Đề xuất các gói hỗ trợ công nhân mất việc như giai đoạn dịch Covid-19
(Dân trí) - Trước tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động, công đoàn kiến nghị cần có những gói hỗ trợ như trong thời gian dịch bệnh giúp doanh nghiệp tiếp tục cầm cự, giữ chân người lao động.
Dịp cuối năm, thị trường lao động xảy ra nhiều biến động, tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng phải cắt giảm lao động ở nhiều địa phương vẫn đang nóng hơn bao giờ hết.
Các cơ quan quản lý về lĩnh vực lao động việc làm đều đưa ra dự báo, từ nay tới đầu năm 2023 sẽ có thêm nhiều người lao động gặp khó khăn về việc làm và thu nhập.
Trước thực trạng đáng báo động nêu trên, ông Đào Quang Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, cần sớm có giải pháp căn cơ để giúp doanh nghiệp phục hồi, có thêm đơn hàng và mở rộng được thị trường.
"Cần có những gói hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp như trong thời gian dịch Covid-19 để giúp doanh nghiệp tiếp tục cầm cự, giữ chân người lao động, cũng như hỗ trợ các nguồn tín dụng để trả lương cho công nhân. Đối với những lao động mất việc làm, cần có chính sách hỗ trợ để họ có nguồn thu nhập tối thiểu", ông Đào Quang Vinh đề xuất.
Bên cạnh đó, ông Vinh cho rằng có thể huy động từ nguồn kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ lao động.
Đối với doanh nghiệp, theo ông Vinh một số chính sách như gói hỗ trợ tín dụng 2% hiện nay giải ngân vẫn còn rất thấp. Vì vậy, cần giải ngân cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có nguồn vốn duy trì sản xuất, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội cho cho rằng, các chính sách hỗ trợ của nhà nước về an sinh xã hội, đào tạo, kết nối cung cầu lao động là rất quan trọng trong tình hình thị trường lao động cuối năm nay và đầu năm 2023 còn gặp phải khó khăn.
Về phía tổ chức công đoàn, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, cơ quan này đã trao đổi với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để cùng thống nhất đánh giá lại tình hình, từ đó sẽ có kiến nghị Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động.
Riêng công đoàn, trong kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động sắp tới, sẽ có gói hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn, trong đó có những người mất việc, giãn việc, dự kiến có trên 1 triệu đoàn viên, người lao động được hỗ trợ với mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng.
"Ngoài chăm lo Tết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự kiến sẽ có thêm một gói nữa hỗ trợ công nhân, người lao động trong dịp Tết và sau Tết", Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói.
Tại tọa đàm Việc làm của người lao động trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu đơn hàng vừa diễn ra, ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho hay, cách đây 1,2 tháng, các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng, nhưng đến thời điểm cuối năm này mới "thấm" nặng nề nhất.
"Thời điểm này cuối năm trước, các doanh nghiệp phải tổ chức tăng ca, đảm bảo các đơn hàng, nhưng giờ hầu như không tăng ca, tác động đến thu nhập của công nhân", ông Thắng chia sẻ.
Theo ông Thắng, qua khảo sát, tiền lương của người lao động đạt 8-9 triệu đồng/tháng thì phần lớn là từ làm thêm giờ; không làm thêm giờ thì thu nhập giảm rất nhiều.
"Nếu không tăng ca, chỉ với mức lương 5 triệu đồng/tháng thì công nhân làm sao lo được cho cuộc sống gia đình", ông Thắng chia sẻ.
Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đề xuất cần tăng cường các biện pháp kiểm soát về giá, không để lạm phát tăng cao; thanh, kiểm tra xử lý vi phạm của các doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Cùng với đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách đào tạo và đào tạo lại cho người lao động; tiếp tục thực hiện những chính sách Chính phủ đã ban hành; mong muốn cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Bà Hoàng Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội cho biết, có rất ít đơn vị có đơn hàng tới tháng 3 năm sau, chủ yếu hết tháng 12/2022.
"Hiện nay, doanh nghiệp phải tung hết lực để giữ công nhân để khi đơn hàng trở lại không phải đôn đáo đi tuyển dụng. Có 4 công ty đang nợ lương người lao động, trong đó một công ty ở Phúc Thọ chủ doanh nghiệp về nước và không sang nữa, 124 lao động bơ vơ bị nợ lương, công đoàn quyết liệt vào cuộc mới chốt sổ được và đi tìm việc mới", bà Hồng cho hay và nói thêm một doanh nghiệp khác ở Ba Vì cũng lâm cảnh tương tự nhưng may là chủ còn ở Việt Nam.
Bà Hồng cho rằng, hỗ trợ người lao động 500.000-1.000.000 đồng chỉ mang tính chất tạm thời, chưa giải quyết hết được khó khăn cho người lao động mà cần có chính sách dài hơi hơn.
"Việc hỗ trợ cho công nhân, Liên đoàn không xét tiêu chí, cứ giảm mất việc là hỗ trợ nhưng mà vẫn không thấm vào đâu. Điều quan trọng là cần có giải pháp doanh nghiệp có đơn hàng, người lao động có việc làm thì mới giải quyết được vấn đề", bà Hồng nói.
Theo tổng hợp của công đoàn, dự kiến trong tháng 12/2022 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của 271.736 lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm tiếp trên 15.000 lao động.