Sửa Luật Lao động: Có thêm nhiều nội dung về lương tối thiểu

(Dân trí) - “Thay vì chỉ có 1 điều trong Luật lao động, việc bổ sung thêm các quy định về tiền lương tối thiểu sẽ tăng cường sự tuân thủ của doanh nghiệp, người lao động. Tổ chức công đoàn cũng có thêm căn cứ giám sát và thương lượng các nội dung tiền lương với người sử dụng lao động”.


Theo Tổng LĐLĐ VN, lương tối thiểu mới đáp ứng 80 % mức sống tối thiểu.

Theo Tổng LĐLĐ VN, lương tối thiểu mới đáp ứng 80 % mức sống tối thiểu.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) trao đổi với PV Dân trí về thông tin Chính phủ vừa giao cho Bộ LĐ- TB&XH chủ trì, phối hợp với Tổng LĐLĐ VN, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, các cơ quan liên quan đề xuất phương án xác định lộ trình thực hiện tiền lương tối thiểu của người lao động theo quy định tại Điều 91, Bộ Luật Lao động.

Cần thêm quy định về lương tối thiểu

Được biết, trong kế hoạch sửa Luật Lao động trong năm 2016 - 2017, Bộ LĐ-TB&XH cũng dự kiến bổ sung thêm nhiều nội dung liên quan tới lương tối thiểu để phù hợp với thực tế. Đây là điều cần thiết sau hơn 3 năm triển khai trên thực tế Luật lao động năm 2012.

Đồng tình cho rằng việc bổ sung quy định tiền lương tối thiểu là điều tất yếu, ông Lê Đình Quảng cho biết, trước đây, luật Lao động “ôm đồm” nhiều nội dung về tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động.

“Sau 3 năm thực hiện Luật lao động năm 2012, mức lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng khoảng 80 %. Xét về góc độ pháp chế, điều này chưa tuân thủ được. Ngay cả tới nay, quy định BHXH mới tính trên cơ sở mức lương và phụ cấp, còn các khoản phụ cấp khác tới năm 2018 mới tính” - ông Lê Đình Quảng nói.

“Hiện nay, chúng ta thiếu những quy định về lương tối thiểu. Quy định tiền lương tối thiểu chỉ được nêu ở duy nhất một điều trong phần tiền lương của Bộ Luật Lao động. Nhiều vấn đề về tiền lương phát sinh và vướng mắc trên thực tế, nhưng chúng ta phải dùng các văn bản hướng dẫn. Trong khi đó, tiền lương là vấn đề quan trọng đối với người lao động. Khi đi làm, điều quan trọng đầu tiên là tiền lương để người lao động nuôi bản thân và gia đình” - ông Lê Đình Quảng nói.

Ngoài ra, ông Lê Đình Quảng nhận định, công tác xây dựng lộ trình tiền lương tối thiểu theo Điều 91 phần nào cũng là sự “chuẩn hóa” về kỹ thuật việc thực hiện.

“Điều 91 quy định mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Luật Lao động có hiệu lực từ 1/5/2013, nhưng tới nay Điều luật này vẫn chưa được thực hiện”.

Theo đánh giá của các chuyên gia Tổng LĐLĐ VN, mức lương tối thiểu hiện mới đáp ứng được khoảng 80% mức sống tối thiểu. “Như vậy, cần có thêm một lộ trình cụ thể để đáp ứng được mục tiêu mức lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu” - ông Lê Đình Quảng nói.

Tranh luận về lương tối thiểu và năng suất lao động

Vấn đề tăng lương tối thiểu vùng hàng năm từng gây ra nhiều tranh luận giữa các bên trong Hội đồng tiền lương Quốc gia. Quan điểm của Phòng thương mại và công nghiệp VN cũng như nhiều Hiệp hội là cần tính tới năng suất lao động bên cạnh việc tăng lương tối thiểu.

Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về tình hình thực thi pháp luật lao động do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức đầu tháng 6 tại Hà Nội, ông Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May VN, phân tích: “Điều 91 Luật lao động đã quy định lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Nhưng nhu cầu sống của con người luôn biến động. Vậy tới bao giờ mới có thể đáp ứng đủ!. Nếu quy định gốc còn chưa chắc chắn thì sẽ khó có căn cứ”.

“Nếu bàn về năng suất lao động mà chỉ nhắc tới cường độ lao động, kỹ năng lao động là chưa đủ. Chúng ta phải thừa nhận môt thực tế: Năng suất lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố máy móc, công nghệ, quản lý, ngành nghề… của doanh nghiệp. Thực tế mà nói, cường độ làm việc của người lao động đã khá cao, kỹ năng lao động dù có nơi này nơi kia, nhưng về cơ bản của không đến nỗi nào” - ông Lê Đình Quảng nói.

Trong khi đó, quan điểm của phía Tổng LĐLĐ VN là khi nào lương tối thiểu phải đáp ứng được mức sống tối thiểu thì mới có thể đặt nặng vấn đề năng suất lao động.

Hài hòa 2 dòng quan điểm trên, Bộ LĐ-TB&XH với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về lao động việc làm cho rằng: Tăng lương tối thiểu nhưng cũng cần tính tới yếu tố tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, từng nói: “Người lao động mong muốn cuộc sống và thu nhập ngày càng tăng. Đó là điều chính đáng. Nhưng trong bối cảnh cạnh tranh quốc gia và khu vực, chúng ta cũng cần lưu ý tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, từ đó tạo nguồn việc làm bền vững”.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng cho biết, Bộ LĐ-TB&XH sẽ là đơn vị chủ trì công tác soạn thảo sửa đổi Luật lao động, trên cơ sở phân công của Chính phủ. Việc sửa Luật Lao động thời gian tới sẽ cân nhắc bổ sung thêm các quy định về lương tối thiểu để phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện nay. “Khi có điều kiện, chúng ta sẽ xây dựng và nâng cấp lên thành luật Lương tối thiểu với các quy định cụ thể hơn”.

Được biết cuối tháng 7, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ nhóm họp để bàn mức tăng lương tối thiểu năm 2017. Dự báo của nhiều chuyên gia cho rằng, độ "nóng" của phiên họp tới đây sẽ giảm so với năm trước. Đặc biệt, mức tăng lương tối thiểu của năm 2017 sẽ không cao hơn mức tăng của năm 2016 (12,4%).

Điều 91: Mức lương tối thiểu

1. Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành.

2. Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.

3. Mức lương tối thiểu ngành được xác định thông qua thương lượng tập thể ngành, được ghi trong thỏa ước lao động tập thể ngành nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố.

(Nguồn: Luật Lao động năm 2012)

Hoàng Mạnh