1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bình Định: Tăng tuổi hưu - cần nghiên cứu kỹ đặc thù ngành nghề

(Dân trí) - Đó là ý kiến của đa số người lao động cũng như của các chuyên gia các sở, ngành được Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định tổng hợp các ý kiến góp ý vào dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) đang trình Quốc hội.

Công chức, viên chức nói gì

Bà N.M.T. là một cán bộ đang công tác tại cơ quan nhà nước tỉnh Bình Định. Nói về đề xuất tăng tuổi hưu, bà T cho rằng, tùy vào từng ngành nghề khác nhau mà xem xét có nên tăng tuổi hưu hoặc giữ nguyên như hiện hành.

Bình Định: Tăng tuổi hưu - cần nghiên cứu kỹ đặc thù ngành nghề - 1
Một số ngành chuyên môn như bác sĩ (hiện nay bác sĩ đang thiếu trầm trọng) nên tăng tuổi hưu là phù hợp nhưng không cho giữ chức vụ lãnh đạo.

"Đối với người làm việc chuyên môn như bác sĩ,  giảng viên đại học được đào tạo bài bản ở nước ngoài về, những người nghiên cứu khoa học có những đề tài, sáng kiến cấp nhà nước và được ứng dụng nhiều trong thực tế thì nên tăng tuổi hưu là hợp lý.

Nhưng nhất định những người này nếu muốn làm việc tiếp thì không được làm quản lý tại nơi mình đang làm" - bà T bày tỏ.

Đối với người lao động làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm thì giữ nguyên như Bộ luật lao động hiện hành là phù hợp.

Bà T. cũng cho rằng, quy định về tăng tuổi hưu nên theo hướng mở cho người lao động lựa chọn về hưu hay làm tiếp. Đặc biệt là việc kéo dài tuổi hưu nhưng không được giữ chức vụ lãnh đạo để tạo cơ hội cho người trẻ phát huy năng lực của mình.

“Sau tuổi 50 về mặt tâm sinh lý con người là sức ý trong công việc rất lớn nên cần nghỉ để cho lớp trẻ làm” - bà T. chia sẻ.

Bàn về câu chuyện tăng tuổi hưu, ông Mai Anh Dũng - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - Bình Định cũng đồng quan điểm khi cho rằng tùy ngành mà tăng tuổi hưu như đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH.

“Có những ngành tăng tuổi hưu lên được nhưng có ngành nên giữ nguyên. Ví như những ngành độc hại, những ngành yêu cầu sự nhanh nhạy, sức khỏe, sự minh mẫn… thì không nên tăng” - ông Dũng nói.

Với đặc thù của ngành giáo dục, ông Dũng nói: “Trong giáo dục thì đến tuổi hưu hiện hành thì nghỉ hưu là tốt rồi. Bởi khi nam giới trên 60 tuổi, nữ trên 55 tuổi thì những đặc điểm tâm sinh lý nó không thể theo kịp với giáo dục hiện tại nữa. Cơ thể đã bắt đầu bị chậm đi từ suy nghĩ, đến sức khỏe, sự nhanh nhạy… Ngoài ra, những kỹ thuật về công nghệ thông tin, ngoại ngữ cũng chậm. Tôi nghĩ ở thời điểm hiện tại tăng thì không phù hợp”.

Nếu tăng sẽ lựa chọn phương án 1

Theo bà Lê Thị Tuyết Trinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định cho biết, qua tổng hợp ý kiến tham gia ở các cấp công đoàn và tổ chức buổi hội thảo lấy ý kiến tham gia của các Đại biểu Quốc hội tỉnh và một số chuyên gia ở các sở ngành như: Sở tư pháp, Sở LĐ - TB&XH, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh, BHXH tỉnh… thì đa số các ý kiến không thống nhất việc tăng tuổi nghỉ hưu.

“Vì đối tượng phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật lao động là người lao động trực tiếp, trong khi điều kiện làm việc, sức khỏe, dinh dưỡng thực tế của người lao động còn rất thấp. Một số ngành nghề đặc thù không thể sử dụng lao động lớn tuổi như: may mặc, giáo viên mầm non, công nhân hầm lò…

Do đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu đề nghị cần phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân theo các nhóm, lĩnh vực khác nhau và sát với thực tế để tránh tình trạng phản ứng tiêu cực trong xã hội như Điều 60 của Luật BHXH đã xảy ra”, bà Trinh cho hay.

Cũng theo bà Trinh, trong trường hợp nếu vẫn thống nhất phương án tăng tuổi nghỉ hưu thì các đại biểu thống nhất chọn phương án 1. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể lộ trình, chính sách linh hoạt cho các đối tượng đặc thù.

Đồng thời, việc triển khai thực hiện vấn đề này cần phải xem xét chặt chẽ vấn đề về tiền lương, chế độ hưởng BHXH khi nghỉ hưu của người lao động theo định hướng đóng thời gian nào hưởng hưu thời gian đó.

Doãn Công