Sửa Luật Lao động: “Nâng giới hạn giờ làm thêm với lũy tiến trả lương”
(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN), cho rằng thời điểm hiện nay có thể xem xét tới việc điều chỉnh giới hạn giờ làm thêm. “Tuy nhiên, việc nới rộng giới hạn giờ làm thêm cần gắn với trả lương lũy tiến”.
Theo ông Lê Đình Quảng, trong những năm trước đây, khi bàn tới việc xây dựng Luật Lao động năm 2012, Tổng LĐLĐ VN đã phản đối đề xuất tăng thêm thời gian làm thêm giờ được một số đơn vị đưa ra.
Bộ Luật Lao động năm 2012 đang quy định, người sử dụng lao động không được tăng quá 20 giờ làm thêm trong 1 tháng, 200 giờ trong 1 năm và trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ.
“Nhiều doanh nghiệp dệt may phản ánh tình trạng đơn hàng cần thực hiện gấp, nhưng gặp khó khăn bởi quỹ thời gian làm thêm ít. Tới bối cảnh hiện nay, có thể xem xét theo hướng “nới rộng” thêm giới hạn giờ làm thêm hơn 200 giờ/năm. Việc này phần nào sẽ tạo sự linh hoạt cho doanh nghiệp nhưng chế độ chi trả giờ làm thêm nên tính theo phương pháp lũy tiến” - ông Lê Đình Quảng cho biết.
Ông Lê Đình Quảng minh họa: Nếu làm thêm 200 giờ đều vào ngày thường thì việc chi trả hiện nay bằng 150 % lương của ngày làm việc bình thường. Nếu doanh nghiệp huy động người lao động làm thêm từ 200-300 giờ, người sử dụng phải trả bằng 200 % lương của ngày làm việc bình thường. Nếu tăng từ 300-400 giờ, người sử dụng lao động phải trả mức 250 % lương của ngày làm việc bình thường. Nếu trên 500 giờ, mức phải trả bằng 300 % lương của ngày làm việc bình thường.
Trả lời câu hỏi về mức giới hạn mới nào có thể phù hợp, ông Lê Đình Quảng cho rằng giới hạn làm thêm giờ hiện nay (300 giờ) có thể nâng tới 400 giờ trong trường hợp đặc biệt và gắn với việc tính lương theo lũy tiến. “Nếu lạm dụng nhiều việc gia tăng làm thêm giờ, người lao động có thể gây ra tai nạn lao động, năng suất lao động có xu hướng giảm đi”.
Tuy nhiên, ông Lê Đình Quảng cho rằng việc gia tăng giới hạn giờ làm thêm chỉ nên áp dụng ở 1 số doanh nghiệp đặc thù theo ngành nghề hoặc sử dụng đông lao động.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh người lao động chủ động đăng ký làm thêm giờ? Ông Lê Đình Quảng cho rằng: Thực trạng tiền lương của người lao động còn thấp nên họ “cực chẳng đã” mới chấp nhận đi làm thêm, qua đó kiếm tiền để trang trải các nhu cầu cuộc sống. Nếu tiền lương cao thì khó ai có còn nhu cầu nữa.
“Xét về mặt xã hội, người lao động cần được cải thiện điều kiện làm việc và có thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động, giải trí, học tập và nâng cao trình độ” - ông Lê Đình Quảng nói.
Mức làm thêm giờ của các nhiều nước cao hơn VN, vì sao?
Ông Lê Đình Quảng thừa nhận, giới hạn thời gian làm thêm của VN thấp hơn nhiều nước là một thực tế. “Tuy nhiên, giờ làm việc chính thức của họ lại thấp hơn VN. Mặt khác, chúng ta phải tính tới thể lực của người lao động VN và điều kiện môi trường làm việc. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu thời gian làm việc tăng nhiều thì khả năng làm việc sẽ giảm đi, khả năng xảy ra tai nạn lao động”.
Hoàng Mạnh