1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cà Mau: Làng cốm gạo vào vụ Tết

(Dân trí) - Những ngày giáp Tết Nguyên đán, làng cốm Tân Thành (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) trở nên tất bật hơn để cho ra “lò” những mẻ cốm phục vụ Tết.

Ghi nhận của phóng viên, làng cốm Tân Thành (phường Tân Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) đã có từ rất lâu, đây được xem là một nghề truyền thống đặc trưng của người dân địa phương.

Trước đây, người dân làm cốm gạo chủ yếu để sử dụng trong gia đình, hoặc làm quà biếu khách vào những dịp lễ, đám tiệc… chứ không buôn bán nhiều.

Sau đó, vì được ưa chuộng, ở đây mới hình thành nên làng nghề làm cốm và trở nên là một trong những nguồn thu nhập chính của người dân, nhất là dịp Tết.

Theo Hội Phụ nữ phường Tân Thành, nghề làm cốm gạo giải quyết việc làm và tạo thêm thu nhập cho người dân nhàn rỗi khi tham gia tổ hợp tác của địa phương.

Cà Mau: Làng cốm gạo vào vụ Tết - 1

Nghề làm cốm gạo cũng đã mang lại thu nhập cho người dân địa phương, nhất là vào dịp Tết.

Bà Nâu (ngụ khóm 5, phường Tân Thành) cho biết, mỗi ngày bà làm cốm gạo thành phẩm bán được khoảng 30kg, với giá 50.000 đồng/kg. Theo bà Nâu, từ tháng 12 âm lịch, cốm gạo bán “chạy” hơn vì nhu cầu của thị trường dịp Tết, mỗi ngày bà có thể bán khoảng 100kg.

Về quy trình làm cốm gạo, những người lành nghề cho biết, trước tiên phải rang cốm nổ (cốm nổ từ gạo) trên chảo lửa khoảng 5 phút. Sau đó cho đường, hành lá, gừng, nước, đậu phộng (lạc) vào chảo rồi nấu hỗn hợp khoảng 15 phút trong lửa nhỏ.

Khi đường chuyển sang màu vàng nhạt thì cho cốm nổ vào ngào thật đều tay để cốm không dính vào nhau. Tiếp đó, cho cốm vào khuôn bằng gỗ, dùng chai thủy tinh cán đều, rồi cắt cốm ra thành từng miếng nhỏ cho vào bịch nilong (thành phẩm).

Cà Mau: Làng cốm gạo vào vụ Tết - 2

Theo người dân, làm cốm gạo cũng không cần nhiều người, nhưng cần phải khéo tay để cho ra "lò" những mẻ cốm ngon. (Ảnh: CTV)

Theo người dân địa phương, vào dịp cận Tết, nhu cầu mua cốm gạo từ người tiêu dùng tăng mạnh nên đầu ra tương đối ổn định. Tuy giá nguyên liệu làm cốm đều tăng theo thị trường vào dịp Tết, nhưng các hộ làm cốm vẫn giữ mức giá bán là 50.000 đồng/kg.

Qua thống kê của địa phương, trải qua thời gian, số lượng người theo nghề làm cốm gạo không còn nhiều như trước.

Nhưng thị trường vẫn còn, nên nhiều người theo nghề đã mở rộng sản xuất với mong muốn giữ nghề, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.

H.H - C.L