Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
"Xây dựng chính sách việc làm thông thoáng, hướng tới người lao động..."
(Dân trí) - "Cần tạo môi trường để phát triển thị trường lao động đồng bộ, thống nhất, hiệu quả với tinh thần nhanh nhất, thông thoáng nhất và vì lợi ích của người lao động" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Sáng ngày 27/5, tại Hà Nội, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH có buổi làm việc với Cục Việc làm về các vấn đề xây dựng thể chế, tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng tham mưu, dự báo về chiến lược lao động việc làm quốc gia.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và các Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Lê Văn Thanh, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Bá Hoan, Nguyễn Văn Hồi, đại diện lãnh đạo các cục vụ liên quan của Bộ cùng dự.
Phát huy nhân tố lực lượng lao động
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Việc làm là một trong những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và đối với đất nước. Trong đó, việc xác định cung cầu và dự báo thị trường lao động có tác động to lớn tới sự chuyển động của hàng loạt các vấn đề kinh tế xã hội".
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, công tác bám sát thông tin thị trường lao động việc làm, hướng dẫn chi trả bảo hiểm thất nghiệp và đẩy mạnh hoạt động hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp, chuyển đổi nghề cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch.
"Với phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Việc làm đã chú ý triển khai thực hiện, bám sát các nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ. Tham mưu ban hành kịp thời, đúng quy trình các văn bản hướng dẫn địa phương, thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành, hoàn thành các nhiệm vụ đột xuất phát sinh"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu.
Đặc biệt, Cục đã tham gia giải quyết sự cố môi trường biển ở miền Trung và ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 năm 2020.
Cũng theo Bộ trưởng, sự phối hợp giữa Cục Việc làm với các đơn vị liên quan đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn tồn tại một số hạn chế, đó là: Việc tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ vấn đề việc làm và lao động còn chậm, còn nhiều tồn tại trong công tác quản lý lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc, quá trình thúc đẩy chuyển dịch lao động chậm so với chuyển động và độ mở của nền kinh tế.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu Cục Việc làm tập trung quán triệt tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội về các chỉ tiêu lao động, việc làm, tỷ lệ thất nghiệp…
"Trong đó, phải tạo ra môi trường, động lực để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất và hiệu quả. Để đạt mục tiêu đó, điều quan trọng nhất là cần tập trung phát huy nhân tố lực lượng lao động, làm sao để lực lượng này trở thành mục tiêu, trung tâm và chủ thể và là nguồn lực chủ yếu để phát triển" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng lưu ý Cục Việc làm cần tập trung nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của người nghèo, người yếu thế, lao động ở khu vực không có quan hệ lao động theo tinh thần của Bộ luật Lao động 2019; gắn với việc giải quyết tốt bảo hiểm thất nghiệp và phát huy Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trở thành công cụ quản trị thị trường lao động.
Định hướng hoạt động cho Cục Việc làm trong năm 2021, người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo: "Đơn vị phải khẩn trương rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến lao động việc làm, phát hiện ra những bất cập, để kịp thời đề xuất Bộ sửa đổi, thay thế, bổ sung và điều chỉnh với "Tinh thần nhanh nhất, thông thoáng nhất và tất cả vì lợi ích của người lao động".
Ngoài ra, Cục Việc làm cần tập trung xây dựng hệ thống dự báo cung cầu lao động ngắn hạn và trung hạn trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có tác động hiện nay, đánh giá tổng thể về quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Về vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu dự báo cung - cầu việc làm, Bộ trưởng đề nghị Cục Việc làm lựa chọn những doanh nghiệp có tiềm lực và uy tín tham gia, đề xuất trình lãnh đạo Bộ quyết định trong tháng 6/2021.
Gần 29.900 tỷ đồng cho vay tạo việc làm
Báo cáo tại cuộc họp, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, cho biết: "Từ năm 2020 đến nay, Cục đã tham mưu cấp có thẩm quyền ký ban hành 3 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 1 thông tư...".
Từ việc tham mưu chính sách lao động việc làm, năm 2020, cả nước đã giải quyết việc làm cho 1,27 triệu người. Đây là sự cố gắng rất lớn trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Cục đã đẩy mạnh hỗ trợ tạo việc làm qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi.
Tính đến ngày 31/10/2020, tổng nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm là gần 29.900 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.
Cục Việc làm đã tổ chức thực hiện chính sách lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo đúng quy định, thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc…
"Đánh giá chung, các nội dung công tác chủ yếu trong lĩnh vực việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động đã được Cục triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và có tác động tích cực, đẩy mạnh việc hoàn thành chỉ tiêu của Bộ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội" - ông Vũ Trọng Bình thông tin.
Tuy nhiên theo Cục trưởng Cục Việc làm, bên cạnh những thành tích đạt được vẫn còn một số các hạn chế như: Chưa hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động - việc làm; công tác dự báo dự báo thị trường lao động còn chưa tốt; đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết tất cả các đối tượng có quan hệ lao động.
Để khắc phục những khó khăn và tồn tại nêu trên, ông Vũ Trọng Bình đề nghị Lãnh đạo Bộ đề xuất Chính phủ xây dựng Đề án đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động - việc làm đồng bộ, liên thông, đầu tư phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm có sự liên kết toàn quốc và gắn với thị trường lao động...