1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quảng Trị: Trồng sâm Bố Chính trên đất đỏ bazan, thu lãi hơn nửa tỷ đồng

(Dân trí) - Lần đầu tiên Quảng Trị thử nghiệm giống sâm quý trên vùng đồi đất đỏ bazan đã mang đến hiệu quả bất ngờ. Sau gần 9 tháng chăm sóc, vườn sâm Bố Chính đã cho thu hoạch với năng suất hơn 3 tấn sâm/ha, lợi nhuận hơn 600 triệu đồng.

Sâm Bố Chính còn có tên gọi khác là “sâm tiến vua”, do nhóm nông dân Quảng Trị trồng vào tháng 2/2019, với số vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng. Quá trình chăm sóc, cây sâm Bố Chính được nhóm hộ trồng theo hướng an toàn sinh học, không sử dụng phân bón và thuốc BVTV hoá học.

Quảng Trị:  Trồng sâm Bố Chính trên đất đỏ bazan, thu lãi hơn nửa tỷ đồng - 1

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng đoàn công tác kiểm tra mô hình trồng sâm Bố Chính tại xã Gio An, huyện Gio Linh hồi tháng 6/2019.

Sâm Bố Chính tại Quảng Trị phát triển sau 3 tháng chăm sóc

Ông Lê Phước Hiếu - Phó Chủ tịch UBND xã Gio An, là 1 trong 3 thành viên nhóm trồng sâm dược liệu tại Quảng Trị cho biết, qua 9 tháng chăm sóc, 3 ha sâm Bố Chính tại Quảng Trị đã cho thu hoạch, sản lượng vượt dự tính. Mỗi ha thu về khoảng hơn 3 tấn củ sâm.

Quảng Trị:  Trồng sâm Bố Chính trên đất đỏ bazan, thu lãi hơn nửa tỷ đồng - 2

Phần lớn sâm củ được nhóm hộ liên kết với công ty Tuệ Lâm thu mua.

Theo ông Hiếu, sau khi phân loại, sâm có giá cao nhất là 800 ngàn đồng, loại vừa có giá 600-700 ngàn đồng/kg, loại thấp nhất 120 ngàn đồng/kg. Trung bình mỗi ha lãi khoảng 200 triệu đồng.

Được biết, hơn 90% sâm củ đã được doanh nghiệp thu mua, còn lại được nhóm các hộ dân trồng bán lẻ ra thị trường Quảng Trị. Sản phẩm sâm củ đã xuất hiện tại các cửa hàng, siêu thị nông sản trên địa bàn TP Đông Hà, huyện Gio Linh...

Quảng Trị:  Trồng sâm Bố Chính trên đất đỏ bazan, thu lãi hơn nửa tỷ đồng - 3

Sâm được làm sạch ngâm rượu. Ảnh: Võ Linh

Ngoài hình thức tiêu thụ sâm củ, nhóm trồng sâm đã liên kết với các đơn vị để làm nước giải khát, ngâm rượu và một số sản phẩm khác.

Vào tháng 6/2019, khi kiểm tra tại vườn sâm Bố Chính tại xã Gio An, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị tỉnh Quảng Trị quan tâm phát triển loại cây dược liệu này để không chỉ dừng lại ở mô hình, mà cần nhân rộng ra trên địa bàn.

Quảng Trị:  Trồng sâm Bố Chính trên đất đỏ bazan, thu lãi hơn nửa tỷ đồng - 4

Củ sâm có trọng lượng lớn, dáng đẹp.

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết: Với năng suất, sản lượng mang lại, đây được xem là mô hình nông nghiệp công nghệ cao mang lại lợi nhuận cao nhất tại địa phương hiện tại, cũng là một trong những mô hình thành công nhất được thực hiện theo Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng cho năng suất thấp.

Sâm Bố Chính là một trong những loại cây dược liệu quý, đề nghị nhóm hộ tiếp tục chăm sóc, huyện Gio Linh cùng với các ngành chức năng theo dõi để có tổng kết, đánh giá sự thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng, quá trình sinh trưởng, phát triển, để tiến đến nhân rộng mô hình này.

Quảng Trị:  Trồng sâm Bố Chính trên đất đỏ bazan, thu lãi hơn nửa tỷ đồng - 5

Theo ước tính, 3 ha sâm Bố Chính cho sản lượng hơn 10 tấn.

Theo nhiều tư liệu, sâm Bố Chính là một loài thực vật có hoa, thuộc họ cẩm quỳ, là loại sâm hoang dã bản địa của Việt Nam.

Sở dĩ có tên gọi Bố Chính vì cây sâm này được phát hiện và sử dụng làm dược liệu đầu tiên ở Châu Bố Chính (nay là vùng Bố Trạch, Quảng Bình) mấy trăm năm trước. Là loại dược liệu quý với 26 tác dụng chữa bệnh tuyệt vời, sâm Bố Chính còn là đặc sản tiến vua năm xưa.

Trước đây, sâm Bố Chính phân bố ở nhiều vùng thuộc miền Trung nhưng do thời gian, lịch sử, loài cây này càng trở nên quý hiếm.

Quảng Trị:  Trồng sâm Bố Chính trên đất đỏ bazan, thu lãi hơn nửa tỷ đồng - 6

Sâm củ sau thu hoạch được phân loại để đưa vào các siêu thị, cửa hàng nông sản.

Sau vụ thử nghiệm sâm lần này, nhóm trồng sâm đang nghiên cứu để làm các thủ tục thuê đất, mở rộng trồng sâm trên địa bàn.

Ông Lê Phước Hiếu cho hay, từ khi bước vào trồng sâm Bố Chính tại vùng đồi Gio An đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Tại vườn sâm luôn có từ 2-3 lao động làm việc thường xuyên, với mức lương gần 6 triệu đồng. Tùy từng thời điểm vào vụ, trên vườn sâm có thể có khoảng 10 lao động.

Đ. Đức