Sản xuất thứ quà “ăn chơi chơi”, nông dân thu mỗi tháng 5-6 triệu đồng

Hoàng Lam

(Dân trí) - Món ăn dân giã vốn chỉ làm ăn chơi chơi nay được sản xuất đại trà, biến thành hàng hóa. Lấy công làm lãi, mỗi tháng người nông dân thu nhập 5-6 triệu đồng.

Sản xuất thứ quà “ăn chơi chơi”, nông dân thu mỗi tháng 5-6 triệu đồng - 1
Từ món ăn dân giã, nay cốm Làng Nam trở thành hàng hóa cho người dân ở đây thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.

Cốm nếp trước vốn là thức quà vặt, người dân xóm Làng Nam (xã Hưng Tân, Hưng Nguyên, Nghệ An) làm “ăn chơi chơi” khi vào vụ gặt hè thu.

Vào mùa gặt, mỗi nhà cất vài yến lúa nếp để làm cốm ăn, nhiều thì biếu anh em con cháu ở xa. Bẵng đi một thời gian, giữa bao nhiêu thức ngon vật lạ khác, người ta quên món ăn dân giã này

Một ngày, chán những món ăn vặt ngập dầu mỡ hay nhiều phụ gia, nhu cầu tiêu thụ cốm tăng mạnh. Thức thời, người dân ở đây nghĩ ngay đến sản xuất cốm nếp theo hướng hàng hóa.

Nông dân thu mỗi tháng 6 triệu đồng từ việc làm cốm

Bà Phan Thị Thuận - Chủ tịch MTTQ xã Hưng Tân thì người dân cả xã đều biết làm cốm nhưng tập trung chủ yếu ở xóm Làng Nam.

“Cả xóm có gần 300 hộ dân thì có khoảng 250 hộ sản xuất cốm. Nhà ít thì một vài tấn mỗi vụ, nhiều thì 3-4 tấn. So với trồng lúa hay sản xuất vụ Đông thì làm cốm cho thu nhập khá hơn”, bà Thuận cho hay.

Điều đặc biệt, hầu hết lao động làm cốm đều là phụ nữ bởi công việc này cần sự tỉ mỉ và chịu khó. Vụ sản xuất cốm ở Làng Nam bắt đầu vào cuối tháng 7 âm lịch, khi những thửa ruộng nếp ngoài đồng vào “xoan”.

Sản xuất thứ quà “ăn chơi chơi”, nông dân thu mỗi tháng 5-6 triệu đồng - 2
Có khoảng 250 hộ dân xóm Làng Nam tham gia vào công việc sản xuất cốm, chủ yếu là phụ nữ.

“Khác với thứ cốm miền Bắc dẻo thơm, hạt dẹt, màu xanh thì cốm Làng Nam phải đạt tiêu chuẩn hạt tròn mẩy, xốp, giòn, cảm giác như tan đầu lưỡi, vị đậm và thơm, có màu trắng hoặc hơi ngả vàng. Muốn thế phải chọn hạt lúa nếp không quá non, cũng không quá già. Hạt nếp non thì làm lỗ thành (không có lãi - PV), nếp già thì không giữ được hương vị”, bà Lê Thị Thúy (SN 1971) lý giải.

Trừ công đoạn xay xát, còn lại các bước sản xuất cốm Làng Nam đều được làm thủ công. Hạt nếp sau khi tuốt được sàng sẩy hạt lép, rửa sạch, bỏ vào nồi hông khoảng 1 tiếng rưỡi cho chín.

Sau đó nếp được phơi trong bóng râm cho khô trước khi mang đi xát. Tùy nhu cầu của khách hàng, cốm có thể bán ở dạng nguyên liệu hoặc rang sẵn, đóng trong túi bóng.

Sản xuất thứ quà “ăn chơi chơi”, nông dân thu mỗi tháng 5-6 triệu đồng - 3
Công đoạn phơi nếp quyết định chất lượng hạt cốm. Hạt lúa nếp không quá xanh, không quá chín được hông lên, phơi trong bóng râm...

Bà Hồ Thị Thìn, một hộ dân làm cốm ở Làng Nam chia sẻ về các công đoạn sản xuất cốm: “Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng làm cái này kỳ công lắm. Chọn nếp vừa xoan, hông vừa lửa để hạt nếp chín đều, vừa nứt vỏ trấu chứ không được nứt quá to, đùn cả hạt gạo chín ra ngoài.

Phơi phóng cũng phải phơi trong bóng râm để cốm vừa khô, giữ được vị ngọt và khi xay hạt gạo bị nát, ảnh hưởng đến chất lượng cũng như hình thức của cốm.

Sản xuất thứ quà “ăn chơi chơi”, nông dân thu mỗi tháng 5-6 triệu đồng - 4
Việc luộc, phơi cốm phải được thực hiện trong khoảng 1-2 tuần, sau đó cốm được dự trữ trong các bao tải bán từ tháng 7 âm lịch đến Tết.

Hạt cốm phải được rang trong chảo ngập dầu nóng già, hạt cốm đảm bảo độ xốp, giòn là phải nhanh tay vớt ra. Cốm Làng Nam rang bằng dầu sạch, hoàn toàn không dùng dầu tái chế nên hạt cốm thơm, trắng hoặc ngả màu hơi vàng đẹp mắt”.

Sản xuất thứ quà “ăn chơi chơi”, nông dân thu mỗi tháng 5-6 triệu đồng - 5
Cốm nguyên liệu hiện được bán với giá 30-35 nghìn đồng/kg.

Hiện cốm nguyên liệu được bán với giá từ 35-40 nghìn đồng/kg; loại rang sẵn, đóng thành từng túi, có giá 50-60 nghìn đồng/kg. Bà Thúy tiết lộ, mặt hàng này lấy công làm lãi là chủ yếu. Sau khi trừ các chi phí sản xuất, mỗi kg cốm thành phẩm người dân lãi khoảng 15 nghìn đồng.

“Như nhà tôi, mùa cốm sản xuất từ 3-4 tấn, bán cho đến Tết, tính ra mỗi tháng thu 5-6 triệu đồng, phụ phẩm của cốm như cám, tấm thì để chăn nuôi gà, lợn. Hơi vất vả một tí nhưng so với làm lúa thì lãi gấp 3 lần”, bà Thúy thông tin.

Sản xuất thứ quà “ăn chơi chơi”, nông dân thu mỗi tháng 5-6 triệu đồng - 6
Bà Hồ Thị Thìn sản xuất mỗi vụ hơn 4 tấn nếp, thu nhập từ công việc này cao gấp nhiều lần so với trồng lúa hay sản xuất vụ Đông.

Thời gian đầu cốm Làng Nam chỉ được bán trong làng, trong xã. Dần dần, người nọ giới thiệu người kia, khách xa biết tới hạt cốm tròn mẩy mang hương vị đặc trưng ở đây. Nay, cốm làng Nam đã vươn ra khỏi huyện Hưng Nguyên lên tận Nam Đàn, Thanh Chương, xuống Vinh và xuất đi các tỉnh khác.

Sản xuất thứ quà “ăn chơi chơi”, nông dân thu mỗi tháng 5-6 triệu đồng - 7
Tùy theo nhu cầu của khách, người dân rang cốm chín, đóng vào túi bóng để bán. Cốm được rang sẵn bán với giá 55-60 nghìn đồng/kg.

Theo chị Hồ Thị Hoàn - một lái buôn trên địa bàn xã Hưng Tân - cốm Làng Nam hạt tròn mẩy, xốp giòn và thơm, được khách hàng khá ưa chuộng. Do được sản xuất thủ công, không phụ gia tạo giòn hay chất bảo quản nên an toàn cho sức khỏe.

Thức quà vặt này giá cả cũng khá bình dân nên lượng khách khá đông, có nhiều người xa quê mua cả yến để làm quà.