"Rồng đất" bất ngờ nổi đầy đồng, người dân kéo nhau đi xúc
(Dân trí) - Sau đợt mưa lớn, các cánh đồng ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình, rươi xuất hiện nhiều, người dân kéo nhau ra xúc "lộc". Việc có rươi tại khu vực này cũng là chuyện hiếm gặp.
Sau những trận mưa lớn, trên đồng lúa ngập nước ở thôn 5 xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) xuất hiện rất nhiều rươi. Theo quan sát, rươi nổi dày đặc, mỗi con to bằng chiếc đũa, dài 3-5cm.
Nhiều người dân trên địa bàn hùa ra xúc rươi về để chế biến món ăn bởi đây là loại đặc sản rất hiếm gặp tại địa phương.
"Tôi biết con rươi này nhưng đây là lần đầu tiên thấy xuất hiện trên cánh đồng lúa quê mình. Bà con cũng ra xúc rươi về ăn vì biết đây là một loại đặc sản, chế biến được nhiều món ăn rất ngon", ông Nguyễn Lợi chia sẻ.
Xưa nay, con rươi thường chỉ xuất hiện ở một số khu vực ở miền Bắc vào tháng 9, 10 và 11 Âm lịch. Những vùng có nhiều rươi sinh sống nhất là Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh...
Theo ông Nguyễn Cẩm Long - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch, việc con rươi xuất hiện trên cánh đồng huyện này là rất hiếm. Rươi cũng chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn nên người dân chủ yếu xúc về chế biến món ăn chứ không đủ lượng để bán.
Con rươi là loài nhuyễn thể thuộc họ rươi, ngành giun đốt. Thân rươi dẹt, dài khoảng 6-7cm, rộng khoảng 5-6mm, trên thân có 65 đốt với nhiều màu sắc khác nhau như: Hồng, trắng, nâu... phần lưng trên phủ một lớp tơ dài và dày.
Hình dáng của con rươi với màu xanh xanh, đỏ đỏ, nhơn nhớt khiến nhiều người thấy e ngại, thậm chí là sợ hãi khi nhìn. Nhưng những món ăn từ rươi, nếu đã thử, ai cũng phải gật gù thừa nhận đó là "đặc sản".
Ở Việt Nam, rươi còn được biết đến với tên gọi là "rồng đất". Loài sinh vật này thường sinh sống ở các khu vực nước lợ, các vùng tiếp giáp giữa nước lợ và nước ngọt.