Nuôi "rồng đất" kết hợp trồng lúa mang lại thành quả bất ngờ cho lão nông
(Dân trí) - Vốn là khu vực ruộng kém hiệu quả, người dân bỏ hoang, ông Hiển thuê lại rồi cải tạo để nuôi rươi, kết hợp trồng lúa đã mang lại nguồn thu nhập cao bất ngờ.
Ông Nguyễn Văn Hiển (SN 1964, tổ dân phố 2, phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh) là người đầu tiên ở địa phương cải tạo ruộng hoang để nuôi rươi kết hợp trồng lúa, mang lại thành công bất ngờ.
Theo ông Hiển, hơn 2 năm trước, trong lần được UBND phường Đại Nài cho đi tham quan mô hình nuôi rươi ở Hải Phòng, ông đã suy nghĩ đến việc phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi loài "lộc trời" này.
Ý tưởng của ông Hiển được sự ủng hộ của gia đình lẫn chính quyền địa phương. Sau khi thành phố có chủ trương về tích tụ ruộng đất, đầu năm 2021, ông đã mạnh dạn thuê 1,5ha trồng lúa kém hiệu quả ở khu vực Đồng Tùng, phường Đại Nài để xây dựng mô hình trồng lúa hữu cơ, kết hợp nuôi rươi.
"Trước đây khu vực này cũng từng có con rươi, song khi làm hoa màu, thuốc bảo vệ thực vật ngấm vào đất khiến loài này khan hiếm, ít xuất hiện. Khu vực Đồng Tùng những năm gần đây sản xuất lúa không hiệu quả, nhiều diện tích bị bỏ hoang, nên tôi đã thuê lại để thực hiện mô hình nuôi rươi kết hợp trồng lúa", ông Hiển chia sẻ.
Sau khi có ruộng, ông thuê máy móc về cải tạo, tăng chất mùn cho đất. Vì con rươi sống trong môi trường rất sạch, không hóa chất nên việc trồng lúa phải tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Cùng với việc cải tạo đất, ông tiến hành xây dựng hệ thống cống dẫn nước, thoát nước để tạo môi trường thuận lợi cho con rươi phát triển. Trong vụ Xuân 2021, 1,5ha lúa trồng theo hướng hữu cơ đã cho năng suất gần 5 tấn, được người dân hết sức ưa chuộng.
"Lúa trồng mỗi năm một vụ, từ tháng 1 đến tháng 4 Âm lịch. Theo ông Hiển, ruộng rươi không có hóa chất, mùn từ rươi tạo ra giúp cây sinh trưởng, vì vậy lúa sẽ rất sạch, an toàn", ông Hiển nói.
Điều bất ngờ hơn nữa là sau khi "nói không" với thuốc bảo vệ thực vật, con rươi đã sinh sôi nảy nở trên diện tích trồng lúa của gia đình ông. Cuối năm 2021, với diện tích nuôi thử nghiệm 4.000m2, ông đã thu hoạch được hơn 35kg rươi, có giá 500.000-600.000 đồng/kg, thu về khoảng 20 triệu đồng.
"Đêm cuối tháng 8 Âm lịch năm ngoái (2021), trời se lạnh, mưa phùn, cả gia đình tôi ra ruộng theo dõi thành quả. Mở nắp cống, soi đèn giữa ruộng thấy nhiều con rươi bơi nhanh theo dòng nước về cống. Thấy cảnh tượng ấy, mọi người cười rồi nói to thành công rồi", ông Hiển nhớ lại lần thu hoạch đầu tiên từ mô hình kinh tế mới của mình.
Cũng theo ông Hiển, do năm đầu chưa có nhiều kinh nghiệm, ông phải thường xuyên gọi điện hỏi những người làm rươi ở miền Bắc, đồng thời lên sách báo đọc để tích lũy kinh nghiệm.
"Nói là nuôi rươi nhưng mình không phải cho ăn gì cả. Mình chỉ cải tạo đất cho tơi xốp sau mùa gặt và trong quá trình trồng lúa không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật", ông Hiển cho biết.
Mùa rươi chính tập trung vào tháng 9, tháng 10 Âm lịch. Và đây cũng là mùa thu hoạch rươi thứ 2 của ông Hiển. Tùy theo con nước, một tháng ông ra ruộng bắt rươi khoảng một tuần, trung bình mỗi đêm thu 3-5kg. Mùa rươi thứ 2 này, ước tính tiền lời sẽ gấp 3 lần vụ trước. Thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hiển sẽ tiếp tục mở rộng diện tích nuôi trồng lên trên 2,5ha.
Bà Lê Thị Nguyệt (SN 1977, vợ ông Hiển) cho biết thêm, mùa vụ năm 2022 được hơn 2 tấn lúa. So với làm lúa đơn thuần thì việc kết hợp nuôi rươi hiệu quả hơn nhiều.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân phường Đại Nài, mô hình của ông Hiển đã nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách về khuyến khích tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất của thành phố như: Kinh phí xây dựng hệ thống cống dẫn nước, thoát nước và giống lúa để trồng theo hướng hữu cơ.
Ngành chuyên môn cũng tư vấn, hướng dẫn kỹ lưỡng quy trình, kỹ thuật trồng lúa hữu cơ và nuôi rươi. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao so với làm nông nghiệp truyền thống.
Rươi thường sống ở vùng cửa sông, cửa biển, nhiều vùng quê gọi là rồng đất. Con trưởng thành dài 7-10cm, thân hình dẹp ngang khoảng 0,5cm. Rươi là thực phẩm bổ dưỡng. Trên thị trường, rươi được bán với giá từ 400.000-700.000 đồng/kg, tùy vào từng thời điểm.