Tăng tuổi hưu, có giúp tham quyền cố vị?

(Dân trí) - Trả lời về lo ngại việc tăng tuổi hưu sẽ có nguy cơ dẫn tới tình trạng tham quyền cố vị, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng cần tính toán kỹ lưỡng để tận dụng nguồn nhân lực có kinh nghiệm và không gia tăng thất nghiệp của thanh niên.


Nhiều lao động trực tiếp không có nhu cầu tăng tuổi hưu (Ảnh có tính minh họa).

Nhiều lao động trực tiếp không có nhu cầu tăng tuổi hưu (Ảnh có tính minh họa).

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, tuổi nghỉ hưu đã được đề cập khi xây dựng, chỉnh sửa Bộ Luật lao động năm 2012 nhưng không được Quốc hội chấp nhận vì Bộ LĐ-TB&XH và Chính phủ trình ra với phương án 1 năm tăng 3 tháng để cho nam đến tuổi 62 và nữ 58.

“Và cũng có phương án cả nam và nữ là đều nghỉ 60 tuổi và nữ có quyền nghỉ sớm từ 1 - 5 năm nhưng Quốc hội không đồng ý. Để giải quyết những trường hợp người lao động có khả năng làm việc nhưng tới tuổi hưu, Quốc hội đã xử lý bằng việc thiết kế Điều 187 trong Luật Lao động. Tại Khoản 3 Điều 187 cho phép người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, người có trình độ quản lý được kéo dài thời gian làm việc nhưng tối đa không quá 5 năm” - ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.

Nên tách thành 2 nhóm khi bàn tăng tuổi hưu

Trao đổi với PV Dân trí trước đó, ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) cho rằng nên tách thành 2 nhóm khi tính tới tăng tuổi hưu. Theo đó, nhóm lao động sản xuất trực tiếp thì không nên tăng tuổi hưu vì điều kiện lao động nặng nhọc, tiêu hao nhiều sức khỏe. Có nên chăng chỉ nghiên cứu với nhóm hành chính sự nghiệp và theo lộ trìn tăng dần.

Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, liên quan tới vấn đề này, Chính phủ đã ban hành một Nghị định về tuổi hưu dành cho 2 nhóm đối tượng đặc biệt: Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND của 2 thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được nghỉ ở tuổi 60 đối với nữ.

Liên quan tới việc tăng tuổi hưu, ông Bùi Sỹ Lợi chia sẻ quan điểm cá nhân: “Quan điểm của tôi là phải tính toán để không có tình trạng lãnh phí nguồn lực hết sức quan trọng của đất nước. Chúng ta đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, nguồn nhân lực của chúng ta đang yếu dần đi”.

Đồng thời, phải đảm bảo mục tiêu công bằng của xã hội và phải đảm bảo được việc làm cho những người học sinh sinh viên tốt nghiệp ra trường được đào tào có bằng cấp, có năng lực. “Không để đội ngũ lao động trẻ thất nghiệp vì thiếu việc làm rất nhiều”.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, vấn đề tăng tuổi hưu bao gồm cả những yếu tố kinh tế và xã hội. Hai vấn đề đó phải tính toán, một là phải bảo vệ, giữ gìn lấy nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng cũng đừng lãng quên nguồn nhân lực trẻ có trình độ, có năng lực, có chuyên môn mà lại thiếu việc làm, thất nghiệp thì phi lý quá.

“Trong khi xã hội có tới 161.000 cử nhân không có việc làm, nhiều ý kiến cho rằng nâng tuổi nghỉ hưu lên thì người ta ngồi ở đâu?. Do đó chúng ta phải tính toán rất kỹ về chuyện tăng như thế nào, tăng lên bao nhiêu, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo cả thị trường lao động và ổn định xã hội” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012 lần 1 sẽ được công bố vào ngày 31/10. Dự thảo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3, tháng 5/2017 và thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10-2017.

"Cho đến nay, Chính phủ chưa chính thức trình Bộ luật Lao động cho nên cũng chưa có ý kiến nào bàn đến tuổi nghỉ hưu là có nâng hay không nâng và phương án như thế nào. Phương án tăng hay không tăng khi trình Quốc hội cần phải có tinh thuyết phục thì mới có thể quyết được” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Hoàng Mạnh