1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bộ trưởng sẽ thêm quyền 'cho từ chức', 'biệt phái' cấp dưới

Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ thêm thẩm quyền “cho từ chức” và “biệt phái” đối với cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý.

Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ thêm thẩm quyền “cho từ chức” và “biệt phái” đối với cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý.

Về nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, dự luật bổ sung quy định “cho từ chức” và “biệt phái”.

Như vậy, ngoài thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, bộ trưởng và các trưởng ngành có thêm thẩm quyền cho từ chức, biệt phái cấp dưới do mình quản lý.

Ngoài ra, bộ trưởng cũng có thêm quyền điều động, luân chuyển, biệt phái người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tổ chức, đơn vị trực thuộc.

Theo lý giải của Bộ Nội vụ, quy định hiện hành về thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang Bộ trong việc bổ nhiệm, biệt phái, điều động, luân chuyển, kỷ luật, cho từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ, công chức chưa phù hợp với một số các quy định của Đảng và của pháp luật về cán bộ, công chức hiện nay.

Việc sửa đổi này nhằm thống nhất với thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của luật Cán bộ, công chức và luật viên chức.

Bên cạnh đó, dự luật bỏ quy định thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc “quyết định thành lập các tổ chức phối hợp liên ngành”, bảo đảm thực hiện thống nhất theo thẩm quyền của Thủ tướng.

Thủ tướng quyết định tổng biên chế công chức

Dự luật cũng sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 28 về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng của luật Tổ chức Chính phủ.

Trong đó đáng chú ý là Thủ tướng được quyền quyết định tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ TƯ đến địa phương. Theo luật hiện hành, việc này sẽ do Chính phủ quyết định.

Bộ Nội vụ cho rằng, việc giao Chính phủ có thẩm quyền quyết định biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước hạn chế tính chủ động và chưa đề cao được trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ. Thực tế hiện nay Thủ tướng đang quyết định giao và điều chỉnh biên chế công chức.

Thủ tướng cũng có quyền quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu Chính phủ cũng có thêm quyền quyết định thực hiện thí điểm những mô hình mới về tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, cấp huyện thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Theo lý giải của Bộ Nội vụ, thẩm quyền của Thủ tướng theo quy định hiện hành vẫn còn bị hạn chế trong việc quyết định thí điểm thành lập các tổ chức thuộc cơ cấu bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ cấu bên trong của UBND, cơ quan chuyên môn thuộc UBND, đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc mở rộng thẩm quyền của Thủ tướng như dự luật là để làm cơ sở thử nghiệm các mô hình quản lý mới, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức, nhằm phục vụ Nhân dân tốt hơn. 

Chính phủ quy định khung số lượng sở ngành, phòng ban

Ngoài ra, dự luật cũng đưa ra nhiều quy định giao thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn cho Chính phủ như quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Đồng thời, Chính phủ quy định tiêu chí thành lập tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan chuyên môn có tính đặc thù thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn thuộc thuộc UBND cấp tỉnh.

Ngoài ra, Chính phủ cũng quy định biên chế tối thiểu của các tổ chức hành chính; quy định số lượng cấp phó tối đa của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập…

Theo Thu Hằng/Vietnamnet.vn