Phiên GDVL sáng 21/3: Gần 1.000 chỉ tiêu việc làm cho lao động hồi hương

(Dân trí) - “Chương trình là cơ hội để người lao động từng tham gai chương trình EPS và thực tập sinh chương trình IM Japan hồi hương có có hội tiếp cận việc làm trong nước. Đồng thời, các doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng nguồn lao động có tay nghề”.

Phiên GDVL sáng 21/3: Gần 1.000 chỉ tiêu việc làm cho lao động hồi hương - 1

Ông Vũ Quang Thành

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc TT DVVL Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) đánh giá vê Phiên GDVL dành cho lao động người lao động từng tham gia chương trình EPS và thực tập sinh chương trình IM Japan đã về nước.

Gần 1.000 cơ hội việc làm

Chương trình do Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) và TT DVVL Hà Nội tổ chức ngày 21/3 tại Hà Nội, với sự tham gia của 69 doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn FDI của Hàn Quốc, Nhật Bản đóng trên địa bàn Hà Nội và các khu vực lân cận.

Với gần 1.000 chỉ tiêu tuyển dụng hấp dẫn, người lao động có cơ hội lựa chọn nhiều công việc như phiên dịch - biên dịch; tổ trưởng sản xuất, trưởng ca, nhân viên kỹ thuật, lái xe, thợ hàn… Trong đó, số vị trí tuyển dụng yêu cầu nằm trong độ tuổi 26 đến 35 chiếm tới 44 %.

Ông Vũ Quang Thành đánh giá về Phiên GDVL sáng 21/3

Theo Ban tổ chức, mức lương khởi điểm của các vị trí dao động từ 7-15 triệu đồng. Với những công việc đòi hỏi chuyên môn và kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài, nhiều doanh nghiệp chấp nhận mức lương tới 25 triệu đồng/tháng.

“Điều này cũng dễ hiểu bởi nhiều lao động trở về từ Hàn Quốc, Nhật Bản có tay nghề và am hiểu các kỹ thuật cao các dây chuyền sản xuất. Ngoài ra, họ có khả năng giao tiếp ngoại ngữ và có tính kỷ luật trong công việc” - một nhà tuyển dụng cho biết.

Đồng quan điểm trên, Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, phòng nhân sự, Công ty TNHH và Thương mại Sông Hồng cho rằng doanh nghiệp sẵn sàng trả lương xứng đáng cho ứng viên phù hợp với tuyển dụng.

“Công ty tôi kinh doanh cho mảng thuê xe và lái xe. Khách hàng có nhiều người nước ngoài. Do đó, tôi rất hài lòng vì vừa tuyển dụng được một ứng viên làm công việc lái xe và thông thạo tiếng Hàn…” - chị Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết.

Cơ hội rộng mở

Thống kê của Trung tâm Lao động ngoài nước, Việt Nam có khoảng 15.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ hết hạn hợp đồng về nước thời gian tới. Đây được xem là nguồn lao động tiềm năng có tay nghề khá, tác phong làm việc công nghiệp và am hiểu ngoại ngữ.

Phiên GDVL sáng 21/3: Gần 1.000 chỉ tiêu việc làm cho lao động hồi hương - 2

Tuy nhiên, tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc đang có dấu hiệu gia tăng trở lại với tỷ lệ 40%. Còn tại Nhật Bản, tỷ lệ lao động bỏ trốn là 4%.

Có nhiều nguyên nhân của tình trạng trên. Trong đó, có một do bởi trước đây, lao động khi trở về nước đều gặp khó khăn khi tìm kiếm công việc phù hợp.

“Do vậy, mô hình Phiên GDVL như hôm nay là hình thức hỗ trợ cho lực lượng lao động hồi hương. Chương trình vừa hỗ trợ việc làm cho lao động về nước và tuyên truyền đối với những lao động đang làm việc tại nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản” - ông Vũ Quang Thành cho biết.

Cũng theo ông Vũ Quang Thành, phiên GDVL còn cung cấp một thông tin khá đầy đủ về thị trường lao động trong nước ở thời điểm hiện tại, như: Nhu cầu tuyển dụng, mức lương, chế độ đãi ngộ và tính chất công việc khác nhau giữa VN với các nước mà lao động đã từng làm việc…

Được biết, trung bình mỗi năm Trung tâm DVVL Hà Nội tổ chức 2 - 3 phiên chuyên đề dành cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và thực tập sinh đi làm việc tại Nhật Bản theo chương trình IM Jpan.

“Bên cạnh việc tổ chức các Phiên GDVL, trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng cần có thêm những chính sách phù hợp để tận dụng được nguồn lao động từng đi xuất khẩu Hàn Quốc, Nhật Bản về nước. Qua đó cũng góp phần giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Nhật Bản” - ông Vũ Quang Thành nói.

Lê Thắng