1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tài xế công nghệ hủy chuyến, nhiều người tắt app vì hết xăng

Nguyễn Vy

(Dân trí) - "Rất tốn công sức chờ đổ xăng. Tôi sẽ tạm ngưng chạy xe công nghệ cho đến khi mọi chuyện bình thường trở lại. Cứ đà này thì một ngày chạy không được bao nhiêu, tốn thời gian", một tài xế nói.

Nghẹn ngào... hủy chuyến

Tài xế công nghệ hủy chuyến, nhiều người tắt app vì hết xăng - 1

Nhiều người dân phải dậy từ sớm để đi đổ xăng nhưng vẫn phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ (Ảnh: Trần Đạt).

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, sáng 11/10, các cây xăng trên địa bàn TPHCM vẫn có rất đông người dân đến xếp hàng từ sớm để chờ được đổ xăng. Trong số đó, không ít người cố gắng chen chúc chờ đổ, có người chờ quá lâu đành bỏ cuộc quay về.

Theo anh Hữu Thắng (ngụ quận 8), do đã đọc tin tức từ tối hôm trước, sáng nay anh đã dậy rất sớm để đi đổ xăng. May mắn, dừng chân lại một cây xăng trên đường Điện Biên Phủ, anh Thắng đã đổ được xăng cho xe máy sau khi chờ hơn 30 phút.

"Biết trước sẽ đông nên 6h sáng là tôi đã ra đường nhưng vẫn không đổ được trong khi giờ này thường ngày là tôi đã đi làm rồi. Nãy giờ chờ lâu lắm, xe của tôi chỉ đổ 30.000-50.000 đồng là đầy rồi nên không thể đổ thêm được. Với tình trạng này thì phải mất rất nhiều thời gian mới đổ đủ xăng chạy cho nhiều lần chạy trong ngày", anh Thắng thở dài, nói.

Tương tự, tài xế Quốc Trung (ngụ quận 8) cho biết, anh đã ghé khoảng 8 cây xăng trên địa bàn, dù chấp nhận chờ hơn 1 tiếng, anh cũng chỉ đổ được tối đa 50.000 đồng. Vì đã đến giờ cao điểm ăn trưa, các đơn hàng tới liên tục khiến anh cảm thấy rất nôn nóng.

"Khách họ gọi điện hối lắm, nhưng xe không còn xăng, phải chờ nên tôi đành xin lỗi, nhờ họ hủy và đặt chuyến khác. Xăng giảm thì tài xế chúng tôi vui lắm nhưng chưa vui được bao lâu thì lại gặp cảnh này", anh Trung ngao ngán.

Được biết, trung bình một ngày anh Trung cũng như nhiều tài xế khác, có thể kiếm được 700.000-900.000 đồng, nếu cố gắng thêm vài tiếng cũng có thể kiếm được hơn 1 triệu đồng. Song, trước tình hình như hiện nay, thu nhập của các tài xế đã giảm còn 300.000-400.000 đồng.

Tài xế công nghệ hủy chuyến, nhiều người tắt app vì hết xăng - 2

Nhiều tài xế công nghệ chấp nhận hủy chuyến vì không đổ được xăng (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Chúng tôi sống nhờ thời gian, nhờ vào số lượng cuốc xe hàng ngày. Giờ phải đỏ mắt đi tìm cây xăng, rồi chờ đợi hàng giờ đồng hồ thì thời gian đâu nữa mà kiếm tiền", tài xế này tâm sự.

Ngoài ra, có không ít tài xế mới vô nghề cũng tỏ ra rất sốc trước sự khó khăn, vất vả bị "nhân đôi" của nghề. Chị Thu Hoài (ngụ TP Thủ Đức) vừa nghỉ việc tại một nhà máy ở tỉnh Bình Dương.

Thất nghiệp hơn 3 tháng qua, chị quyết định chạy xe ôm công nghệ vì được giới thiệu là dễ kiếm tiền, không quá mất sức. Vừa được phát đồng phục và hoạt động hơn 2 tuần qua, chị Hoài rất vui vì có thu nhập ổn định, có đủ tiền trang trải, mua tã, sữa cho con. Song, niềm vui chưa kéo dài được bao lâu thì khó khăn đã tới.

"Tôi ở Bình Dương, mới lên đây nên đâu rành đường. Vừa coi bản đồ điện tử, vừa dò đường tìm cây xăng trong vô vọng mà tôi muốn khóc. Tôi phải nhờ anh em trong nhóm hỗ trợ nên mới đổ được 50.000 đồng xăng", chị Hoài mếu máo.

Tài xế công nghệ tắt app, người trẻ xin làm ở nhà

Tài xế công nghệ hủy chuyến, nhiều người tắt app vì hết xăng - 3

Không ít tài xế công nghệ phải hủy chuyến, tắt app vì không đổ được xăng (Ảnh: Nguyễn Vy).

Tài xế Đức Minh (ngụ TP Thủ Đức) cho hay, anh đã phải chạy xuống tận Đồng Nai để tìm cây xăng. Sau khi mất quá nhiều thời gian, anh Minh quyết định tắt ứng dụng, về nhà nghỉ ngơi.

"Rất tốn công, tốn sức. Tôi sẽ tạm ngưng chạy xe công nghệ cho đến khi mọi chuyện bình thường trở lại, chứ cứ đà này thì một ngày chạy không được bao nhiêu, lại phí thời gian, tiền bạc chỉ để đi đổ xăng", anh Minh nói.

Về phía khách hàng, chị Như Quỳnh (21 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) chia sẻ, chị không thể đặt đồ ăn sáng vì đợi quá lâu, không thấy tài xế nhận đơn. Được biết, chị bắt đầu đặt đơn từ 8h, đến gần 9h vẫn chưa có tài xế nào nhận, kiên nhẫn chờ đợi, cuối cùng cũng có tài xế nhận nhưng quãng đường lại quá xa, chị đành hủy vì phí giao hàng cao.

"Lúc đầu có tài xế nhận đơn, nhưng đợi quá lâu nên tôi gọi lại thì anh ấy nhờ hủy vì phải đứng xếp hàng đổ xăng. Cứ nghĩ xăng giảm thì sẽ dễ có nhiều tài xế chạy hơn, thực tế thì ngược lại, tôi đành phải tự đi bộ mua thức ăn", chị Quỳnh nói.

Tương tự, chị Thu Hiền (25 tuổi) cho biết, chị phải đến công ty làm việc lúc 7h30, nhưng do mãi loay đi tìm cây xăng, chị đã bị trễ giờ làm đến 30 phút.

"Cứ nghĩ thành phố tăng cường xăng dầu rồi thì tình trạng đông đúc sẽ hết, nào ngờ sáng dậy không khác gì hôm qua. Từ nhà tới công ty ghé đâu cũng thấy biển hết xăng còn dầu, tôi sốt ruột vô cùng. Tìm được cây xăng cũng phải đợi gần 15 phút mới đổ được", chị Hiền nói.

Đồng cảm với nhiều người khác, Quỳnh Vy (20 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) đã ở nhà làm việc thay vì đến quán cà phê như thói quen. Theo Vy, vì phòng trọ rất nóng nên không thể ở nhà làm, song tình hình hiện tại khiến Vy phải "lực bất tòng tâm".

"Hôm qua vì đi tìm chỗ đổ xăng thôi mà tôi bị trễ ca trực, bị phạt hết ngày công rồi còn bị trừ nhân ba lương ngày đó nữa. Dù là cộng tác viên thôi nhưng công ty tôi rất kỷ luật, vì vậy tôi không thể trễ thêm ngày nào nữa, đành phải ở nhà chịu nóng mà làm việc", Vy thở dài.

Trước đó, Cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết, tính đến 17h ngày 10/10, qua kiểm tra các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP, có 121 cửa hàng tạm ngưng bán hàng do hết xăng. Về nguyên nhân chính của 121 cửa hàng hết xăng do đã đặt xăng nhưng phía đơn vị cung cấp chưa phản hồi hoặc chưa thông tin về thời gian giao hàng. Trong đó, các cửa hàng hết xăng nằm trên địa bàn TP Thủ Đức và 17/21 quận, huyện; trong đó quận 12 có 17 cửa hàng, TP Thủ Đức 21 cửa hàng, quận Bình Tân 15 cửa hàng, huyện Củ Chi có 14 cửa hàng tạm hết xăng.

Đồng thời, có 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu; 60 thương nhân phân phối; 1 thương nhân làm tổng đại lý; 29 đại lý bán lẻ; 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Ngoài 121 cửa hàng bán lẻ tạm hết xăng, có 5 cửa hàng tạm ngưng hoạt động.

Sở Công Thương cũng đã đề xuất các đơn vị liên quan xem xét, có phương án tạm thời nhằm hỗ trợ, phân luồng, tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển xăng dầu được lưu thông từ 9h đến 16h và 18h đến 22h (từ ngày 11/10 đến hết 1/11/2022), để có thể tiếp cận, cung ứng nguồn hàng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.

Mặc dù trước đó, Petrolimex TP HCM đã bổ sung cho hệ thống cửa hàng xăng dầu của doanh nghiệp thêm 80 xe bồn để kịp phục vụ nhu cầu, con số này vẫn được cho là "không thấm vào đâu.