Sinh viên có thêm nghề tay trái nhờ dự án "trải nghiệm học bổng"
(Dân trí) - Thay vì trao học bổng bằng tiền mặt, tổ chức Global Hope Việt Nam đào tạo cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn nghề barista (pha chế cà phê), mở ra một cơ hội nghề nghiệp mới cho các em.
Sáng 24/12, tổ chức phi chính phủ Global Hope Việt Nam trao chứng chỉ hành nghề barista cho 12 học viên. Đây là kết quả của dự án hỗ trợ học nghề pha chế cà phê và tư vấn khởi nghiệp cho thanh niên mang tên "Một tách cà phê", thực hiện trong 4 tháng.
Trước đó, sau khi khảo sát trong sinh viên, nghề barista được các em lựa chọn nhiều hơn so với nghề làm bánh, làm móng, làm tóc… nên được Global Hope lựa chọn để triển khai. Đối tượng được tham gia dự án là thanh niên từ 18-30 tuổi, ưu tiên người yếu thế trong xã hội. Mục đích là trải nghiệm trực tiếp nghề pha chế cà phê; phát triển năng lực khởi nghiệp thông qua quá trình học tập và trải nghiệm với nghề.
Từ năm 2018, tổ chức Global Hope Việt Nam mỗi năm trích khoảng 100 triệu đồng để trao học bổng cho sinh viên ở TPHCM. Song, hình thức trao tiền mặt cho các em chỉ giải quyết được khó khăn nhất thời mà không mang tính lâu dài.
"Vì thế, năm nay chúng tôi quyết định chỉ giữ lại 30% quỹ học bổng để trao tiền mặt. Số còn lại chúng tôi thử nghiệm dự án dạy nghề, hướng nghiệp cho sinh viên, thanh niên", ông Kim Kwang Kyun, người quản lý dự án chia sẻ.
Trong quá trình học, các học viên được tài trợ toàn bộ chi phí. Học viên được lĩnh hội kiến thức về lĩnh vực thức uống, kỹ năng về pha chế cà phê do chuyên gia Hàn Quốc đào tạo.
Bên cạnh đó còn được thực hành khởi nghiệp với mô hình cà phê thông qua các buổi workshop tại các cơ quan đối tác của tổ chức; tham gia các buổi tư vấn, huấn luyện kỹ năng của chuyên gia tư vấn tâm lý. Đặc biệt, được học tập trải nghiệm ở nông trại cà phê tại thành phố Đà Lạt. Cuối khóa học, 12 học viên làm bài thi online và được các chuyên gia Hàn Quốc chấm điểm.
"12 học viên đều rất cố gắng, nỗ lực, cam kết theo học đến cuối cùng mà không bỏ nửa chừng. Kết quả là tất cả đều được nhận tấm bằng pha chế cà phê quốc tế, tự tin để xin được một vị trí làm việc ở các tiệm cà phê lớn", tiến sĩ Hoàng Tuấn Ngọc - chủ nhiệm dự án chia sẻ.
Vốn là sinh viên ngành Công tác xã hội, học viên Y Thar, 21 tuổi đến từ Kon Tum từ lâu đã mơ ước sau này mình có thể mở một quán cà phê. Tuy nhiên, trước khi đến với khóa học cô gái không có nhiều kiến thức về cà phê cũng như kinh nghiệm khởi nghiệp. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô làm cộng tác viên cho một số tổ chức xã hội. Khi thấy tổ chức tuyển học viên và mong muốn được trải nghiệm, Y Thar đã đăng ký ngay.
"Hiện tại, nhờ kiến thức và chứng chỉ pha chế cà phê quốc tế được cấp, em đã xin làm nhân viên pha chế bán thời gian cho một tiệm cà phê lớn ở quận 1", Y Thar, 21 tuổi phẩn khởi nói.
Cũng giống Y Thar, Phước Thị Hồng Gấm, sinh viên năm cuối ngành Công tác xã hội, cho biết bản thân đã tự tin hơn trong việc hành nghề barista sau này. Trong buổi sáng nghiệm thu kết quả học tập của mình, Gấm tự tin đứng trước thầy cô trong trường, đại diện tổ chức Global Hope và hàng trăm sinh viên để trình diễn pha chế cà phê cũng như chia sẻ những kiến thức mà mình đã gặt hái được.
"Sau lần đầu thử nghiệm, chúng tôi nhận thấy hình thức cho thanh niên 'trải nghiệm học bổng' giúp họ nâng cao năng lực nghề nghiệp để có thể kiếm sống rất hiệu quả. Trong tương lai, chúng tôi cùng các đơn vị đồng hành sẽ tiếp tục mở rộng mô hình này đến thanh niên TPHCM", ông Kim Kwang Kyun chia sẻ.