Quy định mức chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 51/2018/QĐ-TTg quy định về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2019-2021.

 Quy định mức chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT - Ảnh 1.
Ảnh minh họa

Theo quy định, mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội năm 2019 bằng 2,15%, năm 2020 bằng 2,0% và năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm xã hội) được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội.

Mức chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp năm 2019 bằng 2,15%, năm 2020 bằng 2,0% và năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi bảo hiểm thất nghiệp (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm thất nghiệp) được trích từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Mức chi phí quản lý bảo hiểm y tế năm 2019 bằng 4,6%, năm 2020 bằng 4,2% và năm 2021 bằng 3,8% dự toán thu tiền đóng bảo hiểm y tế được trích từ số tiền thu bảo hiểm y tế nhưng tối đa không vượt quá mức quy định của Luật Bảo hiểm y tế.

Trường hợp thực hiện thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong năm không đạt dự toán hoặc lớn hơn dự toán, thì mức chi phí quản lý theo tỷ lệ quy định nêu trên tính trên số thực thu, thực chi. Trường hợp thực hiện thu tiền đóng bảo hiểm y tế trong năm không đạt dự toán hoặc lớn hơn dự toán, thì mức chi phí quản lý theo tỷ lệ quy định nêu trên tính trên số thực thu.

Số thực thu, thực chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế từ nguồn ngân sách nhà nước cấp được tính trên cơ sở đối tượng tham gia, đối tượng thụ hưởng, mức đóng, mức hỗ trợ tiền đóng theo quy định của pháp luật.

Mức chi tiền lương đối với CBCCVC và người lao động

Quyết định nêu rõ, mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định được áp dụng đối với các đối tượng sau đây trong chỉ tiêu biên chế hoặc vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm:

a) Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

b) Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an (chỉ áp dụng đối với tổ chức bảo hiểm xã hội là đơn vị dự toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng, tổ chức bộ máy kế toán riêng theo quy định của pháp luật về kế toán).

c) Người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong các trung tâm dịch vụ việc làm địa phương, tổ chức bảo hiểm thất nghiệp trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tiền lương tăng thêm 0,8 lần quy định trên (không bao gồm phụ cấp công vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cáp ưu đãi giáo dục, phụ cấp thu hút ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ) không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và chấm dứt khi thực hiện cải cách chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/2/2019 và được áp dụng cho các năm ngân sách từ năm 2019-2021.

Minh Hiển