Tăng cường hợp tác đưa lao động Việt Nam qua Nhật Bản sau đại dịch Covid-19
(Dân trí) - Tại hội thảo ở Tokyo, Việt Nam và Nhật Bản thống nhất việc phối hợp giảm bớt các chi phí trung gian cho thực tập sinh, tăng cường hợp tác đưa lao động Việt Nam sang làm việc sau đại dịch Covid-19.
Ngày 06/9, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đã tham dự và chủ trì "Hội thảo Tăng cường hợp tác đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản sau đại dịch Covid-19" được tổ chức tại thành phố Tokyo (Nhật Bản).
Hội thảo có sự tham dự của Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, đại diện các cơ quan chức năng của Nhật Bản gồm: Bộ Tư pháp Nhật Bản, Bộ Lao động, Y tế và Phúc lợi Nhật Bản, tổ chức OTIT (Nhật Bản), Tổ chức đào tạo quốc tế JITCO. Các đại diện đều có các bài phát biểu, trình bày quan trọng tại hội thảo. Hội thảo thu hút khá nhiều các doanh nghiệp hai nước đăng ký tham dự với hơn 90 đại diện từ các nghiệp đoàn Nhật Bản và gần 50 đại diện từ các doanh nghiệp dịch vụ của Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan nói: "Hiện nay, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình và mục tiêu phấn đấu sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu đó, việc xây dựng một đội ngũ lao động kỹ thuật có tay nghề cao, có kỹ năng lao động, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, tiếp thu những công nghệ hiện đại, tiên tiến là vấn đề hết sức quan trọng, then chốt. Cùng với các giải pháp đào tạo và nâng cao chất lượng công tác dạy nghề, tạo việc làm ở trong nước, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài".
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, thời gian qua, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được những kết quả nhất định. Số lượng lao động tăng dần hàng năm, trong khi chất lượng lao động không ngừng được nâng cao. Hiện có hơn 500.000 người lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Ông Hoan chia sẻ thêm, riêng đối với Nhật Bản trong hơn 30 năm qua, có hơn 350.000 thanh niên Việt Nam đã tới nước này để thực tập kỹ năng. Từ năm 2013, số lượng thực tập sinh Việt Nam nhập cảnh vào Nhật Bản đã tăng mạnh, từ 10.200 người năm 2013 lên 82.700 người năm 2019.
Việt Nam là nước đứng đầu trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản với hơn 200.000 thực tập sinh đang làm việc tại đây.
Đối với lao động kỹ năng đặc định, Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết biên bản hợp tác về Chương trình lao động kỹ năng đặc định vào tháng 7/2019. Hiện có khoảng 41.000 lao động đặc định Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.
Tại hội thảo, phía Việt Nam đã thông tin về việc vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; các nội dung chính của Luật mới nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; nâng cao trách nhiệm hỗ trợ của doanh nghiệp trong cả quá trình trước, trong và sau khi người lao động đi làm việc ở nước ngoài; giới thiệu các quy định pháp luật mới liên quan đến hoạt động phái cử thực tập sinh và lao động Việt Nam sang thực tập và làm việc tại Nhật Bản; nêu các tồn tại của hoạt động phái cử thực tập sinh/lao động VN sang Nhật Bản hiện nay; đề xuất một số giải pháp cũng như các đề xuất đối với các cơ quan chức năng liên quan của Nhật Bản.
Đại diện các cơ quan phía Nhật Bản cập nhật tình hình, thông tin về nhu cầu và xu hướng tiếp nhận lao động, thực tập sinh nước ngoài vào Nhật Bản; các quy định cơ bản và cần lưu ý đối với chế độ thực tập sinh nước ngoài sang Nhật Bản; một số thông tin về chế độ lao động đặc định... Đồng thời giới thiệu một số dự kiến về mục đích và hướng điều chỉnh, sửa đổi đối với hoạt động tiếp nhận chế độ thực tập sinh kỹ năng và lao động đặc định nước ngoài vào Nhật Bản.
Tại Hội thảo, hai bên đều đánh giá cao tầm quan trọng của hoạt động hợp tác trong lĩnh vực lao động của Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian qua. Các cơ quan chức năng hai bên đều thông tin về số liệu thực tập sinh và lao động Việt Nam đang học tập và làm việc tại Nhật Bản, theo đó Việt Nam đang là quốc gia đứng đầu về số lượng thực tập sinh và lao động đặc định đang làm việc tại Nhật Bản.
Đại diện phía Nhật Bản nêu về tình trạng gần đây đồng Yen đã giảm giá mạnh so với đô-la Mỹ dẫn đến việc làm tại Nhật Bản mất đi phần nào sức hút và gây khó khăn hơn cho khâu tuyển chọn thực tập sinh sang làm việc tại Nhật Bản. Tuy nhiên, đại diện phía Nhật Bản cho rằng đây sẽ là vấn đề ngắn hạn và hội đồng tiền lương Nhật Bản đang đề xuất giải quyết bằng việc tăng lương cho người lao động. Đến năm 2023, Việt Nam và Nhật Bản sẽ chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên mong muốn thông qua người lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản, hình ảnh về người lao động Việt Nam chăm chỉ, cần cù và văn hóa Việt Nam sẽ được quảng bá đến Nhật Bản góp phần thắt chặt quan hệ ngoại giao hai nước xứng tầm với mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng mà hai bên kỳ vọng.
Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và đại diện các Bộ liên quan của Nhật Bản tại hội thảo đều bày tỏ mong muốn Chính phủ hai nước sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác giải quyết để thúc đẩy việc gửi và tiếp nhận thực tập sinh và lao động Việt Nam sang thực tập và làm việc tại Nhật Bản. Cùng nhau giải quyết những tồn tại, hạn chế trong vấn đề hợp tác lao động giữa hai quốc gia như vấn đề thực tập sinh bỏ hợp đồng, vi phạm pháp luật cũng như việc điều chỉnh, sửa đổi chương trình tiếp nhận thực tập sinh, lao động nước ngoài vào Nhật Bản theo hướng tốt đẹp, hiệu quả hơn so với hiện nay.
Nhật Bản là một trong những thị trường lao động trọng điểm mà Việt Nam đang đưa người lao động đến làm việc. Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Đây là một trong những thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt nhất, được người lao động Việt Nam ưa thích.
Hiện nay, Việt Nam phái cử lao động đi làm việc tại Nhật Bản theo các hình thức:
- Chương trình thực tập sinh kỹ năng (TTSKN).
- Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (EPA).
- Chương trình lao động kỹ năng đặc định.
- Chương trình lao động kỹ thuật, phiên dịch viên.
- Lao động xây dựng, đóng tàu.
Lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản không chỉ mang lại thu nhập tốt hơn cho bản thân mà qua đó còn có cơ hội tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, môi trường lao động chuyên nghiệp. Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất - kinh doanh của Nhật Bản, giúp Nhật Bản khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, góp phần vào sự phát triển của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.