1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quảng Bình: "Hái" mỗi năm nửa tỷ đồng từ khu đầm lầy dân từng chê ỏng chê eo

Từ 5ha đầm lầy nhiều người chê ỏng chê eo, anh Đỗ Quang Bổng ở Quảng Bình bỏ công sức, tiền của cải tạo để trồng sen, biến nơi đây thành đầm sen kết hợp du lịch sinh thái, lãi nửa tỷ đồng mỗi năm.

Thu tiền tỷ từ đầm sen

Giữa cái nắng gắt tháng 6, phóng viên Báo điện tử Danviet.vn tìm đến thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), trên cánh đồng xanh màu mạ non, đầm sen đang nở rộ khoe sắc thuộc sở hữu của nông dân Đỗ Quang Bổng, trú tại thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình).

Tâm sự với phóng viên, anh Bổng nhớ lại: "Vùng đất này trước đây là đầm lầy, xã thu hồi làm đất dự phòng và cho người dân thầu sản xuất. Sau đó, tôi xin thầu lại, đầu tư tiền của cải tạo và xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang trồng sen".

Quảng Bình: Hái mỗi năm nửa tỷ đồng từ khu đầm lầy dân từng chê ỏng chê eo - 1

Anh Đỗ Quang Bổng hằng ngày lội xuống đầm sen để chăm sóc cho cây và nuôi cá. Ảnh: PV

Theo anh Đỗ Quang Bổng, năm 2014, anh bắt tay vào cải tạo vùng đầm lầy, vốn là nông dân, để có đủ số vốn anh phải chạy khắp nơi vay mượn hơn 200 triệu, thuê máy, nhân công về cải tạo. Đến năm 2016, anh mới bắt đầu trồng 2ha sen và 3ha lúa.

Do vùng ruộng sâu, trũng, lại thường bị nhiễm mặn, nhiễm phèn nên 3ha lúa cho năng suất thấp, còn 2ha sen, do chưa có kinh nghiệm nên cũng không mang lại hiệu quả kinh tế cao.

"Những năm đầu tiên bỏ quá nhiều tiền để cải tạo, trồng lúa, trồng sen nhưng chưa thu được lãi còn bị thua lỗ. Thời gian đó tôi rất suy sụp, có lúc vợ tôi còn đuổi ra khỏi nhà, phải ra cất nhà ở bên đầm sen để ngủ", anh Bổng nhớ lại.

Không bỏ cuộc, anh Đỗ Quang Bổng chuyển hẳn 5ha sang trồng sen, anh đã hành trình vào các tỉnh Đà Nẵng, Huế… học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng sen trên đất ruộng. Bên cạnh đó, anh Bổng bỏ tiền thuê hẳn chuyên gia về dạy cách trồng, chăm sóc sen.

Quảng Bình: Hái mỗi năm nửa tỷ đồng từ khu đầm lầy dân từng chê ỏng chê eo - 2

Mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá, du lịch sinh thái của anh Đỗ Quang Bổng. Ảnh: PV

Theo anh Đỗ Quang Bổng, thời điểm xuống giống sen là đầu tháng 2 và sau 4- 6 tháng có thể cho thu hoạch.

Khi trồng sen giống khoảng 1 tháng, phải bón phân để kích thích ra rễ nhanh. Khi sen được 2 tháng, tiến hành bón lần nữa để kích thích cây đẻ nhánh. Đến thời điểm sen phát triển đều trên mặt hồ và ra hoa bói, tiếp tục bón phân Kali và NPK. Khi thu hái lứa đầu tiên, bón thêm với lượng phân tương tự.

Thời điểm bắt đầu thu hoạch, phải chú ý kiểm tra phát hiện sâu ăn lá để có biện pháp xử lý kịp thời. Trong quá trình trồng và chăm sóc, cần tăng cường thêm phân chuồng ủ và phân hữu cơ để tăng chất lượng sen.

Thời gian chờ đợi sen cho hạt, anh Bổng thả cá để tận dụng mặt nước và các chất phù du từ ao sen. Hiện anh nuôi 2 tấn cá lóc, cá diếc, cá diêu hồng.

Quảng Bình: Hái mỗi năm nửa tỷ đồng từ khu đầm lầy dân từng chê ỏng chê eo - 3

Anh Đỗ Quang Bổng lội bùn thu hoạch đài sen. Ảnh: PV

Theo tính toán của anh Bổng, trồng sen kết hợp nuôi cá cho thu nhập cao gấp 5 đến 7 lần so với trồng lúa và nhiều lần so với các cây trồng khác.

Sen nở rộ vào tháng 4 đến tháng 8. Sen hạt được các thương lái đến thu mua tận nơi. Đầu vụ, giá sen hạt khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg, cuối vụ khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg.

Nói về dự định tương lai, anh Bổng cho biết sẽ bỏ tiền mua máy móc về để chế biến các sản phẩm từ sen.

Hút khách du lịch nhờ trồng sen

Năm 2019, nhận thấy nhu cầu du lịch của người dân, anh Đỗ Quang Bổng phối hợp với CLB Khởi nghiệp huyện Lệ Thủy, biến 5ha hồ sen thành khu du lịch sinh thái.

Để tạo không gian phong phú cho du khách, anh Bổng phối hợp với các bạn trẻ trong CLB Khởi nghiệp xây dựng chòi lá, làm cầu tre để du khách đến chụp hình, câu cá và chế biến các món ăn, phục vụ ngay bên hồ sen.  

Quảng Bình: Hái mỗi năm nửa tỷ đồng từ khu đầm lầy dân từng chê ỏng chê eo - 4

Việc kết hợp trồng sen, nuôi cá và du lịch sinh thái, giúp anh Đỗ Quảng Bổng lãi nửa tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Pv

 Trung bình mỗi ngày khu vực đầm sen của anh Bổng đón khoảng 100 - 150 khách đến tham quan, trải nghiệm, với giá vé mỗi khách chỉ 15.000 - 20.000 đồng, mỗi bông hoa sen được bán 3.500 – 4.500 nghìn đồng và mỗi cân sen hạt bán cho khách khoảng 50.000 – 60.000 đồng, cho anh thêm nguồn thu nhập.

Với mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá, du lịch, anh Bỗng thu lãi nửa tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho từ 7-10 lao động thường xuyên với mức thu nhập ổn định.

Bên cạnh đó, anh Đỗ Quang Bổng còn là chủ nhiệm HTX Sen Hồng, anh hỗ trợ giống sen, chia sẻ kinh nghiệm để người dân trồng sen đạt hiệu quả cao và giúp bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Theo Trung Thuần

DanViet.vn