1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Sửa Luật Lao động: Xem xét kiến nghị tăng giờ làm thêm và tuổi nghỉ hưu

(Dân trí) - Kế hoạch sửa đổi Luật Lao động đang được Bộ LĐ-TB&XH tham mưu với Chính phủ dự kiến trình Quốc hội trong năm 2017. Bên cạnh nội dung lương tối thiểu vùng, vấn đề nâng số giờ làm thêm và tuổi hưu cũng được quan tâm.

Trao đổi với báo giới đầu tháng 6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, quy định thời gian làm việc tối đa 300 giờ/năm đã thực hiện một thời gian dài trong môi trường doanh nghiệp. Tới nay, tình hình kinh tế xã hội đã thay đổi. Doanh nghiệp đang có nhiều kiến nghị về việc tăng giờ làm thêm.


Nâng giờ làm thêm là một nội dung gây tranh cãi thời gian qua.

Nâng giờ làm thêm là một nội dung gây tranh cãi thời gian qua.

“Từ năm 1994, khi xây dựng Luật Lao động, nhiều doanh nghiệp đã có ý kiến về vấn đề này. Tất nhiên, việc tăng thời gian làm thêm giờ cần phải tính tới yếu tố thể chất của người lao động, thời gian phục hồi sức khỏe và chăm lo gia đình” - Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói.

Nói về những kiến nghị của doanh nghiệp, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết: “Nhiều doanh nghiệp đang kiến nghị theo hướng tăng giờ làm thêm và có tính linh hoạt hơn. Điều quan trọng là 2 bên cùng thỏa thuận với nhau trên cơ sở đảm bảo sức khỏe người lao động và yếu tố cấp thiết của quá trình sản xuất kinh doanh”.

Trong lộ trình xây dựng đề án soạn thảo, vị đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, giờ làm thêm sẽ là một nội dung được tập hợp vào nhóm kiến nghị để Chính Phủ trình Quốc hội trong đợt sửa Luật Lao động dự kiến trong năm 2017.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2016, tại các tỉnh thành phía Nam đã xảy ra hơn 50 vụ đình công của công nhân liên quan đến việc điều chỉnh lương tối thiểu.

Chia sẻ thực tế trên thế giới, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng: “Ở những nước phát triển, thời gian làm thêm giờ ít hơn quy định của VN. Nhưng ở những nước đang phát triển quy định thời gian làm thêm cao hơn VN nhiều. Bộ LĐ-TB&XH đang cùng Tổ chức lao động quốc tế (ILO) thống nhất phương án để tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thời gian tới”.

Liên quan tới đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, đây cũng là một nội dung cần xem xét trong đợt sửa đổi Luật Lao động dự kiến trong năm 2017.

Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, tuổi nghỉ hưu đang là một thách thức toàn cầu cũng như VN nói riêng: “Tuổi thọ của người VN cũng tăng lên và thúc đẩy quá trình già hóa dân số. Chính vì vậy, chúng ta cần phải suy nghĩ tới tuổi lao động như thế nào cho phù hợp. Chúng ta cũng không thể tránh được quy luật và cách làm của các nước. Có điều là có phương án và lộ trình tăng dần mỗi năm lên một chút”.

Đương nhiên, việc xem xét tăng tuổi nghỉ hưu cần xem xét tới đặc thù một số nghề và sức khỏe của người lao động như: Công nhân cầu đường, xây dựng, hầm lò...

Chia sẻ thêm kinh nghiệm thực tiễn, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết: Ở Singapore, họ đã tăng tuổi hưu từ 65 lên 67 tuổi. Ngay từ khi tham gia xây dựng luật BHXH, ông và Ban soạn thảo đã có đề xuất nâng tuổi hưu của nam giới lên 62 và tuổi nữ lên 60. “Nhưng lúc đó chưa được Quốc hội chấp nhận”.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết thêm: Chúng ta phải suy nghĩ điều này. Trong khi đó, VN đang chịu 2 áp lực song song về thời kỳ dân số vàng và quá trình già hóa dân số. Phương án của các nước sẽ là tăng dần mỗi năm một chút có thể được tham khảo.

Doanh nghiệp sử dụng đông lao động kiến nghị tăng giờ làm thêm.

Trung tuần tháng 5, đại diện Hiệp Hội dệt may VN đã gửi kiến nghị tới Bộ LĐ-TB&XH về đề xuất tăng giờ làm thêm.

Sửa Luật Lao động: Xem xét kiến nghị tăng giờ làm thêm và tuổi nghỉ hưu - 2

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trương Văn Cẩm - Tổng thư ký Hiệp hội dệt may VN, đề xuất: “Nên nới rộng thời gian làm thêm. Nếu không nới rộng thì doanh nghiệp khó đáp ứng được thời gian thực hiện đơn hàng và năng suất lao động. Nhiều doanh nghiệp phải chấp vi phạm. Nếu khách phát hiện sẽ cắt đơn hàng”.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hưng Yên nhận định, doanh nghiệp VN đang “đi sau” các doanh nghiệp trên thế giới, nên cần tăng cường làm việc mới có thể đuổi kịp. Theo ông Nguyễn Xuân Dương: Tại VN, người công nhân làm đủ 8 h/ngày, lương trung bình chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng. Vậy thì tiền đâu nuôi con, thuê nhà và tích lũy?. Năm 2015, công ty của tôi có thời gian làm thêm và đôi khi phải chấp nhận vượt quá quy định. Nhưng thu nhập của người lao động tăng lên từ 7-9 triệu đồng/tháng. Chẳng có người lao động nào đình công và kiến nghị. Bộ LĐ-TB&XH nên tham khảo hướng để 2 bên thỏa thuận trên cơ sở khung thống nhất về khung thời gian (theo tháng, theo tuần)”.

M.N

Từ ngày 1/7: Xử lý hình sự tội vi phạm về BHTN, BHXH

Theo quy định của Bộ Luật hình sự sửa đổi do Quốc hội ban hành, từ ngày 1/7/2016 tội gian lận bảo hiểm thất nghiệp và trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp có thể chịu mức phạt tù từ 1-7 năm.

Sửa Luật Lao động: Xem xét kiến nghị tăng giờ làm thêm và tuổi nghỉ hưu - 3

Cụ thể, Điều 214 Bộ Luật hình sự nêu rõ, Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214). Theo đó, người nào phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm: Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp 500.000.000 đồng trở lên; gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm…

Còn tại Điều 216, Bộ Luật hình sự nêu rõ về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động . Người nào phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 2 -7 năm: Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên; Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên…

T.D

Hoàng Mạnh