"Quan tâm nhiều hơn để người lao động yên tâm tu nghiệp tại Nhật Bản"
(Dân trí) - Tiếp Chủ tịch Hiệp hội Nagomi, ông Takebe Tsutom, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị phía Nhật tăng cường quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thực tập sinh Việt Nam.
Sáng 17/10, tại trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có cuộc gặp gỡ, làm việc với ông Takebe Tsutomu, Chủ tịch Hiệp hội Nagomi, Cố vấn cao cấp Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt.
Tiếp đón ông Takebe Tsutomu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, trong chuyến thăm Nhật Bản đầu tháng 9 vừa qua, ông có dịp tham dự hội thảo do Nagomi tổ chức với chủ đề tăng cường tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang làm việc tại Nhật.
Bộ trưởng đánh giá cao những ý kiến đóng góp thẳng thắn, thiết thực từ phía Nhật về chủ đề tiếp nhận thực tập sinh.
Xuyên suốt cuộc trao đổi với ông Takebe Tsutomu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề cập 3 vấn đề lớn: Thứ nhất là thực tập sinh và lao động đặc định theo hai thỏa thuận đã ký.
Thứ 2, hợp tác phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ví dụ người lao động vừa làm việc tại Việt Nam có thể sang Nhật thực tập sau đó quay về Việt Nam làm việc và ngược lại. Việt Nam có thể đặt hàng Nhật Bản đào tạo ở những lĩnh vực khó mà Việt Nam đào tạo chất lượng chưa cao và ngược lại Nhật Bản có thể đặt hàng Việt Nam đào tạo nhân lực chất lượng cao để sang Nhật làm việc.
Thứ 3, phối hợp xây dựng mạng lưới an sinh. Trong đó có sự hợp tác về bảo hiểm xã hội, các vấn đề an sinh xã hội, sự hợp tác cần toàn diện hơn nữa để người lao động khi tham gia có việc làm thỏa đáng, an sinh xã hội bền vững.
Bộ trưởng Dung mong hai nước sẽ mở rộng phát triển, hợp tác toàn diện cả 3 vấn đề nêu trên.
Bộ trưởng đề nghị Nhật Bản tăng cường quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thực tập sinh Việt Nam trong bối cảnh đồng Yên biến động trong thời gian vừa qua.
"Việc đồng tiền Yên giảm giá có tác động không nhỏ, làm giảm thu nhập của người lao động (bình quân người lao động mất khoảng 36% thu nhập - PV). Trong khi đó, lao động Việt Nam tại Nhật Bản phải chịu 2 loại thuế (thuế cư trú và thuế thu nhập).
Nếu như áp dụng 2 loại thuế này cho tất cả các đối tượng thì khác nhưng tôi thấy một số nước được giảm 2 loại thuế này trong khi lao động Việt Nam tại Nhật đông và chất lượng nên thực tế nhiều lao động đang gặp nhiều khó khăn.
Tôi đề nghị các nghiệp đoàn cần quan tâm hỗ trợ nhiều hơn để người lao động Việt Nam yên tâm tu nghiệp tại Nhật Bản", Bộ trưởng Dung đề nghị.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay Nhật là một trong những thị trường lao động ngoài nước được nhiều lao động Việt Nam ưa thích do có điều kiện làm việc tốt, mức thu nhập ổn định.
Trong 15 nước phái cử thực tập sinh đến Nhật Bản làm việc thì Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh tiếp nhận hàng năm và tổng số đang làm việc. Những con số thực tế, theo ông Dung, đã phản ánh điều đó.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn Nhật Bản sẽ mở rộng thêm các ngành nghề tiếp nhận nhân lực Việt Nam, nhất là các lĩnh vực mà Nhật Bản thiếu hụt như dịch vụ nhà hàng, khách sạn, lái xe buýt… Đó là những ngành nghề phù hợp với lao động Việt Nam.
"Trong các cuộc tiếp xúc gần đây, các nhà chức trách Nhật Bản mong muốn chúng tôi cung cấp lực lượng lao động trong ngành y, điều dưỡng, chăm sóc người già. Dù đây là những ngành nghề ít người yêu thích nhưng lại rất cần thiết. Tôi cho rằng chủ trương đó rất đúng đắn.
Tôi cũng có dịp vào thăm trung tâm điều dưỡng Osaka, các lao động Việt Nam làm việc tại đây đều có thu nhập tốt, môi trường ổn định. Tuy nhiên, tôi mong muốn Nhật Bản quan tâm hơn nữa đến chế độ, chính sách về tiền lương, môi trường làm việc cho người lao động Việt Nam", Bộ trưởng Dung nói
Về vấn đề đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH Việt Nam cho biết, Việt Nam đang rất chú trọng đến vấn đề này khi ngay cả trong nước đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Trong 3 dòng chuyển đổi, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi nhân lực thì ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là chuyển đổi nhân lực để hướng tới nguồn lao động trình độ đại học, cao đẳng có chất lượng cao.
Nhật Bản có thể chuyển hướng, đặt hàng với Việt Nam về việc đào tạo, bao nhiêu nghề, bao nhiêu trường, chỉ tiêu thế nào hoàn toàn chúng tôi có thể đảm nhận được, đáp ứng tốt những gì thị trường Nhật đang cần", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ.
Một vấn đề nữa Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn Nhật bản sẽ quan tâm hơn đến quyền lợi người lao động, lao động bị cưỡng bức, trọng tâm là ở các doanh nghiệp để ngăn chặn mọi sự xâm hại có thể xảy ra đối lao động Việt Nam trong thời gian làm việc tại Nhật Bản.
Đáp lời, ông Takebe Tsutomu, bày tỏ sự đồng cảm và chia sẻ với những ý kiến người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH Việt Nam đã đề cập.
Ông đánh giá rất cao những thể chế, chính sách mà Việt Nam đã xây dựng đối với người lao động. Chủ tịch Hiệp hội Nagomi tin rằng, giữa hai nước nếu có sự hợp tác tốt thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả.
Ông Takebe Tsutomu cho biết, lãnh đạo Nhật Bản đã tiếp cận 3 vấn đề mà Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề cập.
"Tháng 11 năm nay dự kiến chính phủ Nhật Bản sẽ họp bàn để sửa đổi chính sách", ông Takebe Tsutomu thông tin.