1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Kiên Giang:

Rủi ro nghề chạy đò ở xã đảo Thổ Châu

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Tại xã đảo Thổ Châu (Kiên Giang), cả trăm người quanh năm đang sống bằng nghề chạy đò. Sóng gió và hiểm nguy luôn túc trực nhưng người chạy đò vẫn bươn chải trên biển vì mưu sinh.

Những ngày giữa tháng 5, chúng tôi đã có chuyến công tác tại xã đảo Thổ Châu (thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Xã đảo Thổ Châu cách trung tâm hành chính của thành phố Phú Quốc khoảng 120 km và cách đất liền khoảng 200 km.

Hiện nay, xã Thổ Châu có trên 500 hộ dân sinh sống với gần 2.000 nhân khẩu. Bà con nơi đây sống chủ yếu bằng nghề câu, lưới. Một ít hộ nơi đây chuyên mua bán nhỏ, như: Buôn bán tạp hóa, rau cải, dịch vụ ăn uống, giải khát…Trên đảo, người dân chưa thể trồng được các loại rau, hoa quả như đất liền, tất cả phải vận chuyển từ đất liền ra đảo.

Khi chúng tôi đến đảo Thổ Châu cũng là lúc gió Nam nổi sóng, thuyền trưởng cho tàu xuôi về bãi Dong neo đậu. Tuy nhiên, tàu không thể cập cảng, du khách phải xuống các ghe nhỏ vượt sóng biển vào bờ với tiền công 20.000 đồng/khách.

Nghề chạy đò giữa biển khơi Kiên Giang

Chị Phan Thị Hơn, một phụ nữ sống bằng nghề chạy đò nhiều năm ở xã Thổ Châu, chia sẻ: "Mặc dù công việc không nặng nhọc, nhưng hiểm nguy luôn trực chờ, nhất là vào mùa mưa bão. Chuyện ghe chìm, gió hất xuống biển như cơm bữa. Những lúc như vậy, nhờ bộ đội biên phòng, ngư phủ cứu hộ, mới bám được nghề đến nay".

Theo chị Hơn, khi các tàu cá vào bãi tránh bão hay vào tiếp nhiên liệu hoặc bán cá, các ngư phủ có nhu cầu vào bờ. Từ đó hình thành nên nghề chạy đò trên biển. Ngoài việc đưa các ngư phủ ra vào bờ, đội quân chạy đò còn chở thương lái ra thu mua hải sản, trao đổi các nhu yếu phẩm cần thiết với các chủ tàu.

Vì nhu cầu cao nên trước đây nghề chạy đò làm ăn khấm khá. Người làm nghề có thu nhập từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày là điều bình thường.

Nhưng hiện nay, số lượng đò tăng cao, trong khi tàu cá về Thổ Châu trú ngụ giảm một nửa. Bởi vậy, người làm nghề chạy đò chỉ kiếm vài trăm nghìn đồng mỗi ngày đã được xem như... trúng xổ số.

Rủi ro nghề chạy đò ở xã đảo Thổ Châu - 1

Lúc cao điểm, hơn 150 chiếc đò hoạt động tại bãi Dong.

Ông Lâm Thành Sơn, một người hành nghề chạy đò và ngụ ở ấp Bãi Ngự, chia sẻ: "Nghề chạy đò trên biển như nghề tài xế chạy xe ở các thành phố lớn. Những hôm trời nổi giông gió, mưa bão, ngoài việc lái tàu thế nào để tránh va chạm thì dân chạy đò còn phải giữ chân vững chắc để khỏi bị gió hất xuống biển. Để phòng thân, trên tàu bao giờ cũng để sẵn áo phao, can nhựa để có cái bám víu".

Theo ông Sơn, mỗi năm, xã đảo Thổ Châu đều xuất hiện mùa gió Nam và mùa gió Bắc. Gió mùa Nam bắt đầu từ tháng 4 âm lịch đến tháng 8 âm lịch. Những tháng còn lại là mùa gió Bắc. Khi gió Nam thổi lên, dân chèo đò phải chuyển hết về bãi Dong để hành nghề. Đến mùa gió Bắc, dân chèo đò lại di chuyển về bãi Ngự.

Giải thích về cuộc sống "cuốn theo chiều gió" của dân chèo đò xã Thổ Châu, ông Sơn cho biết: "Vì gió Nam tới, tàu cá không thể neo đậu ở bãi Ngự mà phải qua bãi Dong neo đậu. Ngược lại, khi gió Bắc tới, tàu thuyền không đậu ở bãi Dong mà phải về bãi Ngự. Dân chạy đò chủ yếu phục vụ ngư dân, tàu cá… Nên họ đi đâu, dân chạy đò chạy theo đến đó".

Rủi ro nghề chạy đò ở xã đảo Thổ Châu - 2

Chị Phan Thị Hơn - một hộ dân sống bằng nghề chạy đò bên vùng biển xã Thổ Châu cho biết, làm nghề này nếu ai nhát thì không làm được.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trường Vũ - Bí thư xã Thổ Châu - cho biết: "Nghề chạy đò có từ thời mới thành lập xã Thổ Châu (tháng 4/1993). Ban đầu chỉ dùng tay để chèo đò, sau đó dùng máy để thay cho sức người. Qua thống kê sơ bộ, hiện nay có trên 150 người sống bằng nghề chạy đò. Bà con hành nghề tự do, chưa có bến bãi, quy định giá cả cũng như chính sách hỗ trợ gì cho người chạy đò trên biển".

Theo ông Vũ, nguồn lợi thủy sản trên vùng biển Thổ Châu đã cạn kiệt, số lượng tàu đánh bắt cá cũng giảm đáng kể. Chính điều này ảnh hưởng đến đời sống người dân trên xã đảo. Vì đa phần người dân sống phụ thuộc vào hậu cần nghề cá, chỉ một số hộ có ghe nhỏ đi câu mực, mò ốc...

Do đó, ông Vũ mong muốn lãnh đạo tỉnh, Trung ương quan tâm, giúp Thổ Châu phát triển kinh tế. Đặc biệt là việc hỗ trợ xã Thổ Châu cơ chế phát triển ngành du lịch vì hiện nay bà con trên đảo khó sống với nghề biển.

Một số hình ảnh về công việc của người chạy đò tại xã đảo Thổ Châu:

Rủi ro nghề chạy đò ở xã đảo Thổ Châu - 3

Do số lượng người chạy đò nhiều, chị Phan Thị Hơn chỉ có thu nhập từ 100.000 - 300.000 đồng/ngày.

Rủi ro nghề chạy đò ở xã đảo Thổ Châu - 4

Ông Lâm Thành Sơn đang chuẩn bị di chuyển nhà và ghe sang bãi Dong để hành nghề chèo đò.

Rủi ro nghề chạy đò ở xã đảo Thổ Châu - 5

Mỗi khi có tàu khách ra xã Thổ Châu, dân đưa đò kiếm vài trăm nghìn đồng/chuyến.

Rủi ro nghề chạy đò ở xã đảo Thổ Châu - 6

Những người chạy đò chủ yếu hoạt động tự do.