Quốc hội bàn chuyện hợp đồng lao động với viên chức
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức (CBCC) và Luật Viên chức (VC) đề xuất đối với tất cả các trường hợp VC được tuyển dụng mới sau khi Luật có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn nhằm khắc phục tình trạng “không có vào, có ra”, tâm lý “viên chức suốt đời” trong đội ngũ viên chức.
Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật tại phiên họp Quốc hội (QH) vừa qua, có 2 phương án đối với nội dung thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với VC tuyển dụng mới.
Trong đó, phương án 1 đề xuất đối với tất cả các trường hợp VC được tuyển dụng mới sau khi Luật có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn nhằm bảo đảm cơ chế cạnh tranh, khắc phục tình trạng “không có vào, có ra”, tâm lý “viên chức suốt đời” trong đội ngũ VC.
Phương án 2 đề nghị giữ như quy định hiện hành, theo đó đối với VC được tuyển dụng mới thì sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn để bảo đảm tâm lý ổn định, tránh cơ chế xin – cho khi đến hạn ký lại hợp đồng. Dự thảo Luật Chính phủ trình QH thể hiện theo phương án 1.
Thẩm tra dự án Luật, trong Ủy ban Pháp luật của QH có 2 loại ý kiến. Đa số ý kiến tán thành Phương án 1. Phương án này bảo đảm bám sát yêu cầu và thể chế hóa được nội dung của nghị quyết Trung ương, tạo sự khác biệt căn bản giữa “công chức” và “viên chức”, khắc phục được hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức là “vào dễ, ra khó”, tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm; đồng thời bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng ký hợp đồng liên tục phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.
Tuy nhiên, phương án này sẽ tạo ra sự không thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động hiện hành là không được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn quá 2 lần; dễ tạo tâm lý không yên tâm cho số viên chức được tuyển dụng mới.
Một số ý kiến tán thành Phương án 2 vì cho rằng phương án này tạo tâm lý yên tâm cho đội ngũ viên chức, bảo đảm sự ổn định, thống nhất trong quản lý viên chức, đồng thời có thay đổi một phần, tạo cơ chế sàng lọc bước đầu, đáp ứng một phần yêu cầu của nghị quyết Trung ương, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động hiện hành.
Băn khoăn về hiệu quảCho ý kiến về nội dung trên, đại biểu Quốc hội (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng cần phải có những cơ chế để mỗi VC luôn ở trong cuộc đua “làm mới mình”, hoàn thành tốt nhiệm vụ để có thể tiếp tục được ký hợp đồng.
“Còn nếu không thì chúng ta cũng mạnh dạn để những VC không hoàn thành nhiệm vụ ra khỏi đội ngũ, để chỗ cho những người trẻ”, ĐB nói.
Còn theo ĐB Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình), để thực hiện được chính sách bỏ “viên chức suốt đời”, người sử dụng lao động phải là người công tâm, chính trực, khách quan, vì lợi ích của cơ quan chứ không cả nể, bao che. ĐB cũng cho rằng cần có cơ chế để ràng buộc người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, ngăn tình trạng sa thải người lao động “vô tội vạ”.
Trong khi đó, ĐB Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) lại cho rằng quy định như trong dự thảo luật “lý giải thì tốt đẹp nhưng trong thực tiễn vấn đề là cơ chế quản lý”. “Đánh giá phân loại CBCC hàng năm vừa rồi làm như thế nào thì giờ vẫn lại đánh giá VC sau này sẽ như thế”, ĐB nhận định.
Theo ĐB Lâm, việc đánh giá VC nếu vẫn làm một cách hình thức thì việc ký lại hợp đồng chỉ là thủ tục hành chính, thậm chí còn làm tăng khối lượng công việc lên chứ không giải quyết được vấn đề là đánh giá xem VC đó đủ điều kiện để ký tiếp hay không.
ĐB Nguyễn Văn Sơn (Đoàn Hà Tĩnh) cũng đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng quy định không để VC suốt đời mà ký hợp đồng theo từng giai đoạn, tránh cực đoan từ thái quá thì kéo theo những ảnh hưởng. “Trong luật cần quy định rõ thời gian thử thách rồi thời gian hợp đồng có thời hạn. Sau thời gian đó, những người đã khẳng định được năng lực của mình thì vẫn phải thực hiện hợp đồng vô thời hạn để chúng ta có những đội ngũ nòng cốt”, ĐB nhận định.