Góp ý dự thảo nghị định khiếu nại, tố cáo trong lao động, dạy nghề, XKLĐ
(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về việc xây dựng một dự thảo nghị định mới về quy định giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Bộ luật Lao động, Luật dạy nghề, Luật Người lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Trước đó, Nghị định số 119/2014/NĐ-CP được ban hành ngày 17/12/2014 nhằm quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động, Luật dạy nghề, Luật Người lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về khiếu nại, tố cáo.
Sau 3 năm áp dụng, Bộ LĐ-TB&XH nhận định Nghị định 119/2014/NĐ-CP đã bộc lộ một số bất cập.
Luật Dạy nghề ngày 29/11/2006 đã được thay thế bằng Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27/11/2014, trong khi đó Nghị định 119/2014/NĐ-CP vẫn áp dụng dựa trên các căn cứ của Luật Dạy nghề.
Nghị định số 119/2014/NĐ-CP đã loại trừ các đối tượng điều chỉnh là doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Thực tế này dẫn đến các khiếu nại, tố cáo phát sinh từ quan hệ lao động trong doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập không có căn cứ để giải quyết.
Trong khi đó, Luật An toàn, vệ sinh lao động được ban hành, có hiệu lực từ 01/7/2016; Luật Việc làm được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 điều chỉnh nhiều quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động về an toàn vệ sinh lao động, về việc làm.
Nhưng tới nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này.
Dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 119/2014/NĐ-CP bổ sung phạm vi điều chỉnh của Nghị định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết tố cáo đối với quyết định, hành vi về việc làm, quyết định, hành vi về an toàn, vệ sinh lao động.
Cụ thể, dự thảo nghị định không loại trừ đối tượng áp dụng là doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập như Nghị định số 119/2014/NĐ-CP trước đây,
Dự thảo nghị định sửa đổi tên của một số đối tượng cho phù hợp với Luật hiện hành, cụ thể: Sửa “Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dạy nghề” bằng: “Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp”; sửa “người học nghề” bằng “người học trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc trong cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp”; sửa “Tổ chức, cá nhân đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” bằng “Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp của Nhà nước đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.
Dự thảo nghị định bổ sung một số đối tượng áp dụng, gồm: “Người hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp”; “Tổ chức dịch vụ việc làm; tổ chức có liên quan đến hoạt động tạo việc làm cho người lao động”; “Tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia”; “Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến các nội dung nghị định”.
Về giải thích từ ngữ, dự thảo nghị định sửa đổi cụm từ “dạy nghề” bằng cụm từ “giáo dục nghề ngiệp”; sửa đổi cụm từ “Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dạy nghề” bằng cụm từ “Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp” cho phù hợp với luật Giáo dục nghề nghiệp.
Dự thảo nghị định giải thích bổ sung một số cụm từ như: Khiếu nại về việc làm, khiếu nại về an toàn, vệ sinh lao động, tố cáo về việc làm, an toàn, vệ sinh lao động, quyết định về việc làm, hành vi về việc làm, quyết định về an toàn, vệ sinh lao động, hành vi về an toàn, vệ sinh lao động.
Về khiếu nại, dự thảo nghị định bổ sung về quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực việc làm, an toàn, vệ sinh lao động.
Về tố cáo, dự thảo nghị định bổ sung về quyền tố cáo và giải quyết tố cáo trong lĩnh vực việc làm, an toàn, vệ sinh lao động.
Hoàng Mạnh