1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đề nghị tăng cường hỗ trợ thực tập sinh người Việt tại Nhật Bản

Tiến Tuấn Phạm Anh Thắng

(Dân trí) - Trong chuỗi hoạt động dày đặc tại Nhật Bản, ngày 6/9, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm việc với các tổ chức, nghiệp đoàn tiếp nhận số lượng lớn thực tập sinh Việt đến làm việc trong gần 30 năm qua.

Chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản lần này của Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng thu hút sự quan tâm của nhiều chính khách và các tổ chức chính giới tại Nhật Bản.

Tiếp Hạ nghị sỹ khu vực 1 tỉnh Toyama Tabata Hiroaki - đảng viên Đảng Dân chủ tự do đến chào xã giao, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao vai trò và những đóng góp tích cực của Hạ nghị sỹ khi trên cương vị là Thứ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội và cương vị Thứ trưởng Bộ nội vụ đối với việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác đưa thực tập sinh Việt Nam đến Nhật Bản làm việc nói riêng và hợp tác trong lĩnh vực an sinh xã hội nói chung.

Với riêng tỉnh Toyama, quê hương của Hạ nghị sỹ Tabata, một trong những địa phương tiếp nhận nhiều thực tập sinh ngành sản xuất chế tạo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị tăng cường công tác phối hợp, đào tạo không chỉ tiếng Nhật mà chú trọng thêm đến huấn luyện kỹ năng và trình độ kỹ thuật cao.

"Số thực tập sinh có kỹ năng, tay nghề cao làm việc ở trung tâm công nghiệp như tỉnh Toyama sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao khi về nước tham gia thị trường lao động. Họ sẽ có những đóng góp thiết thực, hiệu quả góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn lao động chất lượng của Việt Nam trong thời gian tới" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu.

Đề nghị tăng cường hỗ trợ thực tập sinh người Việt tại Nhật Bản - 1

Ông Tabata Hiroaki - Hạ nghị sỹ khu vực 1 tỉnh Toyama, Nhật Bản (Ảnh: Tiến Tuấn).

Đáp lại, Hạ nghị sỹ Tabata cho biết, ông và các cộng sự luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với Việt Nam. Vì thế, trên các cương vị đảm trách, ông đã không ngừng nghiên cứu, đề nghị cải cách các chính sách tiếp nhận thực tập sinh người nước ngoài, trong đó các chính sách với thực tập sinh người Việt có vai trò quan trọng, dẫn dắt. Về lưu ý của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ông sẽ thảo luận với các nghiệp đoàn cũng như chính quyền địa phương để việc tiếp nhận thực tập sinh không chỉ là giải quyết việc làm mà là quá trình hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho Việt Nam.

Tiếp Chủ tịch Diễn đàn kinh tế Việt Nhật Inokuchi Takeo đến chào xã giao, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam đánh giá cao mô hình tiếp nhận mà diễn đàn này đưa ra. Dù số lượng thực tập sinh tiếp nhận chưa nhiều, nhưng chính sách đào đạo và định hướng của Diễn đàn do ngài Inokuchi Takeo và ngài Yoshida Masaaki đồng Chủ tịch đưa ra, nhất là sáng kiến thành lập Đại học Việt Nhật, là dấu ấn quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.

Đề nghị tăng cường hỗ trợ thực tập sinh người Việt tại Nhật Bản - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp Chủ tịch Diễn đàn kinh tế Việt Nhật Inokuchi Takeo (Ảnh: Tiến Tuấn).

Ngoài ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung còn tiếp, làm việc với Chủ tịch JITCO Yagi Hiroaki, lãnh đạo các nghiệp đoàn FUJI, Kanto Joho, COOP Sapporo… Đây là những nghiệp đoàn lớn, tiếp nhận hàng chục ngàn lao động Việt Nam đi thực tập tại Nhật Bản. Đặc biệt, có những nghiệp đoàn đã tiếp nhận thực tập sinh suốt 30 năm nay với hơn 30.000 lao động Việt Nam sang làm việc.

Trao đổi với các nghiệp đoàn, nội dung xuyên suốt mà Bộ trưởng đề cập là yêu cầu tăng cường hơn nữa việc quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thực tập sinh Việt Nam.

Đề nghị tăng cường hỗ trợ thực tập sinh người Việt tại Nhật Bản - 3

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp các nghiệp đoàn đã và đang tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản (Ảnh: Tiến Tuấn).

Bộ trưởng nêu rõ: "Những quy định pháp luật mới của Việt Nam đã có hiệu lực thực hiện giúp giảm thiểu các chi phí cho người lao động đi làm việc ở Nhật Bản. Nhưng những khó khăn khách quan như tác động của việc đồng Yên biến động vừa qua làm giảm thu nhập của người lao động (bình quân người lao động mất 30% thu nhập). Bên cạnh đó, mức thuế áp cao, phải đóng 2 lần với thuế cư trú, thuế thu nhập nên thực tế nhiều lao động đang gặp nhiều khó khăn. Tôi đề nghị các nghiệp đoàn cần quan tâm hỗ trợ nhiều hơn để người lao động Việt Nam yên tâm tu nghiệp tại Nhật Bản".

Phát triển nguồn nhân lực vì lợi ích hai nước 

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tham dự tọa đàm do Liên minh Nghị sĩ thúc đẩy chung sống với lao động nước ngoài và NAGOMi (Tổ chức công ích Hiệp hội toàn quốc về hỗ trợ cùng phát triển nhân lực nước ngoài tại Nhật Bản) tổ chức với chủ đề tăng cường tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản, hướng tới xây dựng xã hội nhân lực toàn cầu cùng phát triển. Tham dự tọa đàm có hơn 80 nghiệp đoàn lớn, tiếp nhận lao động Việt Nam và Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam.

Đề nghị tăng cường hỗ trợ thực tập sinh người Việt tại Nhật Bản - 4

Quang cảnh cuộc tọa đàm NAGOMi tại Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: Tiến Tuấn).

Theo thống kê, số thực tập sinh Việt Nam hiện chiếm trên 60% tổng số nhân lực người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản. Tuy nhiên, nhiều thực tập sinh còn phải chi những khoản phí môi giới thông qua trung gian, dẫn đến bỏ trốn. Vừa qua, Việt Nam đã sửa Luật về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Phía Nhật đánh giá, đây là điểm quan trọng nhằm giảm phí và đưa ra các điều luật tích cực để thúc đẩy quá trình hợp tác về lao động giữa hai nước.

Đề nghị tăng cường hỗ trợ thực tập sinh người Việt tại Nhật Bản - 5

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại tọa đàm NAGOMi (Ảnh: Tiến Tuấn).

Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng LĐ-TB&XH nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Nhật Bản trên mọi mặt, trong đó quan hệ hợp tác phát triển nguồn nhân lực là quan trọng hàng đầu. Hiện Việt Nam là quốc gia có số thực tập sinh ở nhật cao nhất, gần 370.000 người.

Từ quan điểm đó, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm ở trong nước, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Hàng năm, số lao động đi làm việc ở nước ngoài chiếm khoảng gần 10% số tạo việc làm mới.

Người đứng đầu ngành lao động điểm lại những chương trình, dự án đã hợp tác triển khai với Nhật Bản như Chương trình thực tập sinh kỹ năng, Chương trình lao động kỹ năng đặc định, Chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định hợp tác kinh tế VJEPA. Các hoạt động đã được Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam phối hợp với các đối tác Nhật triển khai, phát huy hiệu quả suốt thời gian qua.

Chương trình thực tập sinh kỹ năng, trong hơn 30 năm qua đã tiếp nhận hơn 350.000 thanh niên Việt Nam tham gia, hiện đang có hơn 200.000 người đang thực tập tại Nhật.

Chương trình lao động kỹ năng đặc định, hai nước đã ký kết và chính thức công bố Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) đầu tháng 7/2019. Hiện có khoảng 41.000 lao động đặc định Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.

Đề nghị tăng cường hỗ trợ thực tập sinh người Việt tại Nhật Bản - 6

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời câu hỏi của các nghị sỹ Quốc hội Nhật Bản và các đoàn thể quản lý quan tâm về chương trình hợp tác lao động, đào tạo nguồn nhân lực giữa hai nước (Ảnh: Tiến Tuấn).

Ông Dung nhấn mạnh, Chương trình phái cử thực tập sinh và lao động kỹ năng đặc định Việt Nam sang Nhật Bản là các hoạt động hợp tác về phát triển nguồn lực giữa Việt Nam và Nhật Bản vì lợi ích của hai quốc gia. Vì vậy, các cơ quan liên quan hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác theo nội dung Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) đã ký giữa hai bên để nâng cao chất lượng và hiệu quả các chương trình, tạo điều kiện cho nhiều lao động và thực tập Việt Nam sang Nhật Bản làm việc theo đúng quy định của pháp luật hai nước, giảm thiếu hụt nguồn nhân lực của các doanh nghiệp Nhật Bản, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác Việt - Nhật.

Bộ trưởng tin tưởng, với sự nỗ lực cố gắng của hai bên, chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh, lao động kỹ năng đặc định giữa hai nước sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, làm cầu nối bền chặt hơn cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.