Đình công tăng cao vì doanh nghiệp “né” điều chỉnh lương tối thiểu

Theo thống kê của cơ quan chức năng, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2016, tại các tỉnh thành phía Nam đã xảy ra hơn 50 vụ đình công của công nhân (CN) liên quan đến việc điều chỉnh lương tối thiểu (LTT).

Đình công tăng cao vì doanh nghiệp “né” điều chỉnh lương tối thiểu - 1

Đủ kiểu “né” điều chỉnh lương

Theo báo cáo của LĐLĐ TP.HCM, khi kiểm tra 19 DN về tình hình xây dựng, điều chỉnh LTT vùng năm 2016 trên địa bàn TP đã phát hiện: Các DN cắt giảm phụ cấp để chuyển sang lương, gây bất bình, bùng phát các vụ đình công.

Cụ thể, 12/19 DN không áp dụng phụ cấp lương cho NLĐ; 7/19 DN áp dụng phụ cấp lương bằng tên gọi phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm, chuyên cần, phụ cấp ăn ca; 13/19 DN không áp dụng các khoản bổ sung ngoài lương cho NLĐ; 6/19 DN áp dụng các khoản bổ sung với tên gọi thưởng năng suất, tiền ăn ca, điện thoại, xăng xe...

Chưa kể, trên địa bàn TP, trong 4 tháng đầu năm đã xảy ra hàng chục cuộc đình công của CN vì DN dùng “chiêu trò” khi điều chỉnh LTT. Đơn cử, vụ 4.000 CN Cty Woodworth Wooden Việt Nam sản xuất gỗ (huyện Củ Chi, TP.HCM), khi điều chỉnh LTT, thay vì đưa vào lương cơ bản Cty lại đưa số tiền này vào phụ cấp (chuyên cần, hoàn thành nhiệm vụ), khiến NLĐ bị thiệt thòi khi thực hiện chính sách BHXH, BHYT hoặc làm căn cứ để tính tiền tăng ca.

Vụ đình công kéo dài nhiều ngày và căng thẳng nhất phải kể đến trường hợp Cty TNHH Nissey Việt Nam đóng tại KCX Tân Thuận. Theo đó, khi có nghị định về điều chỉnh LTT năm 2016, Cty lập tức cắt khoản phụ cấp 200.000 đồng/người/tháng, sau đó mới điều chỉnh tăng lương cơ bản cũng với mức tăng hơn 200.000 đồng/người/tháng. Cách “xẻo” chỗ này “đắp” chỗ kia của Cty đã khiến lương cơ bản của CN không tăng, sau khi đã trích đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp...

Lý giải cho chuyện “né” điều chỉnh LTT, một số DN sản xuất tại TP.HCM cho rằng, mức lương họ đang trả cho CN cao hơn mức LTT vùng do Chính phủ quy định. Mặt khác, do lợi nhuận gia công thấp khiến DN phải “linh hoạt” khi điều chỉnh LTT bằng cách điều khoản này sang khoản kia để bớt khoản đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp...

Trước các lý lẽ này, cán bộ công đoàn (CĐ) cảnh báo, việc DN không thực hiện đúng các quy định pháp luật về LTT mà chỉ chăm chăm tìm cách “sáng tạo” nhằm rút bớt quyền lợi NLĐ, đến khi xảy ra đình công thiệt hại sẽ lớn hơn gấp nhiều lần...

Tiếp tục kiến nghị để tiến tới LTT phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu

Ông Nguyễn Tất Năm - Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công Sở LĐ-TB&XH TP cho biết: Quý I toàn TP.HCM chỉ có 10.000/150.000 DN đăng ký lại thang, bảng lương; trong đó 60% DN có mức lương từ 3,5-3,745 triệu đồng và 40% DN trên 3,745 triệu đồng. Ông Năm cho biết: “Nhiều DN làm thang, bảng lương rất đẹp nhưng chỉ để đối phó, khi trả lương lại khác, không nằm trong bậc nào của thang, bảng lương”.

Ông Phạm Duy Bắc - cán bộ CĐ các KCX - KCN TP - cho biết, tại KCN Tân Bình vừa qua có DN bị CN đình công 2 ngày nhưng DN kiên quyết không tăng vì cho rằng đã trả lương cho CN cao hơn mức LTT. Theo ông Bắc, một số DN có xây dựng thang, bảng lương nhưng trả lương theo cách của DN; thang, bảng lương chỉ để đối phó các cơ quan chức năng. Khi được tăng lương tối thiểu, CN không hưởng lợi được nhiều vì DN đưa ra định mức cao hơn, khó hơn. Có nơi, CN làm suốt tháng mà DN vẫn phải bù lương cho đủ 3,5 triệu đồng vì định mức quá cao.

Theo Báo Lao động