1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quảng Nam: Gặp người cựu binh nặng tình nặng nghĩa với đồng đội

Công Bính Ngô Linh

(Dân trí) - Dù cao tuổi, ông vẫn dành nhiều thời gian đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, xây dựng nhà tình nghĩa và tạo việc làm cho đồng đội, gia đình cựu chiến binh. Đó là câu chuyện về thương binh Nguyễn Ngọc Sáu.

Nặng nghĩa tình đồng đội

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, năm 1978, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Sáu (SN 1960, trú thôn Xuyên Tây 1, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) tốt nghiệp THPT và thi đỗ vào trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng.

Tuy nhiên, hưởng ứng cuộc tổng động viên, ông cùng người anh trai Nguyễn Ngọc Năm tình nguyện đăng ký tham gia bộ đội.

Tháng 10/1978, ông Sáu được điều động vào chiến trường Đông Bắc Campuchia đánh quân phản động Pôn-pốt.

Trong trận đánh tại một ngọn đồi không tên trên đất Campuchia, ông bị thương nặng, dù được phẫu thuật nhưng vẫn còn 1 mảnh đạn vẫn nằm sâu trong đầu không thể lấy ra.

Quảng Nam: Gặp người cựu binh nặng tình nặng nghĩa với đồng đội - 1

Cựu chiến binh, thương binh 3/4 Nguyễn Ngọc Sáu

“Tại chiến trường Campuchia, mỗi ngày chúng tôi phải đánh từ 4-6 trận. Chúng tôi là tân binh, vừa chiến đấu vừa huấn luyện, có rất nhiều đồng chí đã hi sinh. Những vết thương nhỏ trên thân thể tôi làm sao so được với máu của những đồng đội đã ngã xuống”, ông Sáu nhớ lại.

Sau khi điều trị 2 tháng, ông tiếp tục được chuyển vào mặt trận 479, Quân đoàn 4, Quân khu 9

Với nỗi trăn trở tới các đồng đội đã hy sinh, nhiều năm qua, ông Sáu đã tham gia cùng Ban liên lạc Trung Đoàn 96 Quảng Nam (Sư đoàn 309, Quân đoàn 4) đi tìm hài cốt những đồng đội.

Do sức khỏe không được tốt vì mảnh đạn trong đầu hành hạ những lúc trái gió chuyển trời nên ông Sáu đảm nhận công việc hậu cần.

Quảng Nam: Gặp người cựu binh nặng tình nặng nghĩa với đồng đội - 2

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Sáu trong buổi lễ trao tặng nhà tình nghĩa cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Nói là hậu cần nhưng việc rất nhiều và vất vả, từ việc liên hệ với các địa phương về hồ sơ thủ tục đến chuẩn bị nghi thức đón hài hài cốt đồng đội về lại quê hương.

Mỗi lần đưa các anh về nghĩa trang chôn cất tử tế, ông đều cảm thấy hạnh phúc nhất.

"Kỷ niệm khiến tôi xúc động nhất là vào dịp này năm 2017, lúc trao Huân chương liệt sĩ Nguyễn Văn Dũng - chiến sĩ Trinh sát Trung đoàn 96, hi sinh tại chiến trường Tây Nam Campuchia được tổ chức tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Duy Xuyên”, ông Sáu chia sẻ.

Sau 40 năm mong mỏi tin con, người mẹ già 86 tuổi ôm chặt lấy hài cốt con trai khóc nức nở khiến những người có mặt tại buổi lễ vô cùng xúc động.

Quảng Nam: Gặp người cựu binh nặng tình nặng nghĩa với đồng đội - 3

Nhiều năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Sáu đã tham gia cùng Ban liên lạc Trung Đoàn 96 Quảng Nam (Sư đoàn 309, Quân đoàn 4) đi tìm hài cốt những đồng đội hi sinh

Ngoài ra, mỗi năm, Ban liên lạc Trung Đoàn 96 còn huy động các tấm lòng hảo tâm để giúp đỡ các cựu chiến binh có hoàn cảnh gia đình khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Từ những kết quả đạt được, ông nhận được nhiều Bằng khen từ Trung ương đến địa phương và được Hội Cựu chiến binh huyện Duy Xuyên bầu là đại biểu dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Quảng Nam lần VII, đại biểu hội nghị thương binh tiêu biểu làm kinh tế giỏi Quảng Nam tháng 7/2017, đại biểu dự Đại hội “Phong trào thi đua cựu chiến binh gương mẫu 5 năm giai đoạn 2014-2019” tỉnh Quảng Nam…

Từ năm 2017, cùng với chế độ hỗ trợ của nhà nước, Ban liên lạc Trung Đoàn 96 đã vận động thêm kinh phí hơn 150 triệu đồng xây dựng 4 căn nhà tình nghĩa ở huyện Duy Xuyên, trong đó ông Sáu là một trong những người hỗ trợ nhiều nhất.

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Sáu luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ cho anh em đồng đội và bà con xóm giềng khi gặp khó khăn, hoạn nạn, đồng thời giúp đỡ họ để cùng nhau vươn lên xóa đói giảm nghèo bằng cách cho vay vốn làm ăn.

Hằng năm cùng với địa phương, hỗ trợ trên 200 suất quà cho những hội viên cựu chiến binh, cựu quân nhân già yếu, khó khăn và những hộ thuộc diện trợ cấp xã hội có điều kiện, đầm ấm mỗi khi tết đến xuân về…

Ý chí vươn lên

Với suy nghĩ “thương binh tàn nhưng không phế”, khi về phục viên, ông Sáu trăn trở làm sao vượt qua khó khăn làm giàu bằng chính đôi tay của mình.

Sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Trung ương 2 (Đà Nẵng) năm 1983, ông Sáu trở về địa phương lập cơ sở sản xuất gia công hàng mộc trang trí nội thất.

Quảng Nam: Gặp người cựu binh nặng tình nặng nghĩa với đồng đội - 4
Quảng Nam: Gặp người cựu binh nặng tình nặng nghĩa với đồng đội - 5

Đảng, Nhà nước ghi nhận cho những việc làm, cống hiến của Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Sáu

Bước ngoặt trên con đường phát triển kinh tế của ông Sáu là vào năm 2006, khi Nhà nước tiến hành đóng cửa rừng. Không còn nguồn gỗ để sản xuất, phát triển kinh tế, ông nghiên cứu tìm hướng đi mới.

Thời gian này, với sự phát triển của xã hội, nhiều công trình xây dựng ồ ạt được triển khai, kéo theo nhu cầu về vật liệu xây dựng ngày càng cao.

Tích góp được chút vốn liếng, ông quyết định huy động vốn và vay ngân hàng thành lập Công ty TNHH Gạch tuy-nen Gia Phú với nguồn vốn hơn 14 tỷ đồng.

Nhiều lần đứng trước bờ vực phá sản vì chất lượng gạch kém, không tiêu thụ được nhưng ông Sáu đã cố gắng tìm tòi học hỏi, từng bước vượt qua khó khăn và đạt được thành công. Hiện nay, gạch của ông được phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bởi chất lượng tốt, uy tín.

Với công suất 40.000 viên gạch/ngày, giải quyết việc làm ổn định cho 60 công nhân tại địa phương, trong đó có 37 lao động là vợ, con của hội viên cựu chiến binh, cựu quân nhân với mức lương bình quân 5-6 triệu đồng/tháng.

Hàng tháng, vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Sáu còn nấu hơn 400 suất cơm phát miễn phí cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua doanh nghiệp do ông Sáu làm giám đốc vẫn duy trì hoạt động sản xuất để ổn định đời sống người lao động. Tuy nhiên, ông yêu cầu toàn bộ công nhân thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch bệnh.

Tấm gương vươn lên

Nhận xét về người cựu binh Nguyễn Ngọc Sáu, ông Văn Bá Ảnh (Chủ tịch Hội cựu chiến binh thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) cho biết, trong cuộc sống hàng ngày, ông Sáu rất quan tâm đến người lao động, mỗi khi công nhân ốm đau hay người nhà bị bệnh, ông đều tổ chức thăm hỏi, động viên.

Nhờ sự sẻ chia của ông Sáu, nhiều gia đình công nhân trước đây có hoàn cảnh khó khăn nay đã ổn định cuộc sống, có điều kiện chăm lo cho con em học hành đến nơi đến chốn.

Thời gian qua, ông rất tích cực tham gia cùng với Ban liên lạc Trung đoàn 96 Quảng Nam (Sư đoàn 309, Quân đoàn 4) đi tìm hài cốt các liệt sĩ, những người đồng đội của ông đã anh dũng hi sinh trên chiến trường Campuchia đưa về quê nhà an táng.

“Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Sáu là tấm gương về người thương binh tàn nhưng không phế, thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Không những vậy, ông còn được nhiều người dân yêu mến, tin tưởng, là tấm gương dân vận khéo, tuyên truyền vận động hội viên cựu chiến binh, nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương”, ông Ảnh cho biết.