Tâm sự ứa nước mắt của công nhân làm nghề phục vụ "cõi âm"
(Dân trí) - Mới 38 tuổi, chị Hiếu đã bị thoái hóa cột sống, đau nhức liên miên, đi lại như người gù lưng sau hơn 20 năm làm nghề se nhang.
Nghỉ làm là đói
Trong lúc đứng bày nhang ra phơi dọc đường Mai Bá Hương (huyện Bình Chánh, TPHCM), chốc lát chị Đặng Ngọc Hiếu (38 tuổi, quê Long An) lại với tay tự đấm đấm lưng cho đỡ mỏi. Căn bệnh thoái hóa cột sống vốn dĩ không hợp với công việc se nhang nhưng chị đâu có lựa chọn khác.
"Bác sĩ dặn tôi không được khiêng đồ nặng, hạn chế ngồi lâu. Nhưng đây là công việc làm ăn sản phẩm, nếu ngồi ít, làm ít thì thu nhập chẳng được bao nhiêu, chưa chết vì bệnh đã chết vì đói. Mình nghèo, cứ tới đâu hay tới đó, giờ kiếm việc khó lắm, đâu phải muốn là có ngay", người phụ nữ 38 tuổi trải lòng.
Hơn 20 năm qua, mỗi ngày, chị Hiếu cặm cụi với nghề nhang từ 7h sáng tới hơn 10 giờ đêm. Nhiều người cùng làm với chị đã phải bỏ nghề vì bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng nhưng chị vẫn chấp nhận đánh đổi để có thu nhập lo cho gia đình.
"Mình không có điều kiện học hành tới nơi tới chốn để tìm công việc nhẹ nhàng, đành phải chấp nhận thôi. Công việc này dù vất vả nhưng giúp tôi nuôi sống gia đình. So với nhiều người, tôi thấy mình vẫn còn may mắn. Chỉ mong sau này có tiền để mua thêm thuốc uống cho lưng bớt đau. Bệnh này là bệnh nhà giàu mà tôi lại nghèo, chấp nhận thôi", chị Hiếu bộc bạch.
Không chỉ bị đau lưng, nhiều năm làm nhang khiến bột nhang, màu nhuộm dính đầy vào tay, vào người chị Hiếu, gây dị ứng, ngứa ngáy triền miên. Chị chấp nhận đôi tay đỏ, ngứa quanh năm để làm việc nhanh hơn vì mang bao tay sẽ rất nóng, dính, khó làm việc.
Chưa kể, những khi trời đổ mưa bất chợt, các thợ làm nhang cho biết họ gần như phải "bỏ dép mà chạy" mới kịp ôm nhang vào nhà. Nếu hôm nào chạy không kịp, để nhang ướt, rã thì mất trắng một ngày công và phải vuốt hết bột ra, se nhang, phơi nhang lại từ đầu.
Những lúc như vậy, lưng chị Hiếu lại thêm một lần đau thắt, đau đến "chết đi sống lại" nhưng cũng chỉ ngồi nghỉ một chút rồi tiếp tục làm việc. Những cơn đau dần dần cũng trở thành thuộc tính với người phụ nữ nghèo.
Gánh nặng "còng lưng"
Trong ký ức của chị Hiếu, thời điểm cô con gái (SN 2000) của chị ra đời, cũng là lúc chị chập chững bước chân vào nghề "tỏa hương". Công việc không bị gò bó về thời gian như đi làm công ty giúp chị có thể sắp xếp, chu toàn việc gia đình khó khăn của mình.
"Làm công việc này, tôi có thể ở nhà chăm lo cho đứa con út mắc bệnh ngặt nghèo và người cha già đã ngoài 80 tuổi. Vì thế, tôi vẫn ráng bám trụ", người phụ nữ khắc khổ gạt nước mắt.
Những khi nguồn hàng dồi dào như dịp lễ Tết, một mình chị Hiếu có thể sản xuất từ 30-40 thiên nhang/ngày (1 thiên nhang là 1.000 cây), được trả công 4.300 đồng/thiên nhang.
Tương tự chị Hiếu, vì thích sự thoải mái, tự do nên sau bao biến cố cuộc đời, ông Trần Văn Bền (56 tuổi, quê Sóc Trăng) quyết định chọn nghề làm nhang để "gắn bó đến hơi sức cuối cùng".
Ông Bền tâm sự: "Hơn 11 năm trước, vì làm ăn thất bại ở quê nên tôi bán hết ruộng đất lên Đồng Nai lăn lộn mưu sinh, cuộc sống vô cùng khó khăn. Mãi đến 2 năm nay, khi biết đến nghề làm nhang thì đời tôi mới tạm gọi là ổn định".
Với người thợ nhang 56 tuổi này, ông hài lòng với mức thu nhập khoảng 1,2 triệu đồng/tuần. Mỗi ngày đi làm, ông đều cảm thấy yêu đời, yêu công việc và được đắm mình trong hương bột quế, bột tùng, bột áo nhang thơm ngào ngạt mà ông yêu thích.
Còn bà Đặng Thị Phương (56 tuổi, quê Trà Vinh) cho biết, Tết này là tròn một năm bà làm nhang. Trước đó, bà làm thợ hồ ở Bình Dương, thất nghiệp triền miên vì dịch bệnh nên chuyển đến đây làm nhang. Thu nhập mỗi ngày khoảng 200.000 - 300.000 đồng, ổn định hơn nhiều so với việc trước kia.