Phú Yên: Cần lưu ý đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn

(Dân trí) - Ngày 19/10, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc với tỉnh Phú Yên về thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Qua buổi làm việc, Bộ trưởng nhấn mạnh tỉnh Phú Yên cần lưu ý đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhất là việc sử dụng nguồn vốn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Báo cáo về công tác thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong 9 tháng đầu năm 2017, ông Phan Đình Phùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết. Thời gian qua nhiều chỉ tiêu trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu.

Cụ thể: Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi toàn tỉnh dưới 2,5%; tỷ lệ lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội trên tổng số lao động chiếm 17,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 61,02%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 45,01% trong lực lượng lao động; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm xuống còn 8,03% trên tổng số hộ toàn tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc của Bộ LĐ&TBXH với tỉnh Phú Yên
Quang cảnh buổi làm việc của Bộ LĐ&TBXH với tỉnh Phú Yên

Về lao động việc làm, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 19.350 lao động, đạt 78,97% kế hoạch đề ra, trong đó lao động làm việc trong tỉnh là 13.280 lao động; lao động làm việc ngoài tỉnh là 5.780 lao động; xuất khẩu lao động là 290 lao động.

Trong việc cải thiện quan hệ lao động, bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và xã hội, tỉnh đã tổ chức tuyên truyền phổ biến Bộ luật lao động tại các doanh nghiệp, cơ quan, trường học, hội đoàn thể, phường, xã, thị trấn cho 4.473 lượt người.

Công tác theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách tiền lương được thực hiện tốt, giúp các doanh nghiệp thực hiện mức lương tối thiểu của vùng theo quy định.

Về công tác đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 22 cơ sở dạy nghề, trong đó cơ sở dạy nghề trung ương quản lý với 02 cơ sở; cơ sở dạy nghề địa phương quản lý là 20 cơ sở.

Trong năm 2017 có 8.021 người được đào tạo nghề với các cấp trình độ; cao đẳng nghề 1.011 người; trung cấp nghề 1528 người; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 03 tháng 5.482 người. Tỷ lệ thông qua đào tạo là 61,02%, trong đó tỷ lệ lao động thông qua đào tạo nghề là 45,01%.

Nhận định về chính sách người có công, ông Phan Đình Phùng cho biết: Tỉnh Phú Yên thực hiện đầy đủ các chính sách đền ơn đáp nghĩa cho gần 7.000 người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Bằng các nguồn lực xã hội và Nhà nước đã huy động 15 tỷ đồng để xây dựng mới 122 nhà tình nghĩa; sửa chữa nhà cho 503 hộ gia đình có công với cách mạng.

Trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tỉnh Phú Yên đã bố trí kinh phí hoạt động hàng năm trên 2,7 tỷ đồng để thực hiện các đề án như: Đề án phát triển nghề công tác xã hội, Đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Đề án trợ giúp người khuyết tật…

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Sau khi nghe báo cáo của các sở ngành tỉnh Phú Yên, tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị lãnh đạo tỉnh Phú Yên phải làm rõ 4 vấn đề quan trọng. Trước hết là việc thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững.

Thứ hai là quan tâm đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhất là việc sử dụng nguồn vốn gắn với xây dựng nông thôn mới. Vấn đề thứ 3 quan tâm đến sinh kế của người dân. Thứ 4 là tập trung vào vấn đề giải quyết những chính sách cho người có công trong chiến tranh.

Về vấn đề đào tạo việc làm Bộ trưởng nhấn mạnh “Nhất thiết phải quan tâm đến đào tạo nghề, kinh phí cho đào tạo nghề là phải để dành cho đào tạo nghề. Đào tạo nghề theo địa chỉ, phải dự báo được công việc, mức thu nhập để khi ra trường người lao động phải có việc làm, chứ không phải đào tạo theo phong trào. Mạnh dạn phân bố nguồn vốn của việc dạy nghề cho các trung tâm, huyện xã, đặc biệt chú ý trong đào tạo cho lao động nông thôn. Ngoài ra tiếp tục rà soát lại việc dạy nghề, đặc biệt các trung tâm dạy nghề của tỉnh Phú Yên, quy hoạch lại mạng lưới trung tâm hoạt động không hiệu quả, tinh thần là tích hợp lại, các trung tâm dạy nghề 2 trong 1, 3 trong 1. Ví dụ như 1 trường cao đẳng có thể đào tạo được 3 chương trình, sơ cấp, trung cấp và cao đẳng sau này người ta có điều kiện muốn liên thông cũng dễ cho họ…”.


Trong năm 2017 tỉnh Phú Yên đã đào tạo được cho 8.021 lao động với các cấp trình độ

Trong năm 2017 tỉnh Phú Yên đã đào tạo được cho 8.021 lao động với các cấp trình độ

Về chính sách người có công Bộ trưởng nói, phải chăm lo các chính sách cho người có công với phương châm “người có công phải được hưởng đầy đủ các chính sách xã hội”. Về 123 hồ sơ người có công tồn đọng của tỉnh Phú Yên, tôi đề nghị Sở LĐ-TB&XH tỉnh cùng các ngành liên quan giải quyết ngay, dứt điểm tránh để tình trạng tồn đọng kéo dài, làm sao phấn đấu đến năm 2018 Phú Yên phải giải quyết dứt điểm 123 trường hợp này.

Trung Thi