Hà Tĩnh: Dùng rơm "làm áo" cho hành, kiếm hàng chục triệu đồng

(Dân trí) - Nhiều năm trước, nông dân thường gom rơm rồi đốt bỏ. Tuy nhiên, hiện rơm đang được nông dân nhiều xã ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) thu gom phục vụ cho những cánh đồng "đẻ" hàng chục triệu đồng/ha.

Sau thu hoạch lúa, những ngày này, trên các cánh đồng của xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc) và một số xã ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) rất đông bà con nông dân nhộn nhịp ra đồng để thu gom rơm - một thứ mà trước đây bà con thường đốt bỏ ngay giữa ruộng.

Hà Tĩnh: Dùng rơm làm áo cho hành, kiếm hàng chục triệu đồng - 1

Trước đây nông dân nhiều xã tại huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) thường đốt bỏ rơm sau thu hoạch.

Từ sáng sớm, trên những đám ruộng ở xã Thiên Lộc, bà con nông dân tranh thủ tiết trời còn râm mát xuống đồng gom rơm sau thu hoạch. Họ đưa rơm tới những nơi khô ráo tiếp tục phơi nắng để buổi chiều rơm đủ khô chất lên xe đưa về nhà. 

Đến cuối chiều, khi mặt trời sắp lặn cũng là lúc những xe rơm đủ loại nối đuôi nhau về làng. 

Hà Tĩnh: Dùng rơm làm áo cho hành, kiếm hàng chục triệu đồng - 2

Không khí thu hoạch rơm vào lúc 7h sáng trên cánh đồng thôn Lồng Lộng (xã Thuần Thiện, Can Lộc). (Ảnh: Thiên Vỹ).

Ông Trần Văn Chung, một hộ dân ở thôn Lồng Lộng gạt mồ hôi nhễ nhãi khi đang gom rơm cho biết, trước đây, sau khi thu hoạch, người dân trong xóm thường đốt bỏ rơm ngay giữa ruộng.

"Trâu bò dùng không hết, lại mất công thu gom nên không còn cách nào khác là bà con đành đốt bỏ", ông Chung nói. 

Tuy nhiên, theo ông Chung từ khoảng 4-5 năm trở lại đây, khi phong trào trồng hành tăm thương phẩm mang lại giá trị kinh tế cao phát triển mạnh, rơm trở thành một phụ phẩm rất quan trọng để cải tạo đất, giữ độ ẩm. 

"Phủ rơm, rạ trên ruộng hành tăm giúp hạn chế cỏ dại, tạo độ ẩm đất cao hơn. Bên cạnh đó khi rơm phân hủy sẽ tạo thành phân hữu cơ khiến củ hành tăm to và mập hơn"- ông Chung cho hay.

Ông Trần Hữu Thịnh ở thôn Lồng Lộng (Thuần Thiện) cho biết: “Gia đình tôi trồng 3 sào hành tăm. Ngoài việc lấy hết số rơm trên 8 sào ruộng nhà, tôi còn đi xin của bà con các xã lân cận về phục vụ cho việc trồng hành tăm của mình”.

Hà Tĩnh: Dùng rơm làm áo cho hành, kiếm hàng chục triệu đồng - 3

Nông dân Thiên Lộc gánh rơm về nhà để chuẩn bị cho vụ trồng hành tăm bắt đầu từ tháng 6 (Ảnh: Thiên Vỹ).

Ông Đặng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc cho biết, Thiên Lộc là địa phương có lợi thế đất cát pha rất hợp với cây hành tăm.

Từ chỗ chỉ được trồng xen, năm 2014, nhiều thôn đã trồng đại trà với tổng diện tích 50ha. Với hiệu quả kinh tế đạt từ 12 - 15 triệu đồng/sào, diện tích hành liên tục được mở rộng, bình quân hàng năm tăng 20ha.

Ông Anh đánh giá cao việc người dân tích cực tận dụng rơm làm phụ phẩm trong quá trình cải tạo, làm đất trồng hành.

"Trước đây, bà con ở đây dùng lá thông để phủ áo cho ruộng hành, nhưng thông có nhựa và lâu phân hủy nên ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Còn rơm rất phù hợp, được lợi nhiều đường nên bà con tận dụng tối đa để trồng hành"- ông Tuấn Anh cho biết.

Hà Tĩnh: Dùng rơm làm áo cho hành, kiếm hàng chục triệu đồng - 4

Những ruộng hành tăm ở Thiên Lộc xanh tươi nhờ phủ rơm giữ ẩm.

Vì thế, theo ông Anh, đến nay, toàn xã đã có 127 ha hành tăm. Trừ thôn Đoàn Kết ở gần Quốc lộ 1, còn lại 9/10 thôn đều sản xuất hành. Trong đó nhiều nhất là ở các thôn: Hoà Thịnh, Trường Lộc, Đông Nam, Thiên Hương, Tân Thượng.

Hà Tĩnh: Dùng rơm làm áo cho hành, kiếm hàng chục triệu đồng - 5

Theo ông Anh, hành tăm Thiên Lộc không chỉ cung cấp cho thị trường nội tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh lân cận. Hiện nay, xã đang tích cực phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiến hành xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hành tăm của xã. 

Hà Tĩnh: Dùng rơm làm áo cho hành, kiếm hàng chục triệu đồng - 6
Hà Tĩnh: Dùng rơm làm áo cho hành, kiếm hàng chục triệu đồng - 7

Củ hành tăm trở thành một sản phẩm chủ lực trong sản xuất nông nghiệp ở Thiên Lộc, huyện Can Lộc.

Theo tìm hiểu của Dân trí, ngoài Thiên Lộc, nông dân ở các xã Thuần Thiện, Vượng Lộc (huyện Can Lộc) và một số xã ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh hiện cũng tận thu triệt để rơm phục vụ cho cây hành tăm cho thu nhập từ 12-15 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều lần trồng lúa chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng/sào.

Văn Dũng