Quy định về hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Bảo hiểm thất nghiệp có được hưởng 1 lần hay không? Đăng ký rồi mới chuyển về quê hay chuyển về quê rồi mới đăng ký? Bạn đọc: cao.tien……@gmail.com
Trả lời:
Thứ nhất: Về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần
1.Các trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Khoản 1 Điều 87 Luật BHXH 2006 bao gồm:
b) Có việc làm;
c) Thực hiện nghĩa vụ quân sự;
2. Các trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này sẽ được hưởng khoản trợ cấp một lần bằng giá trị còn lại của trợ cấp thất nghiệp quy định tại Điều 82 của Luật này.
3. Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này thì thời gian đóng BHTN trước đó không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp lần sau.
Như vậy, trường hợp của bạn nếu chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có việc làm thì sẽ được hưởng khoản trợ cấp 1 lần bằng giá trị còn lại của trợ cấp thất nghiệp theo Điều 82 Luật BHXH 2006.
Thứ hai: Về thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp
Khoản 1 Điều 9 Thông tư 27/2008/TT-BLĐTBXH (Sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư 04/2013/TT-BLĐTBXH) quy định:
“1. Đăng ký thất nghiệp theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung được hướng dẫn thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày NLĐ bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc, nếu NLĐ chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì NLĐ phải trực tiếp đến trung tâm giới thiệu việc làm nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc để đăng ký thất nghiệp. Trường hợp NLĐ có nhu cầu đăng ký thất nghiệp tại trung tâm giới thiệu việc làm không phải là nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc thì khi đăng ký thất nghiệp phải có xác nhận về việc chưa đăng ký thất nghiệp của trung tâm giới thiệu việc làm nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc”.
Hồ sơ hưởng BHTN bao gồm:
a) Đề nghị hưởng BHTN.
b) Bản sao HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc hoặc quyết định thôi việc hoặc xác nhận của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp về
việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc theo đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, NLĐ phải xuất trình sổ BHXH có xác nhận của cơ quan BHXH về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp hoặc bản xác nhận của cơ quan BHXH về việc đóng BHTN.
NLĐ phải trực tiếp nộp đầy đủ hồ sơ hưởng BHTN trong thời hạn 15 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp (ngày thứ nhất trong thời hạn mười lăm ngày là ngày làm việc ngay sau ngày NLĐ đăng ký thất nghiệp).
Thứ ba: Yêu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp ở nơi khác nơi đã làm việc trước khi mất việc làm
Trường hợp bạn đã đóng BHTN ở một nơi và sang tỉnh khác để hưởng BHTN. Theo Thông tư 04/2013/TT-BLĐTBXH Điều 1 Mục 5.
5. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 và Khoản 2 và khoản 3 Điều 9 như sau:
1. Đăng ký thất nghiệp theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung được hướng dẫn thực hiện như đã nêu ở phần hai về thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (bên trên):
Thời hạn 3 tháng nêu trong khoản này được tính theo tháng dương lịch và được tính từ ngày NLĐ mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc đến ngày đó của 3 tháng sau. Nếu tháng kết thúc thời hạn không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó.
NLĐ khi đến đăng ký thất nghiệp có trách nhiệm kê khai đầy đủ các nội dung trong bản đăng ký thất nghiệp theo mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này nộp cho trung tâm giới thiệu việc làm. Riêng đối với trường hợp NLĐ đăng ký thất nghiệp tại trung tâm giới thiệu việc làm khác nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc thì phải nộp cho trung tâm giới thiệu việc làm đó bản xác nhận về việc chưa đăng ký thất nghiệp theo mẫu số 1b nêu trên.
Trung tâm giới thiệu việc làm có trách nhiệm hướng dẫn, xem xét các nội dung của NLĐ kê khai trong bản đăng ký thất nghiệp và khi nhận bản đăng ký thất nghiệp phải trao lại cho NLĐ bản thông tin đăng ký thất nghiệp theo mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
Như vậy, bạn sẽ đến trung tâm giới thiệu việc làm nơi đã làm việc trước đây để xác nhận về việc chưa đăng ký thất nghiệp sau đó sẽ đề nghị chuyển về đăng ký thất nghiệp tại trung tâm giới thiệu việc làm nơi cư trú.
Theo Báo Lao Động