Hà Nội: Lương tăng nhưng thưởng Tết nhiều ngành giảm sâu
(Dân trí) - Sở LĐ-TB&XH Hà Nội dự báo tiền thưởng Tết của người lao động sẽ giảm hơn so với năm 2021, giảm sâu thuộc các ngành nghề như Dệt may, Da giày, Điện tử, Chế biến gỗ...
Đó là thông tin được ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội nêu tại buổi làm việc ngày 14/12 với đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội liên quan đến tình hình thực hiện chính sách lao động, việc làm, quan hệ lao động, tiền lương và bảo đảm đời sống người lao động trong các doanh nghiệp dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Những ngành "tỷ đô" giảm thưởng
Qua theo dõi, nắm bắt tình hình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo, mặt bằng chung tiền lương năm nay tăng nhưng thưởng Tết Nguyên đán của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn có thể giảm.
Về tiền lương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh cơ bản được kiểm soát cùng với việc triển khai các giải pháp thích ứng an toàn trong tình hình mới. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp những tháng đầu năm 2022 đã có nhiều khởi sắc.
Bên cạnh đó, với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong đó quy định mức lương tối thiểu tháng trả cho người lao động tăng bình quân là xấp xỉ 6%.
"Tiền lương bình quân chung của người lao động năm 2022 tăng so với năm 2021 khoảng từ 6 % đến 7%", ông Dân dự báo.
Thời điểm cuối năm, Tết đến cận kề, câu chuyện thưởng Tết được nhiều người lao động quan tâm. Theo dự báo của Sở LĐ-TB&XH, trong bối cảnh thị trường lao động bị xáo trộn, việc thưởng Tết sẽ là sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp.
Theo quy định của pháp luật lao động, người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Tuy nhiên, do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp thiếu hoặc không có đơn hàng trong những tháng cuối năm phải cắt giảm giờ làm, giảm nhân công.
Do vậy, ông Dân dự báo, tiền thưởng Tết của người lao động sẽ giảm hơn so với năm 2021, trong đó mức giảm sâu thuộc các ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ.
"Đây mới chỉ là dự báo dựa trên tình hình hiện nay, thời gian tới sau khi có số liệu tổng hợp từ các quận, huyện, địa phương chúng tôi sẽ có báo cáo cụ thể tình hình thưởng Tết năm nay", ông Dân nhấn mạnh.
Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, năm 2021, mức thưởng Tết Dương lịch bình quân của Công ty TNHH 1 TV là 900.000 đồng/người; Công ty có cổ phần là 500.000 đồng/người; khối doanh nghiệp dân doanh là 670.000 đồng/người; khối doanh nghiệp FDI là 650.000 đồng/người.
Mức thưởng Tết âm lịch của Công ty TNHH 1 TV là: 3.200.000 đồng/người; Công ty cổ phần 3.400.000 đồng/người; khối doanh nghiệp dân doanh 3.700.000 đồng/người; khối doanh nghiệp FDI bình quân: 4.200.000 đồng/người.
Hơn 1.000 lao động đang bị nợ lương
Đại diện Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, do tình hình sản xuất, kinh doanh ở một số doanh nghiệp gặp khó khăn, việc làm và thu nhập của người lao động có chiều hướng giảm. Các doanh nghiệp lớn, có nguồn lực kinh tế mạnh thì gồng lỗ để duy trì lao động, các doanh nghiệp xuất khẩu gián tiếp không có khả năng tài chính thì buộc phải thu hẹp sản xuất, sản xuất cầm chừng.
"Công nhân làm 5 ngày/tuần hoặc làm việc 15 ngày/tháng và được khuyến khích "ứng" ngày nghỉ phép của năm sau. Một số doanh nghiệp đã xây dựng phương án cho người lao động nghỉ dài ngày, có thể kéo dài cả tháng hoặc cho nghỉ chờ việc hưởng lương tối thiểu vùng.
Thậm chí, một số doanh nghiệp phải cắt, giảm lao động, chấm dứt hợp đồng với người lao động", Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội nói và cho biết việc cắt, giảm giờ làm tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông.
Theo số liệu thống kê từ các quận, huyện, thị xã, tính đến ngày 15/11 có 31 doanh nghiệp phải giảm giờ làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với 13.016 lao động.
Trong đó, có 10.374 lao động bị giảm giờ làm, 2.642 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động. Có 6 đơn vị cắt giảm trên 100 lao động là Công ty TNHH Durian (Ba Vì, 355 lao động); Công ty CP Dệt 19/5 Hà Nội (188 lao động); Cty TNHH Yamaha Việt Nam (195 lao động); Cty Hoya Glass Disk Việt Nam (200 lao động); Cty TNHH Inkel Việt Nam (100 lao động); Cty Enerrgy Elentec Việt Nam (139 lao động); 1.017 người lao động bị nợ lương với số tiền nợ 9,977 tỷ đồng.
Riêng khu công nghiệp và chế xuất có 7 doanh nghiệp sử dụng 6.148 lao động phải giảm giờ làm của người lao động hoặc buộc phải chấm dứt HĐLĐ, trong đó có 1.609 lao động bị giảm giờ làm; 634 người bị chấm dứt HĐLĐ.
Số lao động bị ảnh hưởng việc làm chủ yếu ở các doanh nghiệp như dệt may (635 lao động chấm dứt hợp đồng lao động; 790 lao động giảm giờ làm); Da giầy, chế biến gỗ không có lao động bị chấm dứt HĐLĐ, giảm giờ làm; Điện tử có 439 lao động chấm dứt hợp đồng; 1.534 lao động bị giảm giờ làm; Cơ khí có 75 lao động giảm giờ làm; các ngành nghề khác có 1.568 lao động chấm dứt hợp đồng lao động.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đang gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng ở các thị trường lớn dẫn tới tình trạng cắt giảm lao động.
"Các doanh nghiệp có khách hàng truyền thống thì có đơn hàng sản xuất đến hết năm 2022, có thể gối sang đầu năm 2023. Tuy nhiên, thực trạng thiếu đơn hàng xảy ra trên diện rộng và có khả năng kéo dài sang năm 2023. Đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ...
Hơn nữa, ngoài việc các doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng, nhiều đối tác khách hàng còn đưa ra mức giá sụt giảm, chỉ bằng 30-34%, thậm chí 50% so với mức giá bình thường. Điều này càng tăng thêm khó khăn đối với các doanh nghiệp", ông Dân nói.