho thu hoạch, sản lượng vượt dự tính. Mỗi ha thu về khoảng hơn 3 tấn củ sâm.
Tại vườn sâm luôn có từ 2-3 lao động làm việc thường xuyên, với mức lương gần 6 triệu đồng. Tùy từng thời điểm vào vụ, trên vườn sâm có thể có khoảng 10 lao động...
Nhật Bản: Xoá giấy phép của 2 đơn vị quản lý thực tập sinh kỹ năng
Bộ Tư pháp và Bộ y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản vừa thông báo xóa bỏ giấy phép của 2 đoàn thể quản lý thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài. Nguyên nhân bởi 2 đơn vị trên đã ký kết với công ty phía Việt Nam và thực hiện không đúng quy định của Luật thực tập kỹ năng.
Căn cứ khiến Kokusai Gijutsukoryu Kyodo Kumiai, một trong 2 đoàn thể nêu trên, bị xóa bỏ giấy phép vì đã ký kết Phụ lục hợp đồng liên quan tới chương trình thực tập kỹ năng người nước ngoài với cơ quan phái cử là TTC Vietnam Human Resources Joint Stock Company, trong đó quy định nội dung phạt vi phạm hợp đồng đối với thực tập sinh thực tập kỹ năng tại Nhật Bản và một số thỏa thuận có nội dung không phù hợp với quy định tại khoản 1 điều 28 Luật thực tập kỹ năng.
Vì vậy, đoàn thể quản lý này không được công nhận là có đủ năng lực để thực hiện công tác quản lý thực tập sinh một cách đúng đắn, không đáp ứng các tiêu chuẩn nêu tại điểm 8 khoản 1 điều 25 của Luật thực tập kỹ năng, căn cứ quy định tại điểm 1 khoản 1 điều 37 của Luật này đã bị xóa giấy phép…
Cà Mau: Hơn 250 doanh nghiệp nợ 113 tỷ tiền đóng BHXH
Tổng số tiền mà các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau nợ bảo hiểm xã hội , bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp của người lao động lên đến 113 tỷ đồng.
Thống kê mới đây của Bảo hiểm xã hội tỉnh Cà Mau cho biết, tính đến cuối tháng 9/2019, trên địa bàn tỉnh này có khoảng 255 đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 3 tháng trở lên, với số tiền trên 113 tỷ đồng.
Các đơn vị nợ tập trung nhiều ở các công ty, doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm).
Trong đó, số tiền nợ bảo hiểm của Công ty Cổ phần kinh doanh thủy sản và xuất nhập khẩu Quốc Việt (phường 6, TP Cà Mau) đứng thứ nhất với trên 27 tỷ đồng, thời gian nợ đóng BHXH là 12 tháng.
Tiếp đó là Công ty cổ phần chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex (huyện Phú Tân) với số tiền nợ trên 18 tỷ đồng, thời gian nợ 5 tháng.
Hoàng Mạnh tổng hợp