Tăng tuổi hưu nhưng không giữ ghế lâu, DN kêu “lương tối thiểu” gánh nhiều vai …

(Dân trí) - Bộ trưởng Lao động khẳng định tăng tuổi hưu nhưng không để quan chức giữ ghế lâu, kỹ sư bỏ việc về nuôi ruồi làm giàu, vướng mắc trong triển khai chính sách BHYT, doanh nghiệp kêu “lương tối thiểu” gánh nhiều vai trò … là những thông tin hấp dẫn trong lĩnh vực việc làm tuần qua.

Tăng tuổi hưu nhưng không giữ ghế lâu, DN kêu “lương tối thiểu” gánh nhiều vai … - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Không có chuyện tăng tuổi nghỉ hưu để quan chức giữ ghế!"

Bên hành lang Quốc hội tuần qua, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, sửa Bộ luật lao động với nội dung tăng tuổi nghỉ hưu không có nghĩa là người già tranh chỗ làm của người lao động trẻ, quan chức “giữ ghế” mà là bài tính cho tương lai. 

Chúng ta xác định ưu tiên số 1 khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định và công ăn việc làm cho giới trẻ. Hiện 46% người sau tuổi nghỉ hưu đang làm việc tiếp.

Cũng phải làm rõ không có chuyện người già tranh chấp chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế để làm việc đâu. Đây là chúng ta tính cho tương lai, cho thế hệ sau. Nếu không tăng tuổi nghỉ hưu là chúng ta truyền gánh nặng cho thế hệ sau…”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bình Định: Tăng tuổi hưu - cần nghiên cứu kỹ đặc thù ngành nghề

Theo bà Lê Thị Tuyết Trinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định cho biết: “Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật lao động đa dạng, trong đó có cả người lao động trực tiếp. Trong khi điều kiện làm việc, sức khỏe, dinh dưỡng thực tế của người lao động còn thấp. Một số ngành nghề đặc thù không thể sử dụng lao động lớn tuổi như: may mặc, giáo viên mầm non, công nhân hầm lò…”.

Đồng thời, bà Trinh cho hay, việc tăng tuổi nghỉ hưu đề nghị cần phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân theo các nhóm, lĩnh vực khác nhau và sát với thực tế để tránh tình trạng phản ứng tiêu cực trong xã hội như Điều 60 của Luật BHXH đã xảy ra.

Lương tối thiểu đang "khoác" quá nhiều vai

Theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, mức lương tối thiểu vùng đang bị “khoác” cho quá nhiều chức năng, làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

“Ở nhiều nước, tăng lương tối thiểu chỉ đơn thuần là tăng mức lương, không liên quan đến căn cứ chi trả bảo hiểm và các khoản khác”, ông Cẩm dẫn ví dụ.

Cũng theo ông Cẩm, nếu cứ tăng mức lương tối thiểu thì những doanh nghiệp dệt may hoặc những doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường sẽ “không thể chịu nổi” mà rời bỏ thị trường vì doanh nghiệp đang phải bù lương và do mức đóng bảo hiểm lớn, gồm cả số lao động 3-6 tháng, đây là số lao động biến động rất lớn”.

Kỹ sư bỏ việc về quê kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng từ…nuôi ruồi

Anh Nguyễn Chí Cảnh ở xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) từng là kỹ sư xây dựng với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Trong một lần tình cờ, anh biết đến ruồi lính đen thông qua bạn bè.

Anh tìm hiểu và mua con giống về nuôi thử thấy đạt hiệu quả, cho thu nhập ổn định nên anh nghỉ việc bên công trình, đầu tư chuồng trại, chịu khó học hỏi kĩ thuật nhân giống nuôi ruồi.

Hiện mỗi tháng anh thu khoảng 4 kg trứng ruồi lính đen với giá bán mỗi kg từ 15 đến 20 triệu đồng. Một kg trứng ruồi có thể nở và phát triển thành 3 đến 4 tấn nhộng. 

150 công nhân sản xuất gạch ở Thanh Hoá kêu cứu vì bị nợ lương, BHXH

Nhiều năm qua, 150 công nhân Xí nghiệp gạch tuynel K2 Đông Văn thuộc Công ty CP Xây dựng Hà Nội (Hancorp.2), đóng trên địa bàn Thanh Hoá bị nợ lương , không được hưởng BHXH, phúc lợi…Dù đã được Bộ trưởng Bộ xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa can thiệp nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả. 

Ông Trần Đại Nghĩa, Giám đốc BHXH TP. Thanh  Hóa cho biết, tính đến tháng 5/2019, đơn vị này đã nợ BHXH hơn 27 tỷ đồng. Đơn vị này mới nộp BHXH đến tháng 8/2012. Họ đã bị Cục thuế cưỡng chế từ năm ngoái.

“Năm ngoái chúng tôi cũng đã đề nghị đơn vị có đơn dừng hoạt động để không phát sinh kinh phí nhưng họ không làm. Hiện về lý thì họ vẫn hoạt động nhưng trên thực tế thì đã ngừng từ năm ngoái” - ông Nghĩa cho biết thêm.

Cũng theo ông Nghĩa, Thanh tra Chính phủ, thanh tra Bộ Lao động, các đoàn của tỉnh cũng đã làm việc. Tháng trước, công nhân họ đã kéo ra tổng Công ty Xây dựng Hà nội và Bộ Xây dựng, sau đó về thì Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cũng đã đối thoại. Sau cuộc đối thoại đó thì tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra gồm Sở Lao động, Công an, BHXH, Sở Tài chính, Sở TN&MT, UBND huyện Đông Sơn. Hiện nay đoàn đang làm để tìm phương án giải quyết.

Nhiều vướng mắc trong thực hiện quy định về BHYT

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Tất Thao - Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN) cho biết: Nghị định 146/2018/NĐ-CP có quy định Bộ Y tế được giao hướng dẫn thi hành một số điều, khoản. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa hướng dẫn. Do vậy, có nhiều khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Đơn cử là việc xây dựng nguyên tắc, danh mục dịch vụ kỹ thuật chuyển bệnh phẩm hoặc người bệnh đến cơ sở KCB khác để thực hiện dịch vụ kỹ thuật. Việc thẩm định điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) BHYT ban đầu đối với cơ sở KCB BHYT…. Đây là những thông tin cần thiết nhưng tới nay chưa có hướng dẫn cụ thể.

Về xác định tổng mức thanh toán, Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định thanh toán chi phí với cơ sở KCB BHYT theo tổng mức thanh toán.

Tuy nhiên, tổng mức thanh toán phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Chi phí KCB của năm trước, hệ số K biến động của giá thuốc, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật do Tổng cục Thống kê thông báo…Muốn xác định được các yếu tố này phải tới năm sau mới có thể thực hiện được.

Hoàng Mạnh tổng hợp