Tăng cường tiếng nói, tạo cơ hội tiếp cận việc làm tử tế cho lao động di cư
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, đa phần người lao động di cư trong nước với lý do tìm kiếm cơ hội việc làm, tăng thu nhập. Tuy nhiên, họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội.
Ngày 25/12, Tổ chức Oxfam tại Việt nam phối hợp cùng Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng ánh sáng - Light; Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và phát triển cộng đồng - GFCD; Trung tâm Nghiên cứu tư vấn công tác xã hội và Phát triển cộng đồng - SDRC đã tổ chức chương trình tổng kết dự án "Tăng cường tiếng nói và cơ hội tiếp cận việc làm tử tế của người lao động di cư tại Việt Nam".
Dự án tập trung vào việc tăng cường năng lực cho người lao động cũng như tăng cường cơ hội tiếp cận dịch vụ việc làm, đặc biệt là lao động di cư. Trong đó, chú trọng quan tâm đến lao động nữ, góp phần hỗ trợ an sinh xã hội, giảm nghèo và phát triển bền vững.
Theo bà Nguyễn Hoàng Yến, Quản lý chương trình - Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng ánh sáng - Light, hầu hết công nhân trong các khu công nghiệp là người di cư đều gặp phải rào rản khi tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: thuê nhà trọ, chọn trường học cho con và tiền lương cơ bản không đủ cho nhu cầu sống tối thiểu...
Bởi lẽ đó, dự án muốn giúp họ được cải thiện môi trường sống, tăng thu nhập, tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội.
Sau 2 năm triển khai, dự án góp phần nâng cao năng lực của người lao động di cư, công đoàn và tổ chức xã hội. Góp phần hỗ trợ cải thiện chính sách về các vấn đề về tiền lương tối thiểu, thời giờ làm việc, thỏa ước lao động tập thể…
Nâng cao năng lực của công đoàn, các tổ chức xã hội… trong quá trình tham gia hỗ trợ xây dựng và triển khai thực hiện chính sách về điều kiện lao động và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người lao động di cư trong nước và gia đình của họ.
Chia sẻ tại buổi tổng kết, chị Đinh Thị Ngoãn, công nhân đến từ TP HCM chia sẻ, khi tham gia dự án, nữ công nhân này và nhiều đồng nghiệp khác từ chỗ thiếu tự tin, hiểu biết đã được tư vấn, nâng cao kiến thức về luật lao động, các kiến thức về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
"Khi được tham gia dự án này, những người công nhân như chúng tôi được đi giao lưu, học hỏi ở khắp các vùng miền như Hà Nội, Hải Phòng... Mỗi chuyến đi như vậy, chúng tôi được học hỏi, nắm bắt nhiều hơn những kiến thức về luật lao động, sau khi về có thể tự tin chia sẻ lại cho công nhân khác", chị Ngoãn chia sẻ.
Chị Đào Thị Như Mây (công nhân công ty Serveone Việt Nam) gửi lời cảm ơn tới dự án đã hỗ trợ công nhân những kĩ năng, kiến thức pháp luật lao động cần thiết để họ có thể tự tin đấu tranh, đòi hỏi quyền lợi cho mình.
"Ngày mới đi làm công nhân mình rụt rè lắm, nhưng từ khi tham gia dự án đến nay mình biết thêm được nhiều kiến thức, giúp ích rất nhiều cho việc đòi hỏi quyền lợi cho bản thân và đồng nghiệp khác.
Trước đây, do không có kiến thức về pháp luật lao động, nhiều công nhân không có tiếng nói, nhiều người trong công ty bị quấy rối không dám nói ra. Nhưng khi được tham gia dự án, nắm được kiến thức cơ bản về luật lao động giúp công nhân tự tin hơn nhiều", chị Mây cho biết.
Theo tổ chức Lao động quốc tế (ILO), lao động di cư là hiện tượng diễn ra trên toàn thế giới, tác động lớn đến nhiều lĩnh vực của mỗi quốc gia. Di cư là tất yếu, di cư nội địa có những đóng góp quan trọng và không thể thiếu vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Đa phần người lao động di cư trong nước với lý do tìm kiếm cơ hội việc làm, tăng thu nhập. Lao động di cư khi ra các thành phố lớn thường phải thuê nhà để ở, đồng thời phải chịu thêm nhiều chi phí khác với mức chi cao hơn người không di cư như tiền điện, tiền nước, tiền học cho con, tiền khám chữa bệnh….
Đa số người di cư chịu thiệt thòi so với người không di cư vì phải chịu thêm các chi phí trên, do đó họ đã phải lao động với cường độ cao để có thể có được mức thu nhập đủ chi trả cho cuộc sống.