1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quảng Ngãi: Khởi nghiệp ở tuổi 50

Mạnh dạn khởi nghiệp bằng mô hình chế biến hải sản khô và nước mắm, bà Phạm Thị Hồng, ở thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) đã chứng minh rằng, chẳng bao giờ là quá muộn để có được thành công, dù đã bước sang tuổi ngũ tuần.

Năm 2018, khi vừa bước sang tuổi 50, bà Phạm Thị Hồng quyết định khởi nghiệp bằng nghề chế biến hải sản khô và làm nước mắm. Dồn hết vốn liếng tích cóp khoảng 300 triệu đồng để khởi nghiệp, được xem là một quyết định khá mạo hiểm đối với người phụ nữ bước sang tuổi ngũ tuần này.

Bởi điều đó đồng nghĩa với việc bà đang đặt cược toàn bộ khoản tiền "dưỡng già" của hai vợ chồng. Song, với sự quyết đoán của mình, người phụ nữ miệt biển ấy vẫn mạnh dạn theo đuổi đam mê và tin rằng mình sẽ thành công. 

Quảng Ngãi: Khởi nghiệp ở tuổi 50 - 1

Sau 2 năm khởi nghiệp, sản phẩm hải sản khô tẩm gia vị Hồng Tiến của bà Phạm Thị Hồng đã tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Khởi nghiệp ở tuổi 50, ngoài lợi thế về vốn liếng, thì “tài sản giá trị” nhất mà bà Hồng có chính là kinh nghiệm. Những trải nghiệm sau mấy mươi năm tự làm nước mắm, tự phơi cá để ăn tại nhà đã giúp bà Hồng rất nhiều trên con đường gầy dựng uy tín cho cơ sở chế biến của mình.

“Giống như bao phụ nữ vùng biển khác, tôi nằm lòng các bí quyết muối mắm thế nào cho ngon, muối, quết ruốc thế nào để mắm ruốc sánh, mịn và thơm. Rồi cá, mực phơi bao nhiêu nắng là vừa đủ, tẩm ướp gia vị thế nào để cho ra sản phẩm hải sản tẩm gia vị thơm ngon... Nhờ đó, khi khởi nghiệp, tôi chỉ cần tập trung vào khâu tìm kiếm, mở rộng mạng lưới khách hàng, chứ không còn mất thời gian vào việc hoàn thiện chất lượng cho sản phẩm nữa”, bà Hồng bộc bạch.

Những thất bại, va vấp khi còn trẻ đã giúp bà Hồng đưa ra nhiều quyết định đúng đắn, ít rủi ro hơn khi khởi nghiệp.

Đó là, trước khi chính thức ra mắt thị trường bằng cái tên “Cơ sở chế biến Hồng Tiến” vào năm 2018, bà Hồng đã thử đưa một vài dòng sản phẩm hải sản tẩm gia vị của mình ra thị trường để thăm dò, đánh giá thị hiếu khách hàng.

Sau khi nhận được tín hiệu phản hồi tốt từ khách hàng, bà Hồng mới bắt đầu tập trung phát triển các dòng sản phẩm được khách hàng ưa chuộng với số lượng lớn để “trình làng”.

Không chỉ thận trọng trong từng “đường đi, nước bước”, những kinh nghiệm trong mấy mươi năm rong ruổi khắp các chợ để bán cá của mình đã giúp người phụ nữ trung niên Phạm Thị Hồng “đo” được tâm lý người tiêu dùng. Từ đó, giúp bà xác định được chiến lược kinh doanh phù hợp.

“Phương châm của tôi là lãi ít, chỉ bán lấy số lượng. Điều này giúp tôi phát triển được mạng lưới khách hàng sỉ. Chứ nếu bán giá cao, thì hầu như chỉ bán cho khách lẻ. Mà bán cho khách lẻ thì thời gian tiêu thụ sản phẩm sẽ chậm và công sức mà mình đổ vào để tìm kiếm khách hàng sẽ nhiều hơn”, bà Hồng chia sẻ kinh nghiệm.

Không chỉ dùng kinh nghiệm của bản thân để đưa ra thị trường các sản phẩm truyền thống như mắm ruốc, nước mắm, cá đét, cá cơm rim ớt tỏi, cá cơm khô tách xương, bà Hồng còn nhạy bén tìm hiểu thị trường, mày mò thêm công thức chế biến các món mới như mắm ruốc rim me, mực khô, cá khô rim me.

Cứ thế, “hữu xạ tự nhiên hương”, không cần quảng bá, tiếp thị rộng rãi, các sản phẩm từ cơ sở chế biến Hồng Tiến đã nhanh chóng nhận được sự tín nhiệm của khách hàng. 

Chỉ sau 2 năm khởi nghiệp, đến nay, bà Hồng đã phát triển mạng lưới khách hàng rộng khắp và tiêu thụ bình quân mỗi năm từ 700 - 1.000 lít nước mắm, nửa tấn mắm ruốc và gần cả tấn hải sản tẩm gia vị.

Sự thành công của người phụ nữ miệt biển tuổi ngũ tuần ấy, chính là sự khẳng định cho việc, chẳng bao giờ là quá muộn để mỗi người tự thực hiện ước mơ của mình. Bởi cho dù tuổi cao, nhưng chỉ cần tự tin vào ý tưởng, kinh nghiệm, kỹ năng của mình, ai cũng có cơ hội để hướng đến thành công.

Theo Ý Thu
Báo Quảng Ngãi